Ngành chăn nuôi tỉnh định hướng phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô lớn
Phát triển chăn nuôi tập trung
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh - Huỳnh Thị Kim Phượng, hiện nay, quy mô chăn nuôi của người dân trên địa bàn tỉnh vẫn còn mang tính chất nhỏ, lẻ, phân tán và có nguy cơ lây lan, phát tán mầm bệnh cao. Bên cạnh đó, năng suất và hiệu quả chăn nuôi cũng chưa cao; chăn nuôi theo quy trình VietGAP tuy đã được hình thành nhưng còn nhiều hạn chế, thiếu khả năng cạnh tranh.
Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 1.800 cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại nằm trong khu vực nội thị của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư. Đây là nơi tập trung đông dân cư, việc xử lý chất thải chưa được quan tâm đúng mức gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và nguy cơ lây lan dịch bệnh cho người và vật nuôi. Chuỗi giá trị từ khâu chăn nuôi, giết mổ và tiêu thụ sản phẩm bước đầu được hình thành nhưng chưa được mở rộng và chưa có sự liên kết bền vững, vẫn còn có khoảng cách, thiếu thông tin. Đồng thời, hệ thống thương mại, lưu thông phân phối sản phẩm chăn nuôi còn yếu kém, cộng với tình hình giá thị trường không ổn định đã làm ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân và hạn chế đầu tư phát triển chăn nuôi.
Bên cạnh đó, một số bệnh nguy hiểm như DTHCP, dịch heo tai xanh, cúm gia cầm (GC), lở mồm long móng, viêm da nổi cục,... vẫn còn là mối đe dọa tiềm ẩn, là những nguyên nhân gây rủi ro và thiệt hại lớn cho chăn nuôi. Trước thực trạng đó, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết (NQ) số 12/2020/NQ-HĐND quy định khu vực không được phép chăn nuôi và NQ số 23/2021/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đang xây dựng và tham mưu UBND tỉnh kế hoạch phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2025, định hướng phát triển chăn nuôi giai đoạn 2026 - 2030 trên địa bàn tỉnh. “Định hướng chăn nuôi trong thời gian tới của tỉnh là phát triển theo hướng tập trung, quy mô trang trại, liên kết và bảo đảm an toàn dịch bệnh. Trong đó, quản lý chăn nuôi theo hướng tập trung là một trong những giải pháp căn cơ để quản lý đàn vật nuôi, kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ môi trường.
Hiện nay, ngành chăn nuôi tỉnh tích cực tuyên truyền, vận động người chăn nuôi chủ động thực hiện việc kê khai trong chăn nuôi để địa phương nắm được số lượng đàn gia súc (GS), GC và có những khuyến cáo, chỉ dẫn chăn nuôi phù hợp với tình hình địa phương” - bà Phượng thông tin.
Kiểm soát dịch bệnh
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 80.000 con heo; hơn 120.000 con trâu, bò và hơn 8,4 triệu con GC. Từ đầu năm đến nay, dịch cúm GC trên địa bàn tỉnh không xảy ra, tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển ổn định. DTHCP xảy ra tại 31 hộ thuộc 14 xã của 9 địa phương: Bến Lức, Tân Trụ, Vĩnh Hưng, Cần Đước, Thạnh Hóa, Châu Thành, Mộc Hóa, Tân Thạnh và TP.Tân An, với tổng số tiêu hủy là 727 con.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Thạnh - Mai Văn On thông tin: “Từ đầu năm 2022 đến nay, DTHCP liên tiếp xảy ra trên địa bàn huyện. Hiện ngành Nông nghiệp huyện tích cực khoanh vùng dập dịch, không để dịch lan rộng. Đồng thời, ngành tăng cường khuyến cáo người dân thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại để hạn chế dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi”.
Tiếp tục mở rộng chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Lê Thị Mai Khanh cho biết, hình thức chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chủ yếu vẫn là chăn nuôi hộ gia đình, nhỏ, lẻ và phân tán nên rất khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hoạt động chăn nuôi dần phát triển theo xu hướng trang trại, tập trung sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa, giảm dần chăn nuôi nhỏ, lẻ, phân tán. Hiện tại, có 20% GS lớn, 30% GS nhỏ, 60% GC chăn nuôi theo hình thức trang trại.
Bên cạnh đó, công tác phòng, chống dịch bệnh được quan tâm thực hiện, bằng việc chủ động xây dựng và triển khai các kế hoạch phòng, chống thường xuyên nên dịch bệnh tuy có phát sinh nhưng vẫn được kiểm soát và khống chế kịp thời. Hiện tại, trên 95% GS, 90% GC giết mổ trên địa bàn tỉnh được kiểm soát tại cơ sở giết mổ tập trung, bảo đảm tương đối tốt việc cung cấp sản phẩm động vật đạt yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.
“Mục tiêu của ngành chăn nuôi trong thời gian tới là chấm dứt hoạt động chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi và bảo đảm quy định mật độ trong chăn nuôi; tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, công nghệ cao; chuyển dần từ chăn nuôi nông hộ nhỏ, lẻ sang phát triển chăn nuôi trang trại, duy trì các mô hình chăn nuôi nông hộ bảo đảm an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái và đẩy mạnh chăn nuôi hữu cơ. Chú trọng sản xuất những sản phẩm chăn nuôi có lợi thế cạnh tranh, đặc sản của tỉnh, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng” - bà Khanh cho biết thêm./.
Bùi Tùng