Hôm qua (16/01), Quốc hội (QH) đã dành cả ngày để thảo luận ở tổ và hội trường thảo luận về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Các đại biểu (ĐB) QH đều nhất trí với việc cần thiết phải ban hành nghị quyết và đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện tám chính sách trong dự thảo.
Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông). Ảnh: PHẠM THẮNG
Quy hoạch, giá cả đang khiến… không ai dám làm
Từ thực tiễn địa phương, ĐB Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho rằng cần làm rõ nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề về “cấp thẩm quyền” quyết nếu dự án vượt tổng mức đầu tư đã được giao hoặc chuyển nguồn. Ở Đắk Nông, kể cả các dự án phát triển kinh tế - xã hội cũng vướng quy hoạch bauxite nên không triển khai được.
“Hai dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, Đắk Nông vướng quy hoạch bauxite đến 80%, không thể triển khai thì có được tiếp tục chuyển nguồn vốn dự án này cho dự án khác thuộc chương trình hay không?” - ĐB Mai đặt vấn đề.
ĐB Lò Thị Luyến (đoàn Điện Biên) ngoài việc góp ý về quy trình, phân cấp thực hiện còn quan tâm đến vấn đề “mua sắm cây trồng, vật nuôi” vì đây là nội dung đang có nhiều vướng mắc về tiêu chuẩn và giá cả.
Theo bà Luyến, giống ở địa phương không đáp ứng được tiêu chuẩn của Luật Chăn nuôi và các văn bản liên quan nên người chăn nuôi nhỏ lẻ dùng giống bản địa đã gặp nhiều khó khăn. Nếu lấy giống đủ tiêu chuẩn ở các nơi khác thì vốn đầu tư lớn, không phù hợp với các gia đình nghèo trong chương trình.
Mặt khác, khi triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo thì bị phản ánh là “giá vật nuôi quá cao, vật nuôi bị ốm”, người dân nhận hỗ trợ cũng không chấp nhận vì vật nuôi ở địa phương giá rẻ hơn, thích ứng tốt hơn. Từ đó, bà Luyến đề nghị để người dân “được mua con giống tại địa bàn là giống bản địa, được lựa chọn theo tri thức bản địa, cảm quan, kinh nghiệm của người dân…”.
Vẫn theo ĐB Luyến, giá thị trường đối với vật nuôi cũng là vấn đề vì có quy định “đơn giá thu mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tính theo giá thị trường trên địa bàn tại cùng thời điểm được UBND cấp xã xác nhận tại giấy biên nhận mua bán với người dân”.
“Địa phương e ngại và người thi hành công vụ cũng không dám bởi sẽ có rủi ro pháp lý xảy ra khi cơ quan thanh tra, kiểm tra vào cuộc. Khi đó có hai trường hợp xảy ra (1) giá đấy đúng, rẻ, phù hợp thì sẽ là phù hợp, (2) giá đó cao, không phù hợp thì là không phù hợp. Như vậy sẽ không ai dám làm” - ĐB Luyến nói.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) tại phiên thảo luận tại hội trường chiều 16/01. Ảnh: PHẠM THẮNG
“Giao là em… đứt”
ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) bày tỏ băn khoăn về năng lực sử dụng vốn ở cấp huyện để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia. Dẫn nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 18/01/2024 cho đến khi có quy định mới, ĐB Trí đặt vấn đề: “Còn mới gì nữa? Tại sao không quy định luôn để làm và để cán bộ khỏi phải ngần ngại, chờ đợi?”.
Mở rộng ý kiến, ĐB Trí đề nghị sắp xếp vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để hỗ trợ con em những gia đình nghèo được đi nhà trẻ, mẫu giáo. Sau khi mô tả khó khăn của con em những gia đình nghèo, ông nói các chương trình mục tiêu quốc gia thường đã được xây dựng các nội dung khá rõ ràng và vốn đã được phân bổ phù hợp.
“Tuy nhiên, tôi nghĩ không nuôi con gì bằng nuôi con người, không trồng cây gì bằng trồng người” - ông Trí nói thêm.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định dự thảo nghị quyết thể hiện các cơ chế mạnh mẽ chưa từng có và các cán bộ phải “làm ngày đêm”. Ba chương trình mục tiêu quốc gia tổng hợp từ rất nhiều chính sách, vấn đề, quy định nên cực kỳ phức tạp, đan xen, thậm chí xung đột với nhau, nếu không gỡ thì không làm được.
Ông Quang cũng nêu rõ nguyên tắc lớn nhất của các cơ chế, chính sách mà Chính phủ kiến nghị QH là phân cấp mạnh, tăng cường năng lực của cơ sở và đòi hỏi tăng cường kiểm tra, giám sát, trong đó có trách nhiệm của ĐBQH, có thể bổ sung trách nhiệm của MTTQ. Từ đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang băn khoăn nếu phân cấp cho huyện, xã có kham nổi hay không.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu ý kiến tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: DUY LINH
“Nếu không khéo thì chúng ta sẽ mất cán bộ. Điện thoại của tôi nhận được rất nhiều tin nhắn của các cán bộ ở huyện, xã xin Phó Thủ tướng đừng giao cho em, giao cho em là em đứt” - ông Quang nói.
Ông cũng dẫn chứng thực tế đi trình, đi xin nhưng không phải xin cái gì cũng được. “Mình về xin cha mẹ mình chưa chắc xin được hết. Vì vậy mới có câu chuyện phải lựa cái gì được, cái gì không và người cho cũng lựa cái gì cho được, cái gì không. Ví dụ, liên quan đến ngân sách nhà nước cho dù 1 đồng cũng phải cực kỳ chặt chẽ và rất nhiều người “đi về nơi xa lắm” vì coi thường việc này” - ông Quang nói và cho rằng không phải “khó khăn quá nên mình buông luôn”.
Đề xuất vượt thẩm quyền để gỡ triệt để các vướng mắc
Thừa ủy quyền của Thủ tướng, trình bày trước QH dự thảo nghị quyết nói trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng từ thực tiễn triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia và cụ thể hóa nhiệm vụ QH giao, Chính phủ đề xuất các giải pháp chính sách đặc thù vượt thẩm quyền của Chính phủ.
Việc này nhằm tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.
|
Theo plo.vn
Nguồn: https://plo.vn/phan-quyen-cho-huyen-xa-phai-kheo-neu-khong-se-mat-can-bo-post772226.html