Tiếng Việt | English

08/09/2022 - 11:10

Cơ giới hóa đồng bộ góp phần tăng trưởng ngành Nông nghiệp

Những năm gần đây, ngoài việc đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật (KH - KT), ngành Nông nghiệp tỉnh Long An còn tích cực đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất nhằm góp phần hạ giá thành sản xuất, nâng cao hiệu quả trên cùng diện tích canh tác.

Giảm chi phí, tăng lợi nhuận

Những năm qua, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã khẳng định vai trò trụ đỡ cho nền kinh tế tỉnh nhà. Đó là nhờ ngành Nông nghiệp tỉnh tích cực triển khai các chương trình, đề án canh tác hiệu quả, nổi bật là đề án cơ giới hóa, góp phần quan trọng trong việc giảm chi phí, hạ giá thành sản xuất lúa, phục vụ cho mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường thông tin: Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh mở nhiều lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ chuyển giao KHKT cho nông dân nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng. Nhất là khi giá phân bón hóa học tăng cao như hiện nay, các chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” là một trong những giải pháp đã được áp dụng tại nhiều địa phương trong tỉnh. Lợi ích dễ nhận thấy khi áp dụng là giúp nông dân giảm được chi phí đầu vào do giảm được số lượng các yếu tố về giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).

Cơ giới hóa giúp nông dân tận dụng được các phụ phẩm sau thu hoạch (Trong ảnh: Người dân sử dụng máy để cuộn rơm)

Ông Lê Văn Hiệp (xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường) cho biết: “Từ khi tôi áp dụng quy trình canh tác gieo sạ giảm lúa giống đã giảm được một khoản chi phí đáng kể cho phân bón, thuốc BVTV. Chẳng hạn như khi tôi bón phân cân đối giữa đạm, lân, kali thì các loại sâu, bệnh như đạo ôn, lem lép hạt hay cháy bìa lá giảm đi rất nhiều”.

Bên cạnh đó, đưa cơ giới vào đồng ruộng cũng được các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh thực hiện, nhằm giúp cho nông dân giảm bớt công lao động. Từ việc vận dụng hiệu quả các nguồn kinh phí để hỗ trợ các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác mua máy cấy lúa, máy phun phân và dụng cụ sạ hàng. Đến nay, công tác thu hoạch và làm đất trong sản xuất lúa được cơ giới hóa 100%.

Trong vụ Hè Thu 2022, HTX Dịch vụ Thương mại Nông nghiệp Cây Trôm (ấp Gò Xoài, xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng) đã đầu tư mua 2 thiết bị bay không người lái phun thuốc BVTV, với số tiền hơn 1 tỉ đồng. Giám đốc HTX Dịch vụ Thương mại Nông nghiệp Cây Trôm - Bùi Văn Tuấn chia sẻ: “Sử dụng thiết bị bay phun thuốc giúp tiết kiệm được thuốc, thời gian phun thuốc. Bình thường thuê nhân công phun 1ha lúa ít nhất cũng hơn mấy giờ mới xong nhưng nếu máy bay phun thì chỉ mất khoảng 10 phút. Nhất là những ngày thời tiết xấu, dễ xảy ra mưa thì phun thuốc bằng máy giúp hạn chế được nguy cơ bị trôi thuốc”.

Thiết bị phun thuốc không người lái được nông dân đánh giá cao về hiệu quả sử dụng

Thông tin từ Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh, thời gian qua, Chi cục thực hiện nhiều mô hình trình diễn về áp dụng cơ giới hóa ở các địa phương. Thông qua các mô hình, dự án được xây dựng và triển khai, người dân đã dần tiếp cận và làm quen với những tiến bộ KHKT mới trong sản xuất nông nghiệp, từ đó vận dụng vào trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Hiệu quả kinh tế từ những mô hình mà Chi cục xây dựng đem lại là rất thiết thực. Từ những kết quả đó, người dân trong vùng cũng như các khu vực lân cận các mô hình bắt đầu nhân rộng và chủ động thay đổi tư duy canh tác, phương thức sản xuất truyền thống nhằm tăng gia sản xuất, thu về lợi nhuận kinh tế, cải thiện đời sống.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh - Võ Kim Thuần cho biết: “Việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất góp phần làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi lên khoảng 10-15%, giảm chi phí sản xuất từ 0,7 - 2,8 triệu đồng/ha/vụ, giảm tổn thất sau thu hoạch khoảng 5%, tăng thu nhập cho các hộ dân sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị sản xuất bình quân của toàn tỉnh. Thời gian tới, Chi cục sẽ phối hợp các địa phương tăng cường nghiên cứu, xây dựng và nhân rộng các mô hình trình diễn, chuyển giao KHKT, cách làm hay, hiệu quả đến nông dân bằng nhiều hình thức. Từ đó, giúp nông dân tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng thị trường xuất khẩu, liên kết theo chuỗi giá trị, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, bảo đảm vệ sinh môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu”.

Tiếp tục nhân rộng

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Kinh Kha thông tin: Hiện nay, mô hình áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa được thực hiện tại HTX Nông nghiệp Nước Trong (xã Thủy Đông). Điểm nổi bật của mô hình là thực hiện ứng dụng nhiều công nghệ cao vào sản xuất lúa như toàn bộ diện tích được thực hiện bằng phương pháp cấy bằng máy với lượng giống 60kg/ha, phun thuốc bằng máy bay không người lái, tưới ngập khô xen kẽ điều khiển bằng cảm biến, quản lý dịch hại tổng hợp IPM,... giúp nông dân tiết kiệm được nhiều chi phí đầu tư và giảm nhân công lao động.

Hợp tác xã Nông nghiệp Nước Trong, huyện Thạnh Hóa áp dụng máy cấy vào sản xuất lúa

Từ khi tham gia vào HTX Nông nghiệp Nước Trong, ông Nguyễn Văn Lên, ngụ ấp Nước Trong, xã Thủy Đông, được tiếp cận với nhiều mô hình áp dụng KHKT tiên tiến vào sản xuất do ngành Nông nghiệp tỉnh, huyện thực hiện. Từ đó, ông mạnh dạn áp dụng và đạt được những kết quả tích cực. Ông Lên bộc bạch: “Nếu như máy gặt đập liên hợp giúp người dân giải quyết vấn nạn lúa ngã, thì máy cấy lúa giúp giảm chi phí, hạn chế rủi ro ngay từ đầu vụ sản xuất. Thú thật, nhà nông chúng tôi đang rất cần những thiết bị hiện đại như vầy, vì giúp tiết kiệm giống, hạ giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận trên cùng diện tích đất canh tác”.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Nước Trong - Phan Minh Thịnh chia sẻ: “Hiện nay, máy cấy có thể hoạt động với công suất khoảng 4 - 5ha/ngày và chỉ cần tốn khoảng 60kg giống cho 1ha. Điều này sẽ giúp nông dân tiết kiệm khá nhiều so với phương pháp sạ truyền thống. Với góc độ người đứng đầu HTX, tôi luôn mong muốn mang lại nhiều lợi ích nhất cho các thành viên. Do đó, ngoài việc liên kết với các công ty, doanh nghiệp để sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao, tôi còn thường xuyên tìm hiểu, áp dụng những kỹ thuật mới, máy móc mới vào sản xuất để giảm chi phí đầu vào cho các thành viên”.

Hệ thống tưới tự động cho cây chanh giúp tiết kiệm nước tưới và công lao động

Đối với các loại hoa màu, cây ăn trái, ngoài việc khuyến khích nông dân sản xuất theo hướng an toàn, ngành Nông nghiệp tỉnh còn vận động nông dân đầu tư xây dựng các mô hình tưới tự động, tiết kiệm nước giúp tăng năng suất cây trồng, giảm chi phí, nhân công lao động để tưới và chăm sóc. Có thể kể đến như hệ thống tưới thông minh tiết kiệm nước cho cây chanh tại Câu lạc bộ canh tác thông minh ấp 3, xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ; hệ thống tưới thông minh tiết kiệm nước tại làng nghề trồng mai xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa,...

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền đánh giá: Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã và đang khẳng định vị trí quan trọng trong việc cung cấp lương thực, thực phẩm ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng như góp phần vào việc xuất khẩu lúa, gạo của cả nước. Nhất là khi tỉnh đã hình thành nhiều mô hình cánh đồng lớn, sản xuất theo tiêu chí gắn kết từ sản xuất đến thị trường tiêu thụ. Chính vì thế, bên cạnh việc đồng hành, liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, Sở tiếp tục tổ chức thực hiện các buổi trình diễn các loại máy móc thế hệ mới nhằm góp phần thay đổi nhận thức và tập quán canh tác cho nông dân.

“Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục phối hợp các sở, ngành liên quan và các địa phương tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi mua máy móc, đổi mới công nghệ. Mặt khác, khuyến khích các tổ chức, cá nhân vào đầu tư phát triển nông nghiệp theo quy mô lớn, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất nhằm tiết kiệm chi phí và tăng năng suất lao động, góp phần giải quyết tình trạng thiếu nhân công lao động trong thu hoạch, giảm nhẹ công sức lao động, tránh được độc hại, tăng lợi nhuận cho nông dân” - ông Nguyễn Thanh Truyền nhấn mạnh./.

Sử dụng thiết bị bay phun thuốc giúp tiết kiệm được thuốc, thời gian phun thuốc. Bình thường thuê nhân công phun 1ha lúa ít nhất cũng hơn mấy giờ mới xong nhưng nếu máy bay phun thì chỉ mất khoảng 10 phút. Nhất là những ngày thời tiết xấu, dễ xảy ra mưa thì phun thuốc bằng máy giúp hạn chế được nguy cơ bị trôi thuốc”.

Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Thương mại Nông nghiệp Cây Trôm - Bùi Văn Tuấn

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết