Tiếng Việt | English

16/06/2021 - 14:48

Phổ biến quy trình kỹ thuật quản lý sâu năn hại lúa

Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh Long An vừa phổ biến “Quy trình kỹ thuật quản lý sâu năn hại lúa” của Cục Bảo vệ thực vật đến các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh nhằm giúp các địa phương chủ động tuyên truyền và quản lý sâu năn (muỗi hành) hiệu quả trong vụ Hè Thu 2021.

Cần chủ động phòng ngừa sâu năn (muỗi hành) gây hại trên lúa Hè Thu 2021

Sâu năn (muỗi hành) bắt đầu gây hại lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long từ vụ Đông Xuân 2016 - 2017, tập trung tại các tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp, An Giang,...Tại tỉnh Long An, sâu năn có xuất hiện trong các vụ lúa nhưng với mật số thấp, rãi rác chưa gây thiệt hại năng xuất.

Tuy nhiên, vào vụ Đông Xuân 2017 - 2018 sâu năn xuất hiện với mật số và diện tích tăng hơn so với các vụ trước. Diện tích nhiễm sâu năn vụ Đông Xuân 2017 - 2018 là 20.345ha, trong đó 709ha tỷ lệ hại < 30%, 6.204ha tỷ lệ hại 30 - 50%, 6.445ha tỷ lệ hại 50 - 70%, 6.987ha tỷ lệ hại > 70%.

Cây lúa bị sâu năn gây hại có biểu hiện mất đọt non và đẻ nhánh nhiều bất thường. Các dảnh lúa bị hại biến dạng thành ống hành sẽ không trổ bông được nhưng bụi lúa có thể mọc thêm nhiều chồi mới để bù lại. Vì vậy, cần phát hiện sớm, phòng trị kịp thời để cây lúa có khả năng đền bù lại năng suất, giảm thiểu thiệt hại.

Những cá thể lúa bị sâu năn gây hại

Theo nhận định của ngành Bảo vệ thực vật, với điều kiện thời tiết không thuận lợi thì sâu năn có khả năng tiếp tục phát sinh gây hại, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng lúa của các địa phương nếu không được quản lý hiệu quả. Vì thế, Cục Bảo vệ thực vật đã ban hành “Quy trình kỹ thuật quản lý sâu năn hại lúa” để các tỉnh, thành phố tổ chức hướng dẫn cho nông dân áp dụng đồng bộ các biện pháp quản lý.

Cụ thể, nông dân cần theo dõi bẫy đèn thường xuyên để phát hiện kịp thời cao điểm thành trùng sâu năn. Tuân thủ lịch thời vụ của cơ quan chuyên môn; cày ải, phơi đất ngay sau thu hoạch lúa tối thiểu là 15 ngày. Vệ sinh sạch cỏ dại, lúa chét trong ruộng, lúa hoang mọc ở kênh mương. Hạn chế gieo trồng các giống lúa thơm nhiễm sâu năn, trong thực tế sản xuất đã phát hiện một số giống nhiễm sâu năn: Jasmine85, OM4900,…

Bên cạnh đó, nông dân cũng nên đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, công nghệ sinh thái (trồng hoa trên bờ ruộng),…Làm đất kỹ và san phẳng mặt ruộng, không giữ nước ruộng quá sâu (nhiều hơn 5cm) áp dụng tưới nước tiết kiệm “ướt - khô” xen kẽ.

Đặc biệt, không xử lý hạt giống và không phun thuốc trừ sâu ở giai đoạn đầu của cây lúa (0 - 40 ngày sau khi sạ). Bón phân cân đối, không bón thừa phân đạm và sử dụng chất kích thích sinh trưởng ở giai đoạn mạ đến đẻ nhánh. Tăng cường bón lân, kali; bổ sung thêm phân có hàm lượng canxi, magiê, silic./.

Minh Tuệ

Chia sẻ bài viết