Tiếng Việt | English

20/12/2017 - 12:07

Quản lý giáo dục mầm non tư thục còn nhiều khó khăn

Các cơ sở giáo dục mầm non tư thục (GDMNTT) ngày càng mở rộng, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh, đặc biệt tại địa bàn có khu, cụm công nghiệp (K,CCN). Tuy nhiên, công tác quản lý các cơ sở này còn nhiều khó khăn, phụ huynh vẫn lo lắng khi gửi trẻ.

Giảm tải cho trường công lập

Hiện nay, nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh rất lớn, đặc biệt ở những địa bàn có K,CCN. Vì vậy, các cơ sở GDMNTT được thành lập, góp phần giảm tải cho trường mẫu giáo, mầm non công lập và giải quyết nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa - Nguyễn Thị Hồng Phúc cho biết: “Tại Đức Hòa, mỗi năm, số trẻ trong độ tuổi mầm non tăng từ 400-600 trẻ, có những năm tăng 700 trẻ, tạo áp lực rất lớn cho các trường công lập. Do đó, địa phương luôn tạo điều kiện và kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư cho lĩnh vực giáo dục như mở trường, nhóm trẻ trên địa bàn huyện. Hiện nay, toàn huyện có 13 trường mầm non, 67 nhóm, lớp mẫu giáo độc lập tư thục. Các cơ sở GDMNTT thành lập góp phần tăng tỷ lệ trẻ ra lớp”.

Huyện Cần Giuộc hiện có 63 cơ sở GDMNTT, chủ yếu tập trung tại các xã có K,CCN: Tân Kim, Phước Lại, Long Hậu,... Nhờ vậy, người dân địa phương, dân nhập cư là công nhân có nơi gửi trẻ, an tâm làm việc, phát triển kinh tế gia đình.

Nhóm lớp Hoa Hướng Dương, xã Long Trạch, huyện Cần Đước được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh hỗ trợ 5 triệu đồng mua đồ dùng, đồ chơi

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Cần Giuộc - Võ Tây Phiên chia sẻ: “Cơ sở vật chất của các trường mầm non công lập hạn chế, không đủ đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh. Trong khi đó, số lượng trẻ tại các địa phương có K,CCN rất lớn và ngày càng tăng. Do vậy, các cơ sở GDMNTT được thành lập, góp phần giảm tải cho các trường công lập, hiện giải quyết nhu cầu ra lớp cho hơn 2.000 trẻ trên địa bàn huyện”.

Khó khăn trong quản lý

Hiện tại, Phòng GD&ĐT cấp huyện phân công cán bộ quản lý các cơ sở này; đồng thời, giao nhiệm vụ hiệu trưởng trường mầm non công lập tại địa phương trực tiếp quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ. Tuy nhiên, công tác này gặp không ít khó khăn. Một số nhóm, lớp chưa được cấp phép hoạt động; chủ nhóm, lớp chưa có chuyên môn, chỉ được đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn về công tác quản lý giáo dục mầm non. Chất lượng đội ngũ giáo viên còn nhiều hạn chế.

Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Nguyễn Văn Phú, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa - Huỳnh Thị Hồng Phúc thổ lộ: “Xã Đức Hòa Hạ hiện có 2 trường mầm non và 22 nhóm, lớp độc lập tư thục; trong đó, có 6 nhóm lớp chưa được cấp phép. Với số lượng lớn như vậy nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn, ít có thời gian kiểm tra thường xuyên. Giáo viên tại một số nhóm, lớp soạn giáo án theo hình thức đối phó, chưa hợp tác thường xuyên với trường”.

Đoàn của địa phương kiểm tra về lưu mẫu thức ăn tại Nhóm trẻ Phương Quỳnh, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa

Ngoài ra, cơ sở GDMNTT cũng gặp không ít khó khăn, nhất là biến động về giáo viên, số lượng trẻ gây ảnh hưởng chất lượng chăm sóc, giáo dục. “Có nhiều trẻ vào được 1 tháng, vừa làm quen với môi trường mới và chăm ngoan hơn thì phụ huynh cho trẻ nghỉ, 1-2 tháng sau lại đến gửi nên giáo viên phải dỗ dành, tập cho trẻ làm quen lại từ đầu” - chị Nguyễn Thị Thảo- chủ Nhóm lớp tư thục Hoa Hướng Dương, ấp Cầu Tràm, xã Long Trạch, huyện Cần Đước, bộc bạch.

Nhóm lớp Doremon, xã Long Trạch, huyện Cần Đước mở rộng sân chơi xanh, sạch, đẹp, tạo môi trường thoải mái cho trẻ vui chơi

Phụ huynh lo lắng

Ngoài khó khăn trong công tác quản lý, phụ huynh còn lo lắng về chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ tại các cơ sở GDMNTT. Chị H.T.K.H (29 tuổi), ngụ khu phố 8, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, cho biết: “Bé nhà tôi được 3 tuổi, đang gửi tại nhóm trẻ T.D. Tuy nhiên, do bé còn nhỏ, hay kén ăn, chưa biết tự chăm sóc nên tôi lo lắng, bé có được quan tâm, chăm sóc tốt không? Ngoài ra, trước tình trạng bạo hành trẻ tại một số cơ sở GDMNTT, phụ huynh rất hoang mang”.

Còn anh N.V.L (27 tuổi), ngụ khu phố 4, thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa, chia sẻ: “Vợ chồng tôi quê ở Sóc Trăng nên không thể nhờ người thân giữ con. Bé mới 2 tuổi nên phải gửi tại nhóm trẻ tư thục. Tôi lo lắng về chất lượng chăm sóc trẻ của nhóm trẻ tư thục. Mong rằng, các cấp, ngành địa phương thực hiện tốt công tác quản lý, kiểm tra để các nhóm trẻ hoạt động thực sự hiệu quả, tạo lòng tin hơn nữa cho phụ huynh”.

Trẻ tham gia hoạt động tô màu

Trước những hạn chế trong công tác quản lý, sự lo lắng của phụ huynh, ngành GD&ĐT, Y tế, chính quyền địa phương, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp phối hợp tổ chức các đợt kiểm tra định kỳ và đột xuất. Những trường hợp vi phạm được xử lý ngay. Đặc biệt, ngành GD&ĐT, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp tăng cường tổ chức tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ. Hiệu trưởng các trường mầm non công lập tại địa phương tạo điều kiện cho chủ nhóm lớp, giáo viên, bảo mẫu của các cơ sở GDMNTT tham gia dự giờ, sinh hoạt chuyên môn để học tập kinh nghiệm, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cần Đước - Lại Thị Kim Minh nói: “Nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng chăm sóc trẻ trong độ tuổi mầm non cho chủ cơ sở, giáo viên, bảo mẫu tại các cơ sở GDMNTT, đầu tháng12-2017, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tổ chức tập huấn cho hơn 70 người với 2 chuyên đề: Vệ sinh chăm sóc trẻ khi trẻ mắc một số bệnh thông thường; Phòng tránh tai nạn, thương tích và dinh dưỡng cho trẻ giai đoạn ăn dặm. Qua đó, những chủ cơ sở, giáo viên và bảo mẫu được nâng cao kỹ năng chăm sóc, giáo dục trẻ”.

Nhu cầu gửi trẻ ngày càng tăng, đặc biệt tại địa bàn có K,CCN. Do đó, các địa phương cần tạo điều kiện để các cá nhân, đơn vị thành lập cơ sở GDMNTT. Tuy nhiên, cùng với việc mở rộng mạng lưới cở sở GDMNTT, các cấp, các ngành cần thực hiện tốt công tác phối hợp, quản lý các cơ sở này nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ và tạo lòng tin cho xã hội./.

Toàn tỉnh có 23 trường mầm non, 280 nhóm, lớp mầm non độc lập tư thục, tiếp nhận 13.500 trẻ. Các cơ sở GDMNTT góp phần rất lớn trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ, giúp phụ huynh an tâm làm việc. Tuy nhiên, công tác quản lý các cơ sở này còn nhiều khó khăn. Trong đó, chế độ ăn của trẻ khó quản lý; đa phần các nhóm, lớp chú trọng chăm sóc hơn giáo dục trẻ; chất lượng đội ngũ giáo viên một số nhóm, lớp chưa bảo đảm, chưa hiểu rõ tâm, sinh lý của trẻ ở từng độ tuổi để có cách chăm sóc, giáo dục phù hợp. Thời gian tới, ngành tăng cường công tác phối hợp nhằm kiểm tra, xử lý trường hợp vi phạm; chỉ đạo hiệu trưởng các trường mẫu giáo công lập trên địa quản lý tốt và hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ cho các cơ sở GDMNTT; đồng thời mở nhiều lớp tập huấn cho chủ cơ sở, giáo viên, bảo mẫu của các cơ sở GDMNTT tham gia, góp phần nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho các đối tượng trên.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT - Huỳnh Thị Huệ

Ngọc Sương

Chia sẻ bài viết


Ielts process The IELTS Workshop