Tiếng Việt | English

25/10/2016 - 09:08

Dấu ấn Phật giáo ở Long An, tìm trong di sản văn hóa

Theo dòng chảy Nam tiến, Phật giáo là tôn giáo có mặt sớm nhất ở Long An, với tư tưởng bao dung đã dung nạp thêm các yếu tố mới bản địa, qua thời gian kết tụ, trở thành một phần quan trọng của di sản văn hóa ở địa phương.


Di tích chùa Nổi (Cổ Sơn tự) xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng. Ảnh: Hữu Lý

Gần gũi mà sâu sắc

Buổi đầu khai phá vùng đất mới gian khổ, hiểm nguy, để vượt qua khó khăn, người ta chú tâm vào tư tưởng “Phật tại tâm” (cứu nhân, độ thế), đề cao “tứ ân” (ân phụ mẫu, ân quốc gia, ân tam bảo, ân chúng sinh). Tư tưởng, đạo lý ấy của Phật giáo tạo ra một chất keo liên kết trong cộng đồng, góp phần hun đúc nên tính cách, quan niệm của con người Long An gắn bó, yêu thương và tương trợ lẫn nhau, vượt qua mọi khó khăn để sinh tồn và đứng vững trên vùng đất mà “... lạ lùng, chim kêu cũng sợ, cá vùng cũng kinh”.

Phật giáo đi vào ca dao, tục ngữ rất gần gũi mà sâu sắc, là quan niệm nhân - quả "Ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ..."; là lòng từ bi "Một nắm khi đói bằng một gói khi no",...; tình yêu đôi lứa: “Tay bưng quả nếp vô chùa, thắp nhang lạy Phật xin bùa em đeo...”. Phật giáo phản ánh những chặng đường lịch sử của vùng đất này qua truyền thuyết dân gian, như sự tích chùa Thiên Mụ (xã Tân Trạch), chùa Bà Khai (xã Long Định), Cầu Chùa (xã Mỹ Lệ), địa danh Xóm Chùa (xã Tân Lân, huyện Cần Đước), chùa Mục Đồng (xã Long Trạch, huyện Cần Đước), sự tích ông Tăng Ngộ (xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc),...

Dưới ngòi bút của Nguyễn Đình Chiểu trong áng văn bất hủ Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Phật giáo với hình ảnh ngôi chùa Tôn Thạnh đại diện cho những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc hiện lên sáng ngời và vững chãi giữa giai đoạn đầy biến động của lịch sử dân tộc vào nửa cuối thế kỷ XIX:

Chùa Tôn Thạnh năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son gửi lại bóng trăng rằm;

Đồn Lang Sa một khắc đặng trả hờn, tủi phận bạc trôi theo dòng nước đổ.

Tinh thần từ bi, bác ái, bao dung khiến cho Phật giáo chiếm giữ vai trò quan trọng trong đời sống cư dân nơi đây từ những ngày đầu mà Trịnh Hoài Đức ghi trong sách Gia Định thành thông chí, mục Phong tục chí: “... họ sùng đạo Phật...”. Các tập tục trong dân gian đậm màu sắc Phật giáo như: Phật đản, Vu Lan, cúng trăng, rằm tháng 10, bố thí, phóng sanh, ăn chay, cúng sao giải hạn, coi ngày tốt/xấu, hái lộc, trai đàn, cầu an, cầu siêu,... cũng cho thấy điều đó.

Phật giáo khơi nguồn hình thành một số lễ hội dân gian, như: Lễ hội Làm chay (thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành) - vốn có nguồn gốc từ lễ trai đàn. Năm 2015, Lễ hội Làm Chay vinh dự đón nhận danh hiệu Di sản phi vật thể cấp quốc gia và đình Tân Xuân là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Trong Lễ hội miếu bà Ngũ hành Long Thượng (xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc), Đại lễ Kỳ Yên đình thần Tân Phước Tây (xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ), ngoài các nghi lễ cúng thần bảo hộ cộng đồng..., còn có nghi thức cầu an của phật tử địa phương.


Lễ hội Làm chay (huyện Châu Thành). Ảnh: Ngân Ngọc Hương

Dấu ấn đậm nét trong 3 lễ hội dân gian tiêu biểu trên cho thấy, Phật giáo ảnh hưởng và có sự giao thoa với tín ngưỡng dân gian, tạo nên một sắc thái về đời sống tâm linh, tín ngưỡng, phong tục, tập quán và các luồng văn hóa của cộng đồng địa phương Long An.

Hình ảnh ngôi chùa gần gũi, gắn bó và đi vào đời sống tình cảm, tâm thức của người dân, hòa nhập vào làng xóm, thành tên đất, tên làng,... Cho nên mới có Xóm Chùa (xã Tân Lân). Người ta vẫn thân quen với tên chùa Cây Trôm (chùa Diêu Quang) gắn liền với cây Trôm trên 300 năm tuổi - chứng nhân của vùng đất giồng Cái Én (phường Khánh Hậu). Đến nỗi với người dân, nơi thờ phụng nào cũng là chùa, như: Chùa Bà Long Thượng thay vì miếu bà Ngũ hành Long Thượng; chùa bà Thiên Hậu thay vì Thiên Hậu miếu (thị trấn Thủ Thừa); chùa Ông Bổn, chùa Ông thay vì miếu Quan Thánh ở rất nhiều nơi trong tỉnh. Thậm chí, người ta gọi Thánh thất Cao Đài ở ấp 5, xã Phước Tuy, huyện Cần Đước là chùa Cao Đài, rồi ở đây mang danh là xóm Chùa Thất,...


Chùa Phước Lâm (huyện Cần Đước). Ảnh: Internet

Di sản vật thể

Toàn tỉnh hiện có 9 ngôi chùa được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia là: Chùa Tôn Thạnh (xã Mỹ Lộc), chùa Núi (xã Đông Thạnh) thuộc huyện Cần Giuộc và chùa Phước Lâm (xã Tân Lân, huyện Cần Đước); 6 di tích cấp tỉnh là: Chùa Thạnh Hòa (xã Đông Thạnh), chùa Thới Bình (xã Phước Lại) thuộc huyện Cần Giuộc, chùa Linh Nguyên (xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa), cụm di tích chùa Ông và đình thần Nhựt Tảo (xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ), chùa Kim Cang (xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa), chùa Nổi hay còn gọi là Cổ Sơn tự (xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng). Do điều kiện tiếp cận, nghiên cứu, con số trên rất khiêm tốn so với vị trí vốn có của di sản Phật giáo trong di sản văn hóa tỉnh nhà.

“Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông”

(Huyền Không)

Kiến trúc chùa ở Long An tương đối đa dạng, song phổ biến nhất là kiểu hình chữ tam (㆔) với kết cấu chính điện và các gian theo kiểu thức tứ trụ điển hình của kiến trúc đình, chùa Nam bộ vào thế XIX và đầu thế kỷ XX. Đặc biệt, chùa Phước Lâm được tạo tác bởi bàn tay tài hoa của nghệ nhân chạm gỗ cánh họ Đinh ở Cần Đước được giới nghiên cứu đánh giá là “... tiêu biểu cho hình ảnh một ngôi chùa cổ ở Nam bộ...”. Bên trong chùa là hệ thống bao lam, hoành phi, câu đối, mộc bản, tượng Phật, chuông đồng và các tác phẩm điêu khắc khác có giá trị nghệ thuật và tư liệu về lịch sử - văn hóa Phật giáo, cổ văn Hán tự..., được bố trí hài hòa trong không gian kiến trúc truyền thống đậm nét văn hóa Phật giáo Nam bộ. Tiêu biểu như tượng Lo Đời ở chùa Phước Lâm - một tác phẩm “biến thể” độc đáo thể hiện sự sáng tạo và tư tưởng nhập thế mang yếu tố dị biệt địa phương mà chưa thấy ở nơi khác.

Chùa Tôn Thạnh. Nguồn: Internet

Chùa Tôn Thạnh còn lưu giữ pho tượng đồng Địa Tạng Vương Bồ Tát do thiền sư Viên Ngộ đúc vào khoảng năm 1813, tượng A-Di-Đà bằng đất nung có niên đại đầu thế kỷ XIX, tượng Tiêu Diện và Đại hồng chung thế kỷ XIX, mộc bản Bảng Lưu Ký của Tri huyện Phước Lộc Võ Văn Kiết viết về tiểu sử sư Tăng Ngộ. Chùa Kim Cang còn lưu giữ nguyên vẹn 299 mộc bản chữ Hán được tạo tác rất sắc sảo để khắc các loại kinh Phật như: Kim Cang, Bát Nhã, Ba La Mật Kinh, Tân San Bổ chính yếu đại đoàn..., chứng tích đây là ngôi Tổ đình của dòng Lâm Tế, phái Liễu Quán, xưa kia là trung tâm Phật giáo của đất Gia Định, in ấn, phát hành kinh sách Phật giáo, đào tạo tăng tài ở Long An và Nam bộ. Chùa Thiên Mụ (Cần Đước) còn lưu giữ những hiện vật có giá trị tư liệu lịch sử liên quan đến vua Gia Long thời còn tiềm để, như phổ đà, trống sấm, mõ, câu đối,... là chứng tích của một trong những ngôi chùa Phật có mặt sớm nhất ở miền Nam (1790),...

Không chỉ để lại dấu ấn trên bình diện văn hóa mà với tư tưởng nhập thế mạnh mẽ, Phật giáo ở Long An luôn đồng hành cùng dân tộc, đóng góp lớn lao vào sự nghiệp yêu nước, chống ngoại xâm mà áng văn bất hủ Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu ra đời ở chùa Tôn Thạnh như là tiếng chuông khởi nguồn cho truyền thống. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, nhiều chùa chiền, nhà sư, tăng, ni, phật tử trở thành những cơ sở cách mạng, đóng góp lớn vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Đóng góp của Phật giáo ở Long An trong tiến trình lịch sử - văn hóa của Nam bộ và của cả nước góp phần làm sáng ngời tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước có độc lập thì đạo Phật mới dễ mở mang. Đối với con người Việt Nam, Phật giáo đã đóng góp phần hoàn thiện đạo đức cá nhân, lành mạnh hóa quan hệ xã hội, hình thành phong cách, lối sống thuần hậu bao dung. Có thể nói, thái độ ứng xử và giá trị tư tưởng, triết lý của Phật giáo đã hòa quyện với truyền thống văn hóa dân tộc, trở thành di sản, bản sắc quý báu của dân tộc Việt Nam”./.

Nguyễn Tấn Quốc-Nguyễn Bạch Long

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích