Tiếng Việt | English

14/03/2025 - 09:49

Quan tâm đầu tư cho chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển

Mới đây, Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước do Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính chủ trì đã họp Phiên họp thứ ba bàn nhiều giải pháp quan trọng.

Thời gian qua, Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước được dư luận xã hội rất quan tâm, đồng tình bởi chương trình này có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần “tương thân, tương ái”, tình dân tộc, nghĩa đồng bào, “Lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá nhiều” của dân tộc.

Chương trình minh chứng cho sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với các hộ nghèo. Đồng thời, chương trình này là hoạt động thiết thực chào mừng Đại hội Đảng bộ cấp tỉnh, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Theo tin từ Ban Chỉ đạo, kể từ khi phát động phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước năm 2025” đến ngày 06/3/2025, cả nước hỗ trợ xóa 121.638/223.146 căn nhà tạm, nhà dột nát, đạt 54,5%. Trong đó, có 65.564 căn đã khánh thành và 56.074 căn khởi công xây dựng.

Tại Long An, đến nay, tổng số nhà tạm, nhà dột nát có nhu cầu xây dựng, sửa chữa là 107 căn. Các địa phương triển khai khởi công xây dựng, sửa chữa 105/107 căn và đang tiếp tục khởi công. Chương trình giúp nhiều gia đình có điều kiện “an cư” để “lạc nghiệp”, giảm bớt khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống. Qua đó, tiếp thêm niềm tin, động lực để những hộ nghèo cảm thấy ấm áp, vững tin vào cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Với ý nghĩa hết sức to lớn, chúng ta tin tưởng rằng, trong năm 2025, nhiều gia đình nghèo, yếu thế, người dân tộc thiểu số,... sẽ có được điểm tựa vật chất lẫn tinh thần từ những mái ấm của tình thương yêu mang lại và vươn lên trong cuộc sống.

Bên cạnh xóa nhà tạm, nhà dột nát, người dân Long An cũng rất quan tâm chính sách miễn học phí cho học sinh (HS) phổ thông mà tỉnh Long An tiên phong thực hiện trước cả nước. Đây không chỉ đơn thuần là một chính sách hỗ trợ giáo dục mà còn nhằm hiện thực hóa công bằng xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, vùng miền và phát triển nguồn nhân lực bền vững, xây dựng một xã hội học tập suốt đời.

Chính sách miễn, giảm học phí cho HS từ mầm non đến hết THPT của Bộ Chính trị ban hành là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, thể hiện rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc chăm lo cho tương lai của thế hệ trẻ, giúp các HS, nhất là con em hộ nghèo, ở vùng sâu, biên giới thực hiện quyền được học tập của mình. Chính sách này không chỉ giúp giảm gánh nặng cho các gia đình mà còn tạo cơ hội để mọi trẻ em có thể học tập và phát triển, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước. Việc thực hiện miễn học phí tạo được sự đồng thuận cao của xã hội, phù hợp với tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới; Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt chuyên đề năm 2025 của tỉnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Chính sách xóa nhà tạm, nhà dột nát và miễn học phí chính là việc cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết số 42-NQ/TW với trọng tâm nâng cao chất lượng chính sách xã hội.

Trong thực hiện chính sách xã hội, Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định việc chăm lo cho con người, vì con người, lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực để phát triển bền vững đất nước; là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn xã hội; thể hiện đặc trưng, bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa; tăng trưởng kinh tế gắn với bảo đảm chính sách xã hội; tạo điều kiện để nhân dân được thụ hưởng thành quả của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hiện nay, Đảng, Nhà nước khởi động nhiều quyết sách KT-XH để mở ra trang mới: Kỷ nguyên vươn mình phát triển và cường thịnh của đất nước. Mỗi người dân phải hòa vào dòng chảy chung của đất nước, cần tự lực, tự cường, tích cực lao động, sản xuất, làm ra nhiều của cải vật chất, tinh thần cho gia đình và xã hội; đồng thời, cần tham gia thực hiện các chính sách xã hội theo tinh thần “ai có gì giúp nấy, ai có nhiều giúp nhiều, ai có ít giúp ít, ai có công giúp công, ai có của giúp của”./.

Kim Quy

Chia sẻ bài viết