Đọc bài “Đẹp nhờ dao kéo: nên hay không nên?” đăng trên báo LONG AN online ngày 05/9/2015, tôi không tán thành hay phản bác phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) vì lý do rất đơn giản: PTTM là một trong nhiều cách làm đẹp không riêng một ai khi có hay không có nhu cầu.
Một ca phẫu thuật thẩm mỹ mắt - Ảnh: T.L
Cách đây không lâu, trên các phương tiện truyền thông đại chúng rầm rộ đăng những loạt bài “thẩm mỹ quái dị ” mà tôi rởn tóc gáy! Nội dung các bài viết này là cảnh báo “Thẩm mỹ dỏm” cùng với “Bác sĩ dỏm”. Thẩm mỹ gì mà đục khoét nát ngực, tiêm chích vào mặt, đốt cháy da…. để rồi bác sĩ thẩm mỹ (BSTM) dỏm cao bay xa chạy còn nạn nhân vừa ôm trọn hậu quả vừa tốn không ít tiền để khắc phục.
Do nắm bắt được nhu cầu làm đẹp của con người, nhất là của giới nữ mà không ít người “điếc không sợ súng” đua nhau tự phong cho mình là BSTM hành nghề dạo không phép, hoặc bài bản hơn họ tự mở cơ sở “chui” bảng hiệu đầy những từ dao to búa lớn “mác ngoại” như, BSTM tốt nghiệp ở Harvard (Hoa Kỳ), Cambridge (Anh quốc), Sorbonne (Pháp),... cùng với những cái tên bảng hiệu rất là Âu - Mỹ….
Và dường như những vị BSTM từ “trên trời rơi xuống” này cảm thấy chưa đủ “ép- phê” để nâng cao uy tín cơ sở mình nên họ không ngại thêm một đôi dòng quảng cáo thật kêu, đại loại như từng làm đẹp cho yếu nhân này, cho nguyên thủ quốc gia nọ trên thế giới (đã nói là điếc không sợ súng mà!) Thật là hết còn từ nào để…. quảng cáo và đúng là ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung!
Vì tiền, bất chấp pháp luật, xem thường tính mạng con người!
Nhớ hồi thập niên 70 của thế kỷ trước, khi mà người ta chỉ mong sao được ăn no mặc ấm thì những chuyện như thế này có bao giờ xảy ra đâu; nhưng khi xã hội ngày càng tiến bộ, đời sống vật chất, tinh thần con người ngày càng được nâng cao thì vấn đề ăn sang mặc đẹp được xã hội quan tâm, chấp nhận như một định đề không cần chứng minh, không bàn cãi. Ngay cả nhu cầu làm đẹp cho cơ thể cũng như thế.
Nhu cầu phát sinh thì dịch vụ phát sinh, nhưng nếu phát sinh trong sự quản lý của luật pháp nhà nước thì chắc vụ việc gây bức xúc trong dư luận của thẩm mỹ viện Cát Tường sẽ chẳng xảy ra. Đàng này, những người “ăn xổi ở thì” cảm thấy dịch vụ làm đẹp cơ thể con người, nhất là cho phụ nữ đang lúc cao trào nên họ không ngần ngại nghĩ cách “ngồi mát ăn bát vàng” khi hành nghề dạo hay mở cơ sở thẩm mỹ... dỏm về cả nội dung lẫn hình thức.
Tôi nghĩ rằng làm đẹp là một nhu cầu chính đáng, nó không chỉ dành riêng cho phụ nữ mà cả nam giới nữa. Nhưng khi đến với loại hình dịch vụ này ta cũng nên cẩn trọng một chút. Không thể nhìn vào những tấm biển quảng cáo đầy những chữ “ngoại” với những lời quảng cáo qua những từ, cụm từ hoa mỹ thật kêu, thật bắt mắt mà xem nhẹ những yếu tố khác như tốt nghiệp ngành chuyên môn (thẩm mỹ), giấy phép mở cơ sở, giấy phép hành nghề… Tất nhiên, đối với những kẻ lừa đảo thì họ có “trăm mưu ngàn chước” để qua mặt cơ quan chức năng, qua mặt không ít người nhẹ dạ cả tin. Họ tính toán rằng chỉ cần một thời gian ngắn cũng đủ để “hốt bạc” và sau đó là “chuồn êm” nên cứ làm liều, tới đâu hay tới đó…
Trước đây, đối với những BSTM dỏm, không bằng cấp chuyên môn; những phòng khám chui, không đăng ký, cơ quan chức năng đã kiểm tra xử lý bao nhiêu, để lọt lưới thanh tra bao nhiêu cơ sở không phép, có bao nhiêu nạn nhân với trò lừa đảo như trên. Điều này chắc chắn đầu hôm sớm mai không thể thống kê được hết. Nhưng sau bài học “Cát Tường” cơ quan chức năng đã phải vào cuộc để giữ nghiêm luật pháp và tạo sự an tâm, an toàn cho những ai có nhu cầu làm đẹp!
Tôi được biết, biển quảng cáo của một cơ sở khám chữa bệnh hay PTTM phải đầy đủ những yếu tố như: Tên, địa chỉ phòng khám, tên BS, chuyên khoa…. nhưng có hai yếu tố mà khi vào đây ta phải quan tâm hơn cả là GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ HÀNH NGHỀ và GIẤY PHÉP MỞ CƠ SỞ THẨM MỸ.
Hãy cẩn thận khi vào làm đẹp tại một cơ sở thẩm mỹ nào đó! Đừng vì những quảng cáo trên trời, bắt mắt hay giá hời mà trở thành nạn nhân tiếp theo của các BSTM dỏm, cơ sở chui như những vụ việc vừa nêu./.
CTV Nguyễn Minh Út