Tiếng Việt | English

30/07/2015 - 18:26

Phát huy đạo lý "Uống nước nhớ nguồn"

Trong cuộc sống, bất kỳ một sự vật, thành quả nào cũng đều có nguồn gốc và do công sức lao động làm nên. Ngay cả đến một dải đất nước giàu đẹp của chúng ta hôm nay cũng chính là thành quả của biết bao thế hệ cha ông đã đổ công sức, xương máu, mồ hôi và nước mắt để gây dựng nên. Do đó, người thừa hưởng và sử dụng các thành quả đó phải khắc ghi công lao của những người tạo ra chúng. Vì thế, "Uống nước nhớ nguồn" là đạo lý tất yếu và đã được truyền từ ngàn đời nay của dân tộc ta.

Trong suốt thời gian qua, mỗi địa phương, mỗi ngành, mỗi tập thể, cá nhân đã thể hiện tốt tinh thần đạo lý này của dân tộc, phát huy mọi điều kiện, khả năng của mình để làm nhiều việc tốt đền ơn đáp nghĩa như: Tổ chức thăm viếng và tặng quà, sổ tiết kiệm cho các gia đình chính sách, hỗ trợ các gia đình phát triển kinh tế; thường xuyên phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng; xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, khám bệnh và cấp thuốc miễn phí; đào tạo và hỗ trợ việc làm cho con em gia đình chính sách,…

Ngoài ra, công tác quy tập hài cốt liệt sĩ luôn được duy trì, sửa sang, nâng cấp các nghĩa trang liệt sĩ và hàng vạn công trình ghi công khác. Mỗi việc làm, mỗi công trình đã góp phần thắp lên ngọn nến tri ân, trách nhiệm của xã hội đối với những anh hùng liệt sĩ và các gia đình có công với đất nước.

Đây là những việc làm mang đậm chất nhân văn mà chúng ta rất trân trọng và tiếp tục phát huy. Đồng thời, các hoạt động này đã giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, trách nhiệm của tuổi trẻ đối với đất nước trong giai đoạn hiện nay, chung tay thực hiện công tác xã hội, đền ơn đáp nghĩa, thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ta.

Có thể thấy, những việc làm của thế hệ hôm nay đã thể hiện rõ đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" đối với các thế hệ cha ông đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Không chỉ có thế, mỗi người phải luôn cố gắng, cống hiến bằng chính sức lực của mình cho đất nước để trở thành một con người có ích cho xã hội, đó là cách chúng ta “nhớ nguồn” thiết thực nhất./.

Vĩnh Khang

Chia sẻ bài viết