Tiếng Việt | English

20/09/2021 - 14:39

Phân luồng giúp học sinh chọn nghề phù hợp

Khi học sinh (HS) lựa chọn ngành nghề tương lai phù hợp năng lực, sở thích, nhu cầu xã hội thì sẽ nắm được “chìa khóa” thành công. Đó cũng là mục tiêu các trường học trên địa bàn tỉnh Long An hướng tới trong thực hiện công tác định hướng và phân luồng HS, đặc biệt HS sau khi tốt nghiệp THCS.

Năm 2020, HS tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GD nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp đạt 11,76% (với 3.052/25.943 HS), chưa đạt so với chỉ tiêu đề ra trong Đề án “GD hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS trong GD phổ thông giai đoạn 2018-2025” là 21,72%.

Năm 2021, tỷ lệ THCS tốt nghiệp đạt 100% với tổng số 21.443/21.443 HS. Theo đó, chỉ tiêu đề ra trong Đề án “GD hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS trong GD phổ thông giai đoạn 2018-2025” đối với HS sau khi tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GD nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp là 27,24%.

Giáo viên bộ môn theo sát quá trình học tập của học sinh lớp 9, nắm rõ học lực các em, từ đó cho lời khuyên về hướng đi phù hợp trong tương lai (Ảnh tư liệu)

Giáo viên bộ môn theo sát quá trình học tập của học sinh lớp 9, nắm rõ học lực các em, từ đó cho lời khuyên về hướng đi phù hợp trong tương lai (Ảnh tư liệu)

Những năm gần đây, hoạt động giáo dục (GD) hướng nghiệp trong trường phổ thông được đặc biệt quan tâm và thực hiện khá đồng bộ. Các trường chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức GD hướng nghiệp phù hợp thực tế của trường và địa phương. Trường THCS Nguyễn Trung Trực (huyện Bến Lức) đưa tiết hướng nghiệp vào chương trình học của HS lớp 9.

Thầy Nguyễn Thành Dững - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trung Trực, cho biết: “Thông qua các tiết hướng nghiệp, HS được hướng dẫn và chuẩn bị tâm thế, kỹ năng để chọn ngành, nghề phù hợp với năng lực, sở thích trong tương lai. Những HS có học lực trung bình, yếu sẽ suy nghĩ về việc lựa chọn học nghề thay cho học tiếp lên THPT”.

Tại Trường THCS Lý Tự Trọng (TP.Tân An), ngoài tiết hướng nghiệp, trường còn GD hướng nghiệp và phân luồng HS thông qua tiết sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp và lồng ghép trong một số nội dung môn học, đặc biệt là Ngữ văn, Giáo dục công dân,... “Với những nội dung bài học phù hợp, giáo viên chia sẻ thêm với HS về ngành nghề, nhất là ngành nghề đang là nhu cầu của xã hội hiện nay. Giáo viên cũng lồng ghép tuyên truyền về các gương chọn học nghề và thành đạt. Thông qua hoạt động đó, trường muốn khơi gợi cho các em có học lực trung bình suy nghĩ về việc chọn học nghề sau khi tốt nghiệp THCS” - Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng - Lê Phát Hiển cho biết.

Ngoài ra, một số trường thực hiện định hướng và phân luồng HS thông qua việc dạy học gắn với sản xuất, kinh doanh, các hoạt động trải nghiệm ngoài giờ lên lớp,... Không chỉ các trường học hướng nghiệp cho HS, các cơ sở GD nghề nghiệp cũng thực hiện công tác này, đặc biệt là Trường Cao đẳng Long An. Theo đó, các cơ sở GD nghề nghiệp đến trực tiếp các trường THCS để tư vấn, hướng nghiệp và giới thiệu về các ngành nghề đang là nhu cầu của xã hội hiện nay, các chế độ ưu đãi khi học nghề.

Hiệu trưởng Trường THCS Mỹ An (huyện Thủ Thừa) - Huỳnh Thị Quân chia sẻ: “Trong học kỳ 2 của năm học, trường phối hợp Trường Cao đẳng Long An tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho HS lớp 9. Ngoài ra, Trường Cao đẳng Long An còn tổ chức xe đưa, đón 150 HS lớp 9 đến trường để trực tiếp tìm hiểu về môi trường học tập, các ngành nghề đào tạo tại trường”.

Sau khi được tư vấn, hướng nghiệp và tham quan Trường Cao đẳng Long An, Đoàn Văn Anh Tài - HS lớp 9/3, Trường THCS Mỹ An, quyết định không tham gia tuyển sinh lớp 10 mà chọn học nghề. Tài thổ lộ: “Với học lực trung bình, em nghĩ chọn học nghề phù hợp hơn học lên THPT. Ngoài ra, học nghề giúp em được đi làm sớm hơn, có thể phụ giúp gia đình”.

Giáo viên theo sát để hướng dẫn học sinh trong quá trình thực hành (Ảnh tư liệu)

Giáo viên theo sát để hướng dẫn học sinh trong quá trình thực hành (Ảnh tư liệu)

Các địa phương cũng tích cực vào cuộc trong thực hiện GD hướng nghiệp và phân luồng HS. Theo đó, năm 2020, UBND huyện Vĩnh Hưng ban hành kế hoạch truyền thông về GD nghề nghiệp cho HS phổ thông trên địa bàn huyện với các nội dung tuyên truyền về vai trò, vị trí, sự cần thiết của GD nghề nghiệp trong cơ cấu phát triển nguồn nhân lực; đổi mới, nâng cao chất lượng GD nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước,...

Phòng GD và Đào tạo huyện Vĩnh Hưng phối hợp Trường Cao đẳng Long An - Cơ sở Đồng Tháp Mười tổ chức buổi tư vấn, giải đáp các thắc mắc, tìm ra các giải pháp để định hướng, phân luồng cho HS sau tốt nghiệp THCS về: Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp và nhu cầu thị trường lao động trong và ngoài tỉnh; giải đáp những băn khoăn của HS và phụ huynh về học nghề; “con đường” nào dành cho học sinh lớp 9 sau tốt nghiệp THCS; học hết lớp 9 có được học trung cấp, cao đẳng hay không?;...

Thông qua những hoạt động đó, HS, phụ huynh có cái nhìn tích cực hơn về học nghề để lựa chọn, rút ngắn con đường “chạm” đến thành công./. 

Ngọc Sương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích