Hoạt động dạy và học nghề ở Trung tâm dịch vụ việc làm Long An
Thực hiện chủ trương trên, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”; Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 37-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao”; Quốc Hội ban hành Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2015; Chính phủ có Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020; Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020; Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011-2020, tạo hành lang pháp lý cho giáo dục nghề nghiệp phát triển, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu CNH-HĐH đất nước.
Long An là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với vị trí địa lý vừa tiếp giáp, vừa là cửa ngõ nối liền TP.HCM với các tỉnh miền Tây Nam bộ nên rất thuận lợi trong việc thu hút đầu tư trong nước, ngoài nước, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.
Nhận thức được tầm quan trọng của chất lượng nguồn nhân lực đối với sự phát triển bền vững của tỉnh, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX chú trọng “Chương trình phát triển đồng bộ nguồn nhân lực - giải quyết việc làm - giảm nghèo giai đoạn 2011-2015”. Long An cũng xây dựng Chương trình thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế” và Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 6-6-2014 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao” với mục tiêu đến năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, qua đào tạo nghề 55%.
Sau thời gian triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hệ thống giáo dục nghề nghiệp có bước phát triển, từng bước đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển KT-XH của tỉnh theo hướng CNH-HĐH và hội nhập.
Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học nghề, xã hội hóa dạy nghề đem lại kết quả bước đầu, huy động được tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Quy mô đào tạo nghề hằng năm được nâng lên, cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo nghề được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Đội ngũ giáo viên tăng về số lượng, nâng cao về chất lượng, cơ bản đạt chuẩn theo quy định.
Ngành nghề, hình thức đào tạo đa dạng, phong phú tương đối phù hợp với yêu cầu của người học. Chương trình dạy nghề được bổ sung, cập nhật, đổi mới về nội dung phù hợp với tiến bộ khoa học, công nghệ sản xuất nên chất lượng dạy nghề được nâng lên từng bước đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH của tỉnh.
Kết quả trên góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh năm 2015 đạt 60,21%, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 40,13% (vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đề ra). Tuy nhiên, cơ cấu trình độ đào tạo chưa hợp lý, tỷ lệ đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp còn thấp; quy mô, chất lượng giáo dục nghề nghiệp tuy được nâng lên nhưng chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, thị trường lao động, nhất là đối với các ngành, lĩnh vực đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật cao.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X xác định “Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp” là 1 trong 2 chương trình đột phá của tỉnh giai đoạn 2015-2020, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp.
Hiện nay, kinh tế đất nước đang phục hồi, việc thực hiện các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư đã thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh góp phần giải quyết việc làm. Khu công nghiệp cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp đang triển khai thu hút khoảng 10.000 lao động, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp định hướng đào tạo nghề và đào tạo nghề cho lao động nông thôn để cung ứng lao động có tay nghề cho doanh nghiệp hoạt động.
Để triển khai có hiệu quả Luật Giáo dục nghề nghiệp, thực hiện tốt mục tiêu chương trình, kế hoạch của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa IX và khóa X đề ra nhằm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH và hội nhập của tỉnh, thời gian tới, hệ thống giáo dục nghề nghiệp phải triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và xã hội về vị trị, vai trò của giáo dục nghề nghiệp đối với tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cuộc sống của người lao động và góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương. Xây dựng, nhân rộng các mô hình đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo hiệu quả, các điển hình tiên tiến vươn lên thoát nghèo, qua đó, người lao động nhận thức được, tham gia học nghề.
Hai là, Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực, đáp ứng nhu cầu nhân lực có tay nghề của thị trường lao động của tỉnh. Tập trung đầu tư một số trường đủ năng lực đào tạo các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế theo quy hoạch của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; sáp nhập 3 trung tâm cấp huyện thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên thực hiện chức năng giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên cho người lao động ở địa phương.
Ba là, tăng quy mô đào tạo nghề, nhất là quy mô đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp; tập trung triển khai công tác dạy nghề cho lao động nông thôn theo chính sách của Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đạt chất lượng, hiệu quả, gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo; đa dạng hóa ngành nghề, hình thức đào tạo đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động và yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Bốn là, chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyển đào tạo nghề từ hướng “cung” sang hướng “cầu” của thị trường lao động; tập trung đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên; rà soát cập nhật, bổ sung chương trình để nâng cao chất lượng đào tạo.
Năm là, tiếp tục triển khai thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa trên lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp của tỉnh để thu hút các tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc tổ chức đào tạo nghề, nhận học sinh, sinh viên đến doanh nghiệp thực tập, tiếp cận công nghệ mới và gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo.
Sáu là, nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm dịch vụ việc làm thông qua sàn giao dịch việc làm và trang web việc làm Long An để tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động và học sinh, sinh viên sau đào tạo; tổ chức thống kê, cập nhật, dự báo nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, thị trường lao động trên địa bàn tỉnh, qua đó giúp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp định hướng nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp./.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Lao động-Thương binh và Xã hội - Võ Thành Trí