Tiếng Việt | English

02/11/2017 - 04:58

Phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn - Huy động mọi nguồn lực

Trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (XDNTM) thì tiêu chí liên quan đến kết cấu hạ tầng: Giao thông nông thôn (GTNT), điện, thủy lợi, trường học, nước sạch, nhà ở,... quyết định đến việc phát triển KT-XH khu vực nông thôn. Chính vì vậy, việc huy động các nguồn lực để xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn là những “bước đi” đầu tiên, góp phần cho bước tiến vững chắc trong XDNTM.

Công trình giếng nước sạch ở xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ

Huy động mọi nguồn lực

Theo Chi cục Phát triển nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Long An, hiện nay, các nguồn lực đầu tư cho kết cấu hạ tầng nông thôn gồm: Vốn từ ngân sách (Trung ương, tỉnh, huyện) là nguồn chính có tác dụng vốn “mồi”, kết hợp huy động các nguồn vốn khác, đầu tư XDNTM. Nguồn vốn thứ hai có vai trò quan trọng, chiếm tỷ lệ cao trong đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn là vốn lồng ghép từ các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia,... Ngoài ra, còn có nguồn vốn tín dụng do tổ chức, cá nhân vay của ngân hàng. Cuối cùng là vốn cộng đồng do người dân đóng góp, mạnh thường quân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ.

Việc huy động vốn từ các nhà tài trợ (chủ yếu doanh nghiệp) thông qua các tổ chức và cá nhân có uy tín trong thời gian qua mang lại hiệu quả rõ nét. Các cầu GTNT ở các huyện, thị xã dọc tuyến biên giới do nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang vận động doanh nghiệp thực hiện đạt hiệu quả rất khả quan. Đến nay, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn tham gia: Tập đoàn Viettel tài trợ 10 cầu; Công ty (Cty) Phúc Khang 3 cầu; Cty Mobiphone 11 cầu, 1 cống; Cty Anh Minh Anh và Minh Hưng Group 3 cầu, 3 cống; Cty Cổ phần Đồng Tâm và Cty Ôtô Trường Hải 20 cầu; Cty Rạng Đông 2 cầu; Tập đoàn NovaLand 1 cầu; Cty Hưng Thịnh 2 cầu; Tập đoàn Dầu khí 7 cầu, 1 cống;... Tổng số là 59 cầu, 5 cống được xây dựng và chuẩn bị xây dựng ở các xã, thuộc các huyện, thị xã biên giới. Riêng 2 huyện Đức Huệ và Thạnh Hóa, kết cấu hạ tầng giao thông còn gặp nhiều khó khăn cũng được đầu tư khá nhiều (Đức Huệ 18 cầu, 2 cống; Thạnh Hóa 15 cầu, 2 cống).

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải - Đặng Hoàng Tuấn, trong lần kiểm tra tiến độ và chất lượng xây dựng cầu GTNT, cho biết: “Những cầu được xây dựng với kích thước đạt chuẩn NTM, tiến độ xây dựng khá nhanh, chất lượng bảo đảm phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân khu vực nông thôn”.

Theo số liệu từ Sở Giao thông Vận tải, tiến độ thi công các cầu GTNT tại các địa phương biên giới do các nhà tài trợ hỗ trợ vốn đến ngày 06/10/2017: Thi công hoàn thành 10 cầu, sở đã thẩm định hồ sơ thiết kế 8 cầu. Còn lại các cầu đang trong giai đoạn thi công.

Công nhân thi công công đoạn cuối cùng để hoàn thành cầu Cả Dứa-T1, nối liền 2 xã Bình Thạnh - Bình Hòa Đông, huyện Mộc HóaBên cạnh việc đầu tư xây dựng cầu GTNT, các địa phương trong tỉnh tăng cường huy động nhiều nguồn vốn khác nhau, đầu tư công trình thủy lợi, kết hợp xây dựng đê bao ngăn lũ và làm đường GTNT. Ngoài ra, nhiều tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng hệ thống nước sạch, bệnh viện tư, công trình văn hóa - thể thao, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân. Nhiều xã vận động doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa ấp, chốt dân phòng, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hỗ trợ công an các xã lắp đặt camera an ninh, trật tự (ANTT), góp phần kéo giảm tệ nạn xã hội, tội phạm và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Anh Nguyễn Văn Phúc - Đội trưởng Đội Dân phòng xung kích xã Phước Lợi, huyện Bến Lức, cho biết: “Phong trào quần chúng tham gia bảo vệ ANTT tại địa bàn xã hiện rất mạnh. Chúng tôi vận động các doanh nghiệp dọc theo các đường tỉnh, hương lộ và đường liên xã đóng góp, lắp đặt camera ANTT; trên hầu hết tuyến đường tại các điểm giao ngã ba, ngã tư trên địa bàn xã đều có camera ANTT”.

Tập trung những công trình bức thiết

Theo số liệu từ Chi cục Phát triển nông thôn, đến nay, có 58/166 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Mục tiêu đến năm 2020, có 89/166 xã trong toàn tỉnh đạt chuẩn; bình quân toàn tỉnh đạt từ 16,5-17 tiêu chí/xã, thu nhập bình quân 56 triệu đồng/người/năm. Việc đầu tư phải tập trung vào những công trình bức thiết, phục vụ nhu cầu, đời sống của người dân. Hiện nay, các huyện đang có nhu cầu rất lớn về đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn: Bến Lức, Đức Hòa, Đức Huệ, Thạnh Hóa, Mộc Hóa, Cần Đước, Cần Giuộc.

Theo Chủ tịch UBND huyện Mộc Hóa - Lâm Hòa Xứng: “Đến nay, trên địa bàn huyện còn 33 cầu GTNT cần được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, nhất là các xã vùng sâu, biên giới. Từ nguồn vốn hỗ trợ của Cty Cổ phần Đồng Tâm và Cty Ôtô Trường Hải, có 3 cầu hoàn thành, chuẩn bị đưa vào sử dụng; 4 cầu đang được khảo sát tiếp tục xây dựng. Huyện nông nghiệp, chủ lực là cây lúa nên địa phương rất mong được Trung ương, tỉnh và doanh nghiệp quan tâm đầu tư, sớm xây dựng mở rộng tuyến đường Bình Hòa Đông - Bình Thạnh để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất.

Lãnh đạo ngành Giao thông Vận tải tỉnh và đơn vị tài trợ vui mừng khi cầu KT2, xã Thái Trị, huyện Vĩnh Hưng hoàn thành, chuẩn bị đưa vào sử dụng

Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Láng Lớn, xã Thái Trị, huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Thị Nguyệt cho biết: Từ khi Nhà nước đầu tư mở rộng và tráng nhựa tuyến đường Láng Lớn dài hơn 5km (chạy dọc biên giới), người dân trong ấp vô cùng phấn khởi, con em đi học thuận tiện, nông dân vận chuyển hàng hóa dễ dàng. Đặc biệt, từ khi Cty Cổ phần Đồng Tâm và Cty Ôtô Trường Hải đầu tư xây mới 3 cầu: KT2, KT4 và KT4B trên tuyến thì việc vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân càng thuận lợi hơn, góp phần thúc đẩy KT-XH xã biên giới Thái Trị ngày càng khởi sắc”./.

"Theo số liệu từ Chi cục Phát triển nông thôn: Năm 2016, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ XDNTM trên 2.168 tỉ đồng. Trong đó, vốn hỗ trợ trực tiếp chương trình là 295 tỉ đồng (ngân sách Trung ương 132 tỉ đồng, ngân sách địa phương 163 tỉ đồng), vốn lồng ghép 833 tỉ đồng, vốn tín dụng 897 tỉ đồng, vốn từ doanh nghiệp đầu tư 81 tỉ đồng, vốn cộng đồng 62 tỉ đồng. Năm 2017, dự kiến tổng số vốn đầu tư 2.251 tỉ đồng".

Đ.Lâm

Chia sẻ bài viết