Lực lượng quản lý thị trường dán thông tin số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của người dân tại các cửa hàng xăng, dầu
Tỉnh có 478 cửa hàng xăng, dầu (CHXD) sức chứa khoảng 20.000m3, 3 kho xăng dầu, sức chứa 18.000m3. Lượng bán bình quân của các CHXD từ 45.000-55.000m3/tháng (bình quân 90-120m3/cửa hàng/tháng). Tỉnh cũng có 4 đơn vị đầu mối, phân phối xăng, dầu trên địa bàn tỉnh: Công ty (Cty) Xăng dầu Long An - thuộc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Cty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu, Cty Cổ phần Thương mại Mộc Hóa và Cty TNHH Thương mại Dịch vụ Phan Tuấn. 4 đơn vị này cung cấp cho 123 cửa hàng, đại lý; còn lại 355 cửa hàng, đại lý nhận hàng từ các đơn vị đầu mối và phân phối ngoài tỉnh. Giá xăng, dầu tăng, biến động; chính sách chiết khấu cho đại lý thấp,... dẫn đến kinh doanh xăng, dầu có lúc, có nơi xảy ra tình trạng thiếu hụt, gây không ít khó khăn cho người tiêu dùng lẫn cơ quan quản lý.
Thông tin từ Sở Công Thương, qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường xăng, dầu, thương nhân phân phối xăng, dầu trên địa bàn tỉnh cho rằng, nhà phân phối cung cấp xăng rất hạn chế dẫn đến tình trạng thiếu hụt. Bên cạnh đó, mức chiết khấu cho đại lý rất thấp, thương nhân càng bán càng lỗ. Vì vậy, có lúc, có nơi xảy ra tình trạng một số cửa hàng bán lẻ xăng, dầu thiếu nguồn cung, tạm dừng hoạt động hoặc bán cầm chừng. Trước thực trạng trên, Sở Công Thương ban hành Công văn số 306/SCT-QLTM đề nghị các thương nhân kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh có phương án bảo đảm nguồn cung xăng, dầu; giám sát việc bán xăng, dầu; tại các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu thuộc hệ thống phân phối. Từ đó, đảm bảo việc bán xăng, dầu không bị gián đoạn. Hiện nay, các thương nhân bán lẻ xăng, dầu đang thực hiện ký cam kết gửi về Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường (QLTT) đảm bảo duy trì số lượng xăng, dầu tại cửa hàng để cung ứng cho người dân, đảm bảo thời gian bán hàng theo thời gian đã đăng ký với Sở Công Thương.
Cục trưởng Cục QLTT tỉnh - Phạm Đức Chinh cho biết, để góp phần ổn định tình hình thị trường xăng, dầu, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục QLTT tỉnh chỉ đạo các đội QLTT tăng cường thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, tiến hành giám sát chặt chẽ các đơn vị kinh doanh xăng, dầu. Nếu phát hiện hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn được phân công phụ trách, quản lý phải chủ động tổ chức phối hợp hoặc báo cáo Cục QLTT tỉnh đề xuất các cơ quan chức năng phối hợp kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các đơn vị kinh doanh xăng, dầu chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng, dầu.
Theo đó, từ ngày 01/02/2022 đến nay, các lực lượng thuộc Cục QLTT tỉnh đã giám sát 2.757 lượt và kiểm tra 7 vụ việc, chưa phát hiện sai phạm trong kinh doanh xăng, dầu. Ngoài ra, Cục QLTT tỉnh cũng triển khai thông tin số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của người dân về hoạt động kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn. Qua đó, các đội QLTT đã dán 495 áp phích tại các cơ sở kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh để người dân có thể dễ dàng liên hệ báo tin.
Ông Phạm Đức Chinh cho biết thêm, để tránh tình trạng khan hiếm và lợi dụng tình hình để găm hàng, Cục QLTT tỉnh triển khai kế hoạch kiểm tra thường xuyên đối với mặt hàng xăng, dầu. Đồng thời, Cục QLTT tỉnh chỉ đạo lực lượng QLTT phối hợp chặt chẽ các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát các cửa hàng kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh. Qua đó, kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng, dầu nhằm trục lợi, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, góp phần ổn định thị trường, đảm bảo an ninh năng lượng trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Cục QLTT tỉnh phối hợp các lực lượng xây dựng kế hoạch phối hợp kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng, dầu trên tuyến đường thủy trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, các cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người tiêu dùng chủ động cung cấp thông tin khi phát hiện những vi phạm về chất lượng, tiêu chuẩn, đo lường, hành vi đầu cơ găm hàng, chờ tăng giá, giúp cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, xử lý, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng./.
Gia Hân