Tiếng Việt | English

10/04/2017 - 09:38

Phòng, chống ma túy - Trách nhiệm không của riêng ai

Ma túy là hiểm họa lớn đối với con người và xã hội. Người nghiện ma túy bị ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, trí tuệ, phẩm giá, đạo đức, lối sống,... Nguy hiểm hơn, từ việc sử dụng ma túy dễ dẫn người nghiện đến các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là khi đối tượng sử dụng ma túy ngày một trẻ, tập trung vào độ tuổi thanh, thiếu niên.

Những thành công từ công tác tuyên truyền về phòng, chống ma túy là rất lớn nhưng hiện tại, công tác quản lý đối tượng nghiện ma túy, áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc đối với người nghiện đang gặp những khó khăn, đòi hỏi sự vào cuộc của toàn xã hội.


Lực lượng Công an tỉnh tuyên truyền về tác hại của ma túy tại Trường THCS Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng

Những hệ lụy từ ma túy

Là con út của gia đình, được kỳ vọng sẽ là chỗ dựa cho ba mẹ lúc về già nhưng từ khi H. vướng vào ma túy thì ước mơ, kỳ vọng ấy tiêu tan. Ông Trần Văn L. - cha của em Trần Chí H. (xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) cho biết: “Vợ chồng tôi sinh được 4 người con, chỉ có thằng H. là con trai. Ngày trước, nó ngoan, học tốt nhưng từ khi lên THPT thì bị bạn xấu lôi kéo, rủ rê, vướng vào ma túy đá. Ban đầu, gia đình không tin do ngày nào tôi cũng sáng đưa, chiều rước nhưng sau một vài ngày theo dõi, tôi phát hiện con thường trốn học cùng đám bạn chơi ma túy đá lúc học lớp 10”.

Theo ông L., từ ngày H. vướng vào ma túy đá, tính tình đổi khác, không còn nghe lời cha mẹ. Gia đình cũng cố dùng nhiều biện pháp để giúp em từ bỏ ma túy nhưng đến nay hơn 5 năm vẫn chưa giúp H. thoát khỏi tệ nạn này. “Con mình thì không thể bỏ được, chỉ mong sao nó được đưa đi áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc để đoạn tuyệt với ma túy” - ông L. buồn bã nói.

Đại tá Nguyễn Văn Lành - Trưởng Công an huyện Tân Hưng, cho biết: “Riêng địa bàn huyện Tân Hưng hiện có 63 đối tượng có hồ sơ quản lý, trong đó, các đối tượng chủ yếu sử dụng ma túy đá và thường tập trung vào độ tuổi thanh, thiếu niên”. Tình trạng sử dụng ma túy đá mới xuất hiện những năm gần đây. Thời điểm trước năm 2012, Công an huyện không ghi nhận trường hợp nào sử dụng ma túy đá.


Công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy luôn là một trong những nhiệm vụ thường xuyên của ngành Công an

Việc sử dụng ma túy, ma túy tổng hợp không chỉ gây nghiện mà còn khiến người sử dụng dễ bị kích động, hoang tưởng, gây rối loạn tâm thần, không kiểm soát được hành vi. Như trường hợp ngày 15-02-2017, sau khi sử dụng ma túy và nhậu về, Nguyễn Thành Công (SN 1997) ngụ ấp Nhà Dài, thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa đi ngang qua xã Bình Thạnh thì có một đối tượng trong nhóm nhậu bên đường huơ tay về phía Công. Do vừa mới sử dụng ma túy nên Công tưởng nhóm này vây đánh mình, lập tức chạy đến cự cãi và dùng dao đâm chết anh Lưu Đức Lợi (SN 1978). Ngay sau đó, Công bị bắt và đưa đi xét nghiệm. Kết quả cho thấy, Công dương tính với ma túy.

Hay như mới đây, ngày 09-3-2017, đối tượng Nguyễn Hoàng Quân (SN 1978) sau khi sử dụng ma túy đá liền leo lên nóc nhà tại phường 4, TP.Tân An dùng gạch đá ném vào nhà hàng xóm. Khi lực lượng chức năng đến can thiệp, Quân chẳng những không nghe lời mà còn dùng hung khí tấn công lại và cố thủ trong nhà, không chịu hợp tác. Và còn rất nhiều trường hợp khác sau khi sử dụng ma túy, ma túy đá, các đối tượng hoang tưởng cởi trần chạy ra giữa đường, chặn đầu xe ôtô, gây nguy hiểm cho người đi đường,...

Qua các vụ án trên cho thấy, tình trạng mua bán, sử dụng các chất ma túy, nhất là ma túy đá đang có chiều hướng gia tăng. Ảo giác, hoang tưởng, mất kiểm soát chính là những hệ lụy khôn lường đối với người sử dụng ma túy tổng hợp dạng đá. Hành vi “ngáo đá” gây ra nhiều hệ quả xấu cho xã hội, tác động đến cuộc sống bình yên của người dân.

Theo thống kê, năm 2016, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tỉnh Long An phát hiện, bắt giữ 45 vụ/73 đối tượng mua bán trái phép ma túy, thu giữ 16,1294g heroin; 149,2213g Methamphetamine và nhiều tang vật liên quan.

"Theo quy định hiện nay, sau khi xác định được người có sử dụng các chất ma túy, cơ quan công an lập hồ sơ quản lý và áp dụng các biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và thực hiện cai nghiện."

Khó áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc

Theo quy định hiện nay, sau khi xác định được người có sử dụng các chất ma túy, cơ quan công an lập hồ sơ quản lý và áp dụng các biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và thực hiện cai nghiện. Tuy nhiên, để xác định được đối tượng có sử dụng ma túy, nhất là ma túy đá, ma túy tổng hợp để đưa đi áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc hiện nay gặp nhiều khó khăn.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Lành - Trưởng Công an huyện Tân Hưng, trong số 63 đối tượng sử dụng ma túy có hồ sơ quản lý trên địa bàn thì lực lượng chức năng mới chỉ đưa được 3 đối tượng vào cơ sở giáo dưỡng, 3 đối tượng giáo dục tại địa phương theo Nghị định 111 của Chính phủ và 3 đối tượng giáo dục tại cộng đồng, gia đình theo Nghị định 94 của Chính phủ.

Theo ông, hiện nay, để đưa đối tượng nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc sau khi phát hiện đối tượng sử dụng ma túy, ma túy đá, lực lượng chức năng phải đưa đối tượng đi test tại bệnh viện, nếu dương tính với ma túy thì lúc đó sẽ chuyển hồ sơ về Bệnh viện Tâm thần Long An để xác định tình trạng nghiện. Sau đó, cơ quan công an mới lập hồ sơ áp dụng Nghị định 94/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng.

Đến khi phát hiện lần 2, cơ quan công an tiếp tục đưa đi xét nghiệm để xác định tình trạng nghiện và áp dụng giáo dục theo Nghị định 111/2013/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính, giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Trong thời gian thực hiện giáo dục theo Nghị định 111, nếu tiếp tục phát hiện đối tượng sử dụng ma túy, lúc này mới lập hồ sơ đưa ra tòa án để áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc. Chính vì điều đó, mặc dù xác định và quản lý được các đối tượng sử dụng ma túy nhưng để áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc gặp rất nhiều khó khăn.


Đối tượng "ngáo đá" chặn xe ngoài quốc lộ

Bên cạnh đó, hình thức giáo dục tại xã, phường, thị trấn cũng có những bất cập như thời gian áp dụng biện pháp giáo dục ngắn (từ 3-6 tháng); quy trình lập hồ sơ liên quan đến nhiều cấp, ngành, mất nhiều thời gian; trong quá trình thực hiện giáo dục, nhiều cơ sở chưa quan tâm đúng mức nên hiệu quả chưa như ý muốn. Vì thế, việc quản lý người nghiện tại cộng đồng cần được quan tâm hơn nữa nhằm góp phần hạn chế người nghiện phát sinh, giữ vững an ninh, trật tự trên mỗi địa bàn.

Còn theo Tỉnh đoàn, hiện nay, để giúp các bạn trẻ không vướng vào tệ nạn ma túy, giữa Tỉnh đoàn và Công an tỉnh tổ chức ký kết kế hoạch phòng, chống ma túy trong thanh niên giai đoạn 2016-2020. Theo đó, các tổ chức Đoàn và công an tập trung tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên về tác hại của ma túy và chung tay phòng, chống. Bên cạnh đó, việc triển khai nhân rộng các mô hình, điểm sáng về phòng, chống ma túy và cảm hóa người lầm lỗi cũng được 2 bên thống nhất thực hiện.

Đồng thời, để công tác phòng, chống ma túy, nhất là trong thanh, thiếu niên thực sự hiệu quả, ngoài sự vào cuộc trấn áp tội phạm về ma túy của lực lượng công an, rất cần sự quan tâm từ chính gia đình và sự chung tay từ cộng đồng, xã hội./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết