Tiếng Việt | English

28/06/2023 - 09:55

Phấn đấu xây dựng Cần Giuộc trở thành thành phố trực thuộc tỉnh

Theo quy hoạch được duyệt, huyện Cần Giuộc với định hướng sẽ phát triển toàn bộ địa giới hành chính, phấn đấu đạt các tiêu chí đô thị loại III và trở thành thành phố (TP) trực thuộc tỉnh Long An trong giai đoạn 2025-2030.

Cần Giuộc hội tụ các điều kiện cần và đủ để định hướng đi lên xây dựng thành phố trực thuộc tỉnh

Nhiều tiềm năng, lợi thế

Huyện có lợi thế lớn về kết nối giao thông, là cửa ngõ tiếp cận trực tiếp với TP.HCM và Vùng Đồng bằng sông Cửu Long thông qua hệ thống giao thông thủy - bộ: Trục Quốc lộ 50, giao thông thủy từ biển Đông qua cửa sông Soài Rạp liên kết với sông Cần Giuộc, lan tỏa và thông thương với các nhánh sông thuộc các tỉnh phía Nam.

Theo Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - Nguyễn Anh Đức, những năm gần đây, được sự quan tâm của Trung ương, tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cần Giuộc tập trung khai thác mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển theo hướng “công nghiệp - đô thị - dịch vụ và nông nghiệp”. Huyện duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 11,87%/năm.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Đây là điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển dịch và hình thành đô thị - công nghiệp của huyện trong tương lai.

Huyện Cần Giuộc thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động

Được xác định là vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, thời gian qua, huyện được tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư. Tính đến nay, trên địa bàn huyện được Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương, quyết định đầu tư 87 dự án công nghiệp, dân cư, tái định cư, thương mại và dịch vụ, nghĩa trang,... với diện tích 5.737ha. Hiện có 8 khu, cụm công nghiệp (K,CCN) đã hoàn thành, đi vào hoạt động. Các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn huyện chủ yếu kinh doanh nhóm ngành kho vận - logistic, cơ khí; tiêu dùng, dược phẩm, y tế; thực phẩm, vật liệu xây dựng,... qua đó, giải quyết việc làm cho trên 60.000 lao động.

Công nghiệp phát triển kéo theo sự hình thành các loại hình thương mại, dịch vụ mới đa dạng với chất lượng phục vụ ngày càng tốt hơn. Toàn huyện có trên 5.000 hộ kinh doanh cá thể; 22 siêu thị, cửa hàng tiện ích,... đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được huyện quan tâm phát triển đồng bộ. Giai đoạn 2021-2022, huyện huy động trên 679 tỉ đồng xây dựng hạ tầng. Trong đó, có một số công trình tiêu biểu: Đường tỉnh (ĐT) 830, ĐT826C, ĐT826E, ĐT835; đường Tân Tập - Long Hậu; cầu Rạch Ván; cầu Cần Giuộc; đầu tư nâng cấp, mở rộng hệ thống thoát nước, vỉa hè tuyến tránh Quốc lộ 50, vỉa hè đường Nguyễn Thái Bình; nâng cấp các tuyến đường giao thông kết nối với TP.HCM, kết nối vùng thượng với vùng hạ của huyện;...

Công trình trọng điểm cầu bắc qua sông Cần Giuộc

Ngoài ra, theo định hướng quy hoạch, trên địa bàn huyện sẽ hình thành mới 2 tuyến đường giao thông huyết mạch: ĐT827E (Quốc lộ 50B), ĐT830E (Vành đai 4) kết nối liên vùng theo hướng Bắc - Nam và hướng Đông - Tây. Đặc biệt, Cảng Quốc tế Long An đưa vào khai thác, góp phần quan trọng trong việc tăng cường kết nối giao thông giữa các địa phương trong khu vực và liên vùng.

Thành phố trong tương lai

Nhiệm vụ quy hoạch chung đô thị Cần Giuộc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1405/QĐ-TTg, ngày 11/11/2022. Về định hướng, TP.Cần Giuộc sẽ có 10 phường, trong đó lấy thị trấn Cần Giuộc hiện hữu là trung tâm để lan tỏa phát triển đô thị ra các khu vực lân cận. So sánh với các tiêu chuẩn của TP (theo Điều 5 Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13, ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính), huyện Cần Giuộc cơ bản đáp ứng đạt 4/5 tiêu chuẩn của đơn vị hành chính TP trực thuộc tỉnh về quy mô dân số; diện tích tự nhiên, đơn vị hành chính trực thuộc; cơ cấu kinh tế và trình độ phát triển KT-XH.

Tuy nhiên, để được xem xét đánh giá, phân loại đạt tiêu chuẩn trở thành TP trực thuộc tỉnh, huyện phải được công nhận đô thị loại III và có số phường trên tổng số đơn vị hành chính cấp xã từ 65% trở lên, tức là phải được công nhận 10 đơn vị hành chính cấp xã đạt tiêu chuẩn phường theo phương án dự kiến thành lập đề án công nhận phường theo tiêu chuẩn đô thị loại III.

Bí thư Huyện ủy Cần Giuộc - Trương Thanh Liêm cho biết, với quyết tâm xây dựng thành công TP.Cần Giuộc trong thời gian sớm nhất, huyện đang tập trung xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện quy hoạch, phân kỳ hợp lý, gắn với nguồn lực thực hiện. Trong đó, huyện tập trung hoàn chỉnh Đồ án Quy hoạch chung đô thị Cần Giuộc để trình UBND tỉnh, Trung ương phê duyệt trong năm 2023, làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo. Đồng thời, lựa chọn các chương trình, dự án chiến lược cần ưu tiên đầu tư có tính khả thi cao, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH.

Bên cạnh đó, huyện huy động mọi nguồn lực đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu đến năm 2025 cơ bản đáp ứng các tiêu chí đô thị loại III và hướng tới công nhận TP.Cần Giuộc; đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025; tập trung hoàn thành các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm: ĐT835, ĐT835B, ĐT826C, đường đê Trường Long, quảng trường sông Cần Giuộc, các tuyến đường huyện kết nối TP.HCM để bảo đảm vấn đề giao thông và tạo mỹ quan đô thị.

Ngoài ra, huyện thực hiện tốt, hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng; phối hợp đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm: ĐT827E, khai thác quỹ đất sạch dọc ĐT826D, đường Tân Tập - Long Hậu (đoạn từ Vành đai 4 đến ĐT830), KCN Long Hậu 3, KCN Đông Nam Á giai đoạn 2, KCN Nam Tân Tập, các CCN, khu tái định cư tập trung,... Huyện chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong công tác quản lý đô thị; quy hoạch, kiến trúc; trật tự xây dựng, đất đai, môi trường và tiếp tục đẩy mạnh công tác chỉnh trang đô thị,.../.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết