Tiếng Việt | English

22/09/2022 - 11:25

Phát triển ứng dụng công nghệ số gắn với cơ giới hóa

Thời gian qua, việc phát triển ứng dụng công nghệ số (CNS) gắn với cơ giới hóa được các cấp, các ngành trong tỉnh Long An quan tâm, tạo điều kiện cho nông dân ứng dụng vào trồng trọt, chăn nuôi. Qua đó, góp phần thay đổi tập quán sản xuất, giải bài toán về nhân công lao động, tăng năng suất, lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác.

Giải bài toán về nhân công lao động

Thời gian qua, giá nhân công trong lĩnh vực nông nghiệp không ngừng tăng làm cho chi phí sản xuất tăng theo, thậm chí là mỗi khi vào mùa vụ thu hoạch, nhiều người lại phải “chạy ngược, chạy xuôi” tìm công lao động nhưng không phải lúc nào cũng tìm được. Nguyên nhân, tại các địa phương, lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu là lao động thời vụ, thu nhập rất bấp bênh, do đó những lao động trẻ có xu hướng tìm việc làm tại khu, cụm công nghiệp để có mức thu nhập ổn định.

Hệ thống giám sát sâu, rầy thông minh được lắp đặt tại huyện Tân Thạnh

Xác định được những khó khăn trên, thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Long An tích cực đưa cơ giới hóa, ứng dụng CNS vào sản xuất. Cụ thể, trên cây lúa, các khâu làm đất cơ giới hóa 100%, thu hoạch trên 98% chủ yếu bằng máy gặt đập liên hợp; sấy khô hạt trên 70% sản lượng. Ông Nguyễn Văn Đạt (xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa) chia sẻ: “Gia đình tôi trồng 3ha lúa ở 2 cánh đồng khác nhau. Nếu như trước đây, 3ha lúa phải cần đến 120 công cấy làm việc trong nhiều ngày thì khi đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng có thể hoàn tất trong 1 buổi với chi phí 5 triệu đồng/ha, giảm 3 triệu đồng so với cấy lúa thủ công”.

Huyện Bến Lức có 7.000ha chanh. Nhằm tạo điều kiện cho nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật (KHKT) trên cây chanh, ngành Nông nghiệp huyện tích cực chuyển giao KHKT; đồng thời, hỗ trợ nông dân hệ thống tưới tiết kiệm. Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bến Lức - Nguyễn Văn Cơ cho biết: “Từ năm 2020 đến nay, huyện hỗ trợ 8 mô hình tưới tiết kiệm với 8ha, bình quân mỗi mô hình hỗ trợ 25 triệu đồng. Đối tượng hỗ trợ là hộ nông dân có diện tích trồng chanh trên 1ha, có uy tín ở địa phương, kinh nghiệm trong sản xuất. Đến nay, nông dân áp dụng cơ giới ở khâu lên líp, dung mô 100%; tưới 80%; phun thuốc trừ sâu 80%,...”.

Trước tình hình hạn, mặn diễn biến phức tạp, tỉnh mạnh dạn đầu tư 11 trạm đo độ mặn tự động tại các huyện: Cần Giuộc, Cần Đước, Bến Lức, Thủ Thừa, Thạnh Hóa. Đây là hệ thống đo độ mặn tự động hoàn toàn và 30 phút trạm tự cập nhật thông tin độ mặn đưa về hệ thống trung tâm. Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh - Võ Kim Thuần khẳng định: “Từ khi đưa trạm đo độ mặn tự động vào hoạt động làm giảm áp lực cho cán bộ Chi cục rất nhiều; giảm việc đo chạy theo con nước suốt chiều dài 2 sông khoảng 200km. Nhờ có kết quả phân tích này mà cơ quan chuyên môn tham mưu kịp thời để chỉ đạo sản xuất, lưu trữ nguồn nước ngọt, đóng cống khi độ mặn lên cao. Đồng thời, thường xuyên cập nhật, thông tin tình hình xâm nhập mặn của các tuyến sông trên website phòng, chống thiên tai của tỉnh (http:pctt.longan.gov.vn) và thông tin diễn biến xâm nhập mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng để các địa phương theo dõi và triển khai hiệu quả các biện pháp ứng phó với xâm nhập mặn, quản lý nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh”.

Tăng năng suất, lợi nhuận

Một trong ba chương trình đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 là Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Theo đó, việc phát triển CNS gắn với cơ giới hóa trên đồng ruộng là một trong những giải pháp giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất từ truyền thống sang ứng dụng KHKT, hạn chế phân, thuốc hóa học và giảm lượng giống trên cùng diện tích gieo sạ.

Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Phát Lộc (xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh) - Đỗ Văn Lựa cho biết: “Năm 2020, HTX thành lập với 35 thành viên tham gia, diện tích sản xuất 750ha. Khi tham gia HTX bắt buộc các thành viên HTX phải áp dụng quy trình sạ thưa và sử dụng danh mục thuốc bảo vệ thực vật được HTX đưa ra nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Qua thời gian triển khai, thực hiện, nông dân thấy được hiệu quả của ứng dụng cơ giới hóa và tiến bộ KHKT trên đồng ruộng. Theo tính toán của nông dân, lúa được sản xuất áp dụng cơ giới hóa đồng bộ không chỉ tăng năng suất 10 - 20% trên 1 đơn vị diện tích mà còn giảm được chi phí đầu vào từ 2 - 3 triệu đồng/ha/vụ”.

Ứng dụng cơ giới hóa trên đồng ruộng góp phần tăng năng suất, lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác (Ảnh: HTX Nông nghiệp Phát Lộc)

Theo anh Nguyễn Văn Tươi (xã Bình Đức, huyện Bến Lức), từ khi thực hiện mô hình Tưới tiết kiệm do Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện hỗ trợ, gia đình anh tiết kiệm được lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và công lao động. Nếu trước đây, 1ha chanh anh phải mất hơn 3 giờ để tưới nước thì nay chỉ cần bật cầu dao trong 1 giờ là đã hoàn thành việc tưới nước, tưới phân. Anh Tươi chia sẻ: “Dự kiến 3,5ha đất trồng chanh còn lại, tôi sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm. Mô hình này vừa tiết kiệm được phân bón và nước, nhất là thích ứng được với mùa hạn, mặn hàng năm”.

Trong sản xuất lúa, nông dân sợ nhất là nạn rầy nâu. Để giúp nông dân né rầy, thời gian gần đây, ngành Nông nghiệp tỉnh triển khai thí điểm phần mềm nhận diện sinh vật gây hại trên cây lúa bằng điện thoại di động thông minh. Đây là công nghệ đầu tiên được triển khai ở tỉnh nhằm tăng cường quản lý dịch hại và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây lúa nói riêng và cây trồng nói chung.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Trần Thị Mộng Thi chia sẻ: “Ngành Nông nghiệp đã triển khai lắp đặt hệ thống giám sát sâu, rầy thông minh (hay được gọi là bẫy đèn thông minh) tại huyện Tân Thạnh. Hệ thống này vận hành hoàn toàn tự động và có khả năng nhận dạng nhiều đối tượng côn trùng khác nhau như rầy nâu, bướm sâu cuốn lá, thành trùng sâu năn,... với độ chính xác tương đối cao (>95%). Cán bộ và nông dân có thể tải và cài đặt ứng dụng MEKONG trên điện thoại thông minh để xem số liệu hoặc hình ảnh côn trùng ghi nhận từ hệ thống hàng ngày, tuần, tháng,... Trên cơ sở theo dõi số lượng côn trùng vào bẫy, đặc biệt là số lượng rầy nâu, góp phần vào việc xây dựng khung lịch gieo sạ né rầy hợp lý cho các địa phương và có những khuyến cáo giải pháp phòng trừ các sinh vật gây hại thích hợp, kịp thời. Hệ thống này sử dụng điện năng lượng mặt trời, có hệ thống tích trữ năng lượng để phát sáng nên bảo đảm an toàn về điện, giảm công lao động. Ngoài ra, còn có hệ thống cảm biến để đo nhiệt độ, ẩm độ, tốc độ gió. Kết quả áp dụng: Nhiều vụ lúa liên tiếp nông dân tránh được dịch rầy nâu hại lúa. Năm 2022, ngành sẽ phối hợp địa phương chọn địa điểm và tiến hành lắp đặt thêm 2 hệ thống giám sát sâu, rầy thông minh tại huyện Tân Hưng và thị xã Kiến Tường, dự kiến hoàn thành trong tháng 11/2022”.

Những hiệu quả của việc ứng dụng CNS gắn với cơ giới hóa góp phần nâng cao chất lượng nông sản và tăng sức cạnh tranh trên thị trường; đồng thời, giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất, hướng đến sản xuất sạch, thân thiện với môi trường. Đây chính là mục tiêu của ngành Nông nghiệp hướng đến, góp phần cho tỉnh hoàn thành chương trình đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 là Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích