Từ đầu năm 2022 đến ngày 09/5, cả nước ghi nhận 113 trẻ em tử vong do đuối nước. Riêng 2 tuần cuối tháng 4 và đầu tháng 5, có tới 14 trẻ tử vong do đuối nước. Đuối nước đang là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ em, chiếm 7,7%. Đây không chỉ là nỗi đau, mất mát của các gia đình có trẻ em tử vong mà còn khiến toàn xã hội bức xúc, lo lắng.
Theo số liệu thống kê, tỷ lệ tử vong vì tai nạn đuối nước ở Việt Nam cao gấp 10 lần so với những quốc gia khác. Trong đó, phần lớn là trẻ em từ 15 tuổi trở xuống. Nguyên nhân tử vong chủ yếu do xảy ra tai nạn khi tắm sông, hồ và chơi gần ao, hồ, sông, suối mà không có sự quản lý của người lớn.
Trước thực trạng đuối nước gây tử vong cho trẻ em xảy ra ở nhiều địa phương, ngày 02/5/2022, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 398 CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Công điện nêu rõ: Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về trẻ em đã có nhiều văn bản chỉ đạo về phòng, chống đuối nước trẻ em, với sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương, gia đình và cộng đồng trong việc phòng, chống đuối nước nên số trẻ em bị tử vong do đuối nước đã giảm qua từng năm.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, các vụ đuối nước gây tử vong cho nhiều trẻ em vẫn còn thường xuyên xảy ra và ở mức cao ở một số địa phương. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác này và bảo đảm an toàn cho trẻ em, nhất là trong mùa hè, mùa mưa, bão sắp đến, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, triển khai, thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống đuối nước cho trẻ em.
Thực tế cho thấy, đuối nước luôn là vấn đề “nóng” mỗi dịp đến hè, vào mùa mưa, lũ. Những vụ đuối nước thương tâm xảy ra tại nhiều vùng nông thôn và thành phố đã cướp đi cả ngàn sinh mạng mỗi năm, để lại nỗi đau cho nhiều gia đình, nỗi lo lắng cho toàn xã hội. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đuối nước nhưng nếu như các em biết bơi và có kỹ năng phòng tránh đuối nước thì những vụ việc đau lòng kể trên có thể không xảy ra và nhiều người sẽ không phải nói “giá như…”. Vì vậy, để phòng tránh tai nạn đuối nước, việc nên ưu tiên hàng đầu là tổ chức dạy bơi cho trẻ em ở ngoài xã hội và trong nhà trường.
Học bơi không những rèn luyện sức khỏe nếu duy trì hàng ngày mà còn giúp các em được an toàn trong môi trường nước, khi đi du lịch ở sông, hồ, biển. Vì vậy, với trẻ em, dạy bơi và trang bị cho các em những kỹ năng phòng tránh đuối nước là rất cần thiết.
Công điện của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ những “đầu việc” mà các bộ, ngành, địa phương phải gấp rút triển khai để ngăn chặn vấn nạn đuối nước, đặc biệt trong dịp nghỉ hè của trẻ em. Theo đó, các địa phương cần khẩn trương lập bản đồ cảnh báo kịp thời các địa điểm có nguy cơ gây tai nạn đuối nước trên địa bàn như hồ, ao, sông ngòi, các khu vực nước sâu nguy hiểm,...; đồng thời, triển khai các biện pháp phòng ngừa như làm rào chắn, biển cảnh báo cũng như tổ chức các hoạt động giám sát, cảnh giới, nhắc nhở.
Đặc biệt, ngành Giáo dục và Đào tạo, Thể thao và Đoàn Thanh niên được giao có trách nhiệm triển khai, hướng dẫn việc phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước đến từng trẻ em; đẩy mạnh phong trào dạy bơi an toàn cho trẻ em trong trường học và cộng đồng; phối hợp gia đình giám sát trẻ em trong thời gian nghỉ hè để phòng tránh các nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước.
Biết bơi và có kỹ năng phòng tránh thì sẽ hạn chế nguy cơ xảy ra đuối nước. Vì vậy, chúng ta phải chung tay, tạo cơ hội cho trẻ được học và biết bơi càng sớm càng tốt!./.
Thanh Tuyền