Từ khi Việt Nam ghi nhận ca nhiễm HIV đầu tiên vào năm 1990, đến nay, sau 31 năm ứng phó với dịch HIV/AIDS, nước ta đạt những kết quả nhất định và tiếp tục tiến đến mục tiêu chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030. Nhằm ứng phó kịp thời với các tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 đến Chương trình phòng, chống HIV/AIDS, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm chọn chủ đề “Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh dịch Covid-19” làm chủ đề của Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2021.
Trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19, Chính phủ, Bộ Y tế, các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường phòng, chống HIV trong bối cảnh dịch Covid-19: Tiếp cận với khách hàng qua các ứng dụng trực tuyến; hướng dẫn khách hàng tự xét nghiệm HIV; hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS;... Theo Tổ chức Y tế thế giới, nguy cơ Covid-19 chuyển biến nặng hoặc gây tử vong đối với người nhiễm HIV cao hơn người bình thường 30%. Bên cạnh đó, những bệnh lý tiềm ẩn như tiểu đường và tăng huyết áp cũng thường gặp ở những người có HIV, do đó khi mắc Covid-19 nguy cơ thường nặng hơn.
Dự báo, dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài và mọi người phải thích ứng, sống chung an toàn với dịch bệnh nên những hoạt động khác cũng phụ thuộc vào dịch Covid-19, trong đó có công tác phòng, chống HIV/AIDS. Theo đó, tiếp tục tuyên truyền về các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS qua các nền tảng trực tuyến, mạng xã hội; triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS như tư vấn, điều trị trực tuyến, tiếp cận cộng đồng, tổ chức các cuộc họp, hội nghị, các hoạt động chỉ đạo và thực hiện, hỗ trợ kỹ thuật từ xa. Đồng thời, tổ chức các mô hình từ cộng đồng, chia sẻ những thông tin tích cực, lan truyền những thông điệp giúp người bị nhiễm HIV không mặc cảm, tự ti và có thể hòa nhập cộng đồng,... Đây là cách thức phù hợp với tình hình dịch Covid-19.
Đến nay, Long An ghi nhận 4.709 người nhiễm HIV, trong đó 1.548 đã tử vong, 2.783 người được cấp thuốc điều trị ARV. Người nhiễm HIV cần được can thiệp sớm để duy trì sức khỏe và điều trị ARV nhằm kiểm soát được bệnh lý tiềm ẩn như tiểu đường, tăng huyết áp,... Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến cáo những người nhiễm HIV nên tiêm vắc-xin phòng Covid-19 càng sớm càng tốt và vẫn điều trị ARV sớm, liên tục.
Một vấn đề nữa được đề cập đến đó là chống kỳ thị những người nhiễm HIV/AIDS. Hành động kỳ thị không chỉ tạo ra rào cản lớn khiến những người nhiễm bệnh khó hòa nhập cộng đồng mà còn âm thầm “tiếp tay” cho dịch lây lan. Bởi khi họ mặc cảm vì bị kỳ thị sẽ trốn tránh, không đến các cơ sở điều trị, không áp dụng các biện pháp dự phòng lây nhiễm. Việc kỳ thị còn gây lãng phí nguồn lực xã hội khi “người có H” không tham gia lao động, sản xuất, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Người nhiễm HIV hoàn toàn có thể sống khỏe mạnh, sinh hoạt và mưu cầu hạnh phúc như những người bình thường khác khi được điều trị ARV kịp thời. Khi sớm biết tình trạng bệnh và được tuyên truyền, điều trị, “người có H” chủ động dự phòng lây truyền HIV cho người khác khi tình trạng nhiễm HIV của họ được kiểm soát dưới ngưỡng phát hiện (K=K: Không phát hiện = Không lây truyền). Người sống chung với HIV khi tuân thủ điều trị ARV có thể giảm tải lượng virút xuống dưới mức 200 bản sao/ml máu thì không còn khả năng lây truyền cho người khác.
31 năm ứng phó với dịch HIV/AIDS, Việt Nam đã kiểm soát tốt đại dịch; ngăn chặn sự gia tăng, khống chế dịch trên cả 3 tiêu chí: Giảm số người nhiễm mới, giảm số người tử vong, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS. Trong bối cảnh dịch Covid-19, công tác phòng, chống HIV/AIDS cũng thay đổi nhằm thích ứng với tình hình và tiếp tục hướng đến mục tiêu chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030./.
Tâm An