Người nuôi cần thường xuyên tiêu độc, khử trùng chuồng trại
Chi phí tăng, giá bán giảm
Hàng năm, thời điểm này, các hộ chăn nuôi tập trung tái đàn để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, năm nay, do lo ngại về đầu ra và sự tăng giá của các lọai thức ăn gia súc, gia cầm nên nhiều hộ đã giảm đàn, chăn nuôi cầm chừng, thậm chí bỏ trống chuồng. Nếu như thời điểm đầu năm 2021, gia đình chị Bùi Thị Hạnh (xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) vẫn duy trì nuôi trên 600 con gà thịt thì hiện tại chỉ còn 200 con.
Chị Hạnh cho biết: “Năm nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng, từ 250.000 đồng/bao (loại 25kg) lên 330.000 đồng/bao, cộng thêm tiền con giống, vắc-xin,... nên chi phí tăng cao. Theo tính toán, giá bán gà phải đạt từ 60.000-65.000 đồng/kg thì người chăn nuôi mới hòa vốn. Trong khi đó, tôi vừa xuất bán 300 con gà với giá 55.000 đồng/kg, lỗ hơn 40 triệu đồng. Do đó, tôi sẽ không tái đàn trong đợt tết này”.
Không chỉ các hộ nuôi gà mà các hộ nuôi heo cũng đang trong tình trạng vừa nuôi, vừa nghe ngóng thông tin thị trường. Anh Bùi Văn Đạt (thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ) chia sẻ: “Nếu mọi năm, tôi duy trì tổng đàn khoảng 20 con thì hiện tại chỉ còn 10 con. Do giá cám cho heo tăng khiến chi phí chăn nuôi tăng vọt. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc vận chuyển và tiêu thụ cũng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, tôi chỉ nuôi cầm chừng, không dám tăng đàn”.
Tại huyện Cần Đước, nhiều hộ nuôi gà cũng đang lao đao do gà đã quá lứa nhưng không thể xuất bán. Ông Nguyễn Văn Hậu (ấp Ao Gòn, xã Tân Lân) hiện có hơn 3.000 con gà đã quá lứa hơn 1 tháng mà vẫn chưa có đầu ra do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
“Nếu năm trước nuôi 1.000 con gà sau 3,5-4 tháng bán ra, tôi có lãi 20 triệu đồng thì năm nay, gà nuôi đã lên từ 2-2,8kg/con mà vẫn chưa bán được nhưng vẫn phải bảo đảm lượng thức ăn hàng ngày cho gà nên càng để lâu thì lại càng thua lỗ”.
Chủ tịch UBND xã Tân Lân - Nguyễn Nhựt Luân thông tin: Tân Lân là một trong những địa phương có số lượng gia cầm lớn với tổng đàn trên 640.000 con, trong đó gà đẻ khoảng 500.000 con, gà thịt trên 111.000 con, còn lại là vịt. Từ đầu năm đến nay, tình hình chăn nuôi cơ bản ổn định. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá gà thịt giảm; trứng gà, trứng vịt cũng khó tiêu thụ.
Hiện nay, người nuôi rất ngại tái đàn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, chi phí đầu vào tăng, trong khi giá bán giảm dưới mức giá thành. Bên cạnh đó, người nuôi cũng gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cùng với đó, các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi như dịch tả heo châu Phi, lở mồm long móng, cúm gia cầm,... mặc dù đã được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tái phát.
Cần tuân thủ các khuyến cáo
Đến nay, tổng đàn gia cầm trên địa bàn huyện Cần Đước là hơn 1 triệu con, trong đó, đàn gà hơn 900.000 con, vịt gần 100.000 con; tổng đàn gia súc trên 6.000 con, trong đó có hơn 2.700 con heo. Tuy nhiên, do việc tiêu thụ gặp khó và nguồn thức ăn tăng cao nên người dân chưa mạnh dạn tái đàn.
Điều này cho thấy, người chăn nuôi trên địa bàn huyện đang gặp khó khăn “kép” khi giá bán giảm, khó tiêu thụ trong khi chi phí đầu vào tăng dẫn đến nhiều trang trại, gia trại lao đao, có người bỏ trống chuồng trại vì không còn đủ chi phí để tiếp tục đầu tư và tái đàn.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Đước - Nguyễn Hồng Chương chia sẻ: Dù nuôi gia súc, gia cầm không có lãi nhưng các hộ vẫn cố gắng duy trì để không đứt gãy chuỗi cung ứng. Song, việc tái đàn còn chậm, các hộ chỉ nuôi cầm chừng, số lượng đàn duy trì không tăng.
Trước tình trạng trên, ngành Nông nghiệp huyện khuyến cáo người nuôi cần cân đối sản xuất, trước mắt tránh mở rộng quy mô chăn nuôi, có thể giảm sử dụng thức ăn hỗn hợp trong chăn nuôi, chuyển sang sử dụng thức ăn sẵn, giá mua thấp. “Các hộ chăn nuôi cần nâng cao ý thức tự giác, tuân thủ nghiêm hướng dẫn trong công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, bảo đảm chăn nuôi an toàn, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, nhất là thời điểm dịch bệnh bùng phát như hiện nay. Đây là những giải pháp tốt nhất, hạn chế thiệt hại về sản xuất và kinh tế của người dân” - ông Chương chia sẻ thêm.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Lê Thị Mai Khanh, trước thực trạng người nuôi ngại tái đàn như hiện nay, để góp phần giúp người chăn nuôi phục hồi sản xuất cũng như bảo đảm an toàn trong chăn nuôi nhằm cung ứng cho nguồn thực phẩm phục vụ thị trường tết, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản phối hợp các địa phương triển khai kế hoạch tiêm phòng cho gia súc đợt 2 năm 2021; đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ thú y viên, tăng cường hoạt động của hệ thống mạng lưới thú y cơ sở.
“Ðể hạn chế rủi ro, người chăn nuôi cần cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh, thị trường cũng như khuyến cáo của các ngành chức năng về việc thực hiện nghiêm túc các quy định trong chăn nuôi. Ngoài nhập con giống rõ nguồn gốc, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin, người chăn nuôi cần thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại và bổ sung thêm các chất dinh dưỡng cần thiết vào khẩu phần ăn cho vật nuôi” - bà Khanh cho biết thêm./.
Bùi Tùng - Kim Thoa