Tiếng Việt | English

18/05/2023 - 11:12

Phân loại rác thải tại nhà - Vì môi trường sống của chúng ta

Trong sinh hoạt hàng ngày, con người thải ra môi trường nhiều loại rác. Tuy nhiên, rác có nhiều loại với công dụng lẫn tác hại khác nhau nên cần được phân loại tại nhà trước khi đưa đến điểm tập kết. Phóng viên (PV) Báo Long An có cuộc trao đổi với Phó Trưởng khoa Sức khỏe môi trường - Y tế trường học, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Long An - Thạc sĩ (Ths.) Nguyễn Hoàng Yến xoay quanh nội dung phân loại rác thải tại nhà.

Ths.Nguyễn Hoàng Yến hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn

PV: Thưa bà, vì sao chúng ta cần phân loại rác thải tại nhà (hay còn gọi là phân loại rác thải tại nguồn)? 

Ths. Nguyễn Hoàng Yến: Theo định nghĩa của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 thì chất thải là vật chất ở thể rắn, lỏng, khí hoặc ở dạng khác được thải ra từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác.

Trong đời sống, sinh hoạt, lao động hàng ngày của con người thường phát sinh rất nhiều loại rác thải. Trong những loại rác được thải ra môi trường, có loại dễ phân hủy sinh học trong tự nhiên, có loại có thể được tái chế, tái sử dụng, nhưng cũng có loại rác có thể ảnh hưởng gián tiếp hoặc trực tiếp đến sức khỏe và môi trường sống. Vì vậy, trước khi được đưa đi xử lý, rác thải cần được phân loại ngay tại hộ gia đình. Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, tái chế và tái sử dụng là giải pháp thiết thực nhằm bảo vệ môi trường.

PV: Rác hữu cơ là gì và cách phân loại chúng như thế nào, thưa bà?

Ths. Nguyễn Hoàng Yến: Rác hữu cơ là các loại rác dễ phân hủy sinh học trong tự nhiên. Rác hữu cơ bao gồm: Thức ăn thừa, rau củ quả, vỏ hạt trái cây, bã mía, rơm, bã trà, bã cà phê, trấu, tro, than củi, cỏ, lá cây, hoa, xác động vật, thủy sản, vỏ tôm, cua, trứng,…

Rác hữu cơ được bỏ vào túi màu đen, khoảng 1-2 ngày thì thu gom 1 lần theo quy định. Rác hữu cơ cũng có thể được đem xử lý làm phân bón, sử dụng trong nông nghiệp. Phân bón hữu cơ cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, cung cấp mùn, làm đất tơi xốp, thông thoáng, tăng số lượng và khả năng hoạt động của các vi sinh vật hữu ích trong đất, tăng độ phì nhiêu cho đất, bảo vệ đất như giữ ẩm, giữ nước, chống xói mòn, chống rửa trôi.

PV: Thưa bà, đối với các loại rác có thể tái chế thì chúng ta nên làm gì?

Ths. Nguyễn Hoàng Yến: Rác tái chế là các loại rác hoặc phế liệu có thể sản xuất, chuyển đổi thành sản phẩm, vật liệu mới với khả năng ứng dụng đem lại lợi ích cho con người.

Trong đời sống sinh hoạt hàng ngày thì rác tái chế bao gồm giấy và giấy carton như giấy báo, ly giấy, vỏ hộp bánh giấy, thùng carton đựng sữa,…; các loại rác có thành phần kim loại như vỏ lon nước ngọt, vỏ đồ hộp, ổ khóa, thau, chậu, nồi, chảo,… bằng inox, nhôm; lọ bình bông, chai, lọ đựng giải khát, gia vị,… bằng thủy tinh.

Một loại rác tái chế thường gặp là nhựa như chai nước giải khát, vỏ chai nước rửa chén, nước giặt, xô, chậu bằng nhựa,...; rác có chất liệu làm từ cao su như dép, vỏ, ruột xe,…; các loại túi bằng nylon.

Các loại rác tái chế này, chúng ta bỏ vào túi màu khác, thu gom, bán cho người thu mua phế liệu. Việc tái chế giúp tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí xử lý rác thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và giúp tạo thêm việc làm.

PV: Trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, đôi khi, chúng ta cũng loại bỏ ra môi trường những loại rác nguy hại. Với loại rác này cần xử lý ra sao để bảo đảm an toàn?

Ths. Nguyễn Hoàng Yến: Rác thải nguy hại bao gồm rác thải có tính độc như thuốc trừ sâu, diệt cỏ, thuốc tẩy, dung dịch tẩy rửa, dược phẩm, nhiệt kế thủy ngân, thuốc diệt chuột,…

Rác thải nguy hại còn có những chất dễ nổ như bình gas, bình khí nén,…; dễ ăn mòn như pin, ắc-quy, dung dịch thông cống, dung dịch rửa bếp,…; hoặc chứa chất dễ cháy như sơn, xăng dầu, dung môi,…

Đối với loại rác thải nguy hại này, người dân cần mua đủ dùng, hạn chế tối đa thải bỏ sản phẩm có chứa chất nguy hại dư thừa ra môi trường; hoặc có thể thay thế bằng các sản phẩm ít nguy hại hơn. Rác thải nguy hại cần được thu gom theo quy định và không thải bỏ cùng rác sinh hoạt hoặc đổ bỏ ra đất, cống rãnh, hệ thống thoát nước.

PV: Trong sinh hoạt còn nhiều loại rác thải khác mà chưa được kể đến, vậy chúng ta phân loại ra sao, thưa bà?

Ths. Nguyễn Hoàng Yến: Ngoài 3 loại rác thải nêu trên thì còn có 1 loại rác thải không phải là rác hữu cơ hay rác tái chế, cũng không phải rác thải nguy hại. Rác thải còn lại bao gồm: Tã, băng vệ sinh, vải sợi, quần áo cũ; vỏ nghêu, sò, ốc; giấy gói bánh kẹo; đồ gốm sứ, thủy tinh vỡ; lưỡi lam, dao, kéo; giấy, khăn ăn; tro than đá; cao su như găng tay, đầu lọc thuốc lá, thùng xốp,… Rác thải này được phân loại riêng, bỏ vào túi màu khác, thu gom theo quy định.

PV: Xin cảm ơn Ths. Nguyễn Hoàng Yến về cuộc trao đổi!/.

Thanh Bình

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích