Tiếng Việt | English

21/07/2020 - 18:15

Quan tâm tháo gỡ khó khăn cho Đội Bóng chuyền nam Long An

Hiện nay, trong làng bóng chuyền (BC) Long An nói riêng, cả nước nói chung, khi nhắc đến Long An, nhiều người chỉ nghĩ đến Đội BC nữ VTV Bình Điền Long An mà quên đi sự tồn tại của Đội BC nam. Điều này chứng tỏ, Đội BC nam Long An đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức cần hướng giải quyết thiết thực, hiệu quả.

Đội Bóng chuyền nam Long An đang đứng trước nhiều khó khăn, thử thách rất cần biện pháp tháo gỡ

Đội Bóng chuyền nam Long An đang đứng trước nhiều khó khăn, thử thách rất cần biện pháp tháo gỡ
Chiều cuối tuần, chúng tôi đến Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu tỉnh để tìm hiểu về hoạt động của Đội BC nam Long An. Mở đầu câu chuyện, ông Ngô Quốc Bảo - Huấn luyện viên phó của đội, nói: Từ năm 2006-2011, Đội BC nam Long An đạt rất nhiều thành tích đáng nể, được giới chuyên môn đánh giá cao, luôn đứng trong top 3 của BC Việt Nam, bất cứ đi tham gia giải thi đấu nào đều có giải. Hơn hết, nơi đây được xem là “cái nôi” sản sinh ra biết bao thế hệ tài năng của BC nam Việt Nam, với các tuyến cầu thủ quốc gia như Nguyễn Quốc Vũ, Phạm Phước Tiền, Huỳnh Văn Tuấn, Trần Thiên Vũ, Trịnh Nguyễn Hoàng Huy, Nguyễn Hoàng Quốc Huy, Phạm Hữu Trường, Lê Quang Khánh,… Tuy nhiên, những vận động viên (VĐV) giỏi này đã không còn tham gia thi đấu cho Đội BC nam Long An.

Nguyên nhân chính là do khó khăn về tài chính, không tìm được nhà tài trợ sau khi Tập đoàn Hoàng Long rút lui vào năm 2011. Trong khi đó, những VĐV giỏi có rất nhiều câu lạc bộ, đội bóng muốn ký hợp đồng dài hạn, với mức lương và chế độ ưu đãi rất cao. VĐV Phạm Quốc Dư trải lòng: “Tuổi đời của VĐV rất ngắn, đến năm 30 tuổi là nhiều rồi. Vì vậy, VĐV chúng tôi dù có yêu nghề nhưng cũng phải dành dụm tiền để sau này không còn thi đấu có tiền làm vốn phát triển sản xuất, chăm lo kinh tế gia đình. Và khi nhìn sang các đội BC khác, mức sống của VĐV BC nam Long An rất thấp, chế độ không có, chúng tôi cảm thấy rất chạnh lòng, tư tưởng không ổn định khó mà có phong độ tốt khi tham gia các giải đấu. Riêng bản thân tôi hiện nay có rất nhiều đội BC ở các tỉnh như Vĩnh Long, Khánh Hòa và TP.HCM,… ngỏ ý ký hợp đồng, với mức lương thấp nhất 20 triệu đồng/tháng và nhiều chế độ đãi ngộ hấp dẫn. Còn hiện tại, mức lương của tôi ở Đội BC nam Long An chỉ đủ sống. Dự định năm 2021, tôi sẽ rời khỏi đội nếu tiền lương, chế độ không tăng”.

Mất đi nguồn tài trợ, sống nhờ vào nguồn kinh phí hoạt động chủ yếu từ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch nên việc duy trì và giữ được hạng là một điều may mắn và đầy nỗ lực của huấn luyện viên và VĐV. Theo nhiều người đánh giá, năm 2011, sau khi Tập đoàn Hoàng Long rút lui, đến nay Đội BC nam Long An được làng BC Việt Nam đánh giá là đội bóng “nghèo” nhất cả nước về tài chính lẫn kết quả thi đấu. 

Để đào tạo ra một VĐV giỏi là một quá trình mất rất nhiều kinh phí, thời gian và cả tâm huyết của những người “rèn” binh, vậy mà vì thiếu nhà tài trợ, tiền lương, chế độ thấp, Đội BC nam Long An phải “chảy máu” VĐV. VĐV Lê Hoài Hận bộc bạch: “Năm 2009, em tham gia học tập và tập luyện tại Trường Thể dục - Thể thao tỉnh. Năm 2013, em chính thức đưa lên Đội tuyển BC nam Long An. Hiện gia đình em gặp nhiều khó khăn, cần tiền chữa bệnh cho bà ngoại. Trong khi đó, thu nhập của em thấp nên rất áp lực, tâm lý thi đấu không ổn định, lúc nào cũng nghỉ sẽ bỏ đội để tìm một đội khác, với mức lương và điều kiện phát triển tốt hơn. Biết rằng nơi đây cho em nhiều kỷ niệm đẹp, là nơi đào tạo, huấn luyện em thành VĐV giỏi nên em cố gắng ở lại đội để chờ nguồn tài trợ. Nếu tình hình tài chính của đội BC nam không thay đổi, không biết em còn kiên nhẫn ở lại đội bao lâu”.

Lê Hoài Hận, Phạm Quốc Dư được xem là những VĐV "trụ cột" của Đội BC nam Long An hiện nay. Trường hợp 2 VĐV này rời đội, BC nam Long An còn đứng trước thử thách lớn hơn, thậm chí là không còn nằm trong top 10 của cả nước. Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu tỉnh - Phạm Văn Chương cho biết: “Hiện nay, VĐV BC nam Long An rất giỏi nhưng phong độ thi đấu rất thấp, tâm lý không ổn định. Hiểu được tâm lý của các VĐV, chúng tôi động viên tư tưởng rất nhiều nhưng vẫn khó giữ chân được họ. Vấn đề bây giờ chỉ cần tìm được nhà tài trợ cho Đội BC nam Long An thì tất cả khó khăn đều có thể giải quyết được, việc đạt kết quả trong các giải vô địch quốc gia rất dễ dàng. Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng tích cực kêu gọi nhà tài trợ nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Hiện nay, cả nước chỉ có Đội BC nam Long An là chưa có nhà tài trợ, còn lại các đội BC khác đều có nhà tài trợ”.

Không cần so sánh đâu xa, chỉ cần nhìn sang Đội BC nữ Long An, chúng ta đã thấy một sự chênh lệch không hề nhỏ. Vì Đội BC nữ Long An được hỗ trợ rất lớn từ Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, từ đó có nhiều động lực tham gia thi đấu và đạt rất nhiều giải thưởng cao quý. Còn Đội BC nam Long An lại khao khát được một lần lọt vào vòng chung kết giải vô địch quốc gia và thèm khát nguồn tài trợ. Điều này càng khẳng định, thời gian qua, Đội BC nam Long An không chỉ "nghèo" về kinh phí mà còn nghèo về các giải vô địch quốc gia. 

Có thể thấy, Đội BC nam Long An đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nếu không có biện pháp tháo gỡ thì giải tán là điều sớm hay muộn. Vì vậy, hy vọng các cấp, các ngành sớm có giải pháp tháo gỡ, kêu gọi được nhà tài trợ để vực dậy phong trào BC nam Long An./.

Lê Ngọc

 

Chia sẻ bài viết