Rộn ràng Lễ hội Làm Chay
Có lẽ phải xem tận mắt, nghe tận tai mới cảm nhận được hết không khí sôi nổi tại Lễ hội Làm Chay tại thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, tỉnh Long An như thế nào. Dù đã quen hay chưa quen, mọi người đều cùng hòa vào không khí chung và nhiệt tình tham gia các hoạt động của lễ hội. Đây cũng là lễ hội được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2014.
Đình Tân Xuân trong những ngày diễn ra lễ hội luôn nhộn nhịp người
Sôi nổi hoạt động vui chơi
Khởi động cho ngày diễn ra những hoạt động chính của lễ hội (16 tháng Giêng) là phần hội với các trò chơi dân gian. Mọi người có thể tham gia và hòa cùng không khí của các trò chơi: Kéo co, đập nồi, nhảy bao bố. Thông qua những trò chơi dân gian ấy, trẻ nhỏ, người lớn được vui chơi theo đúng tinh thần lễ hội dân gian và góp phần gắn kết cộng đồng. Bên cạnh đó, những hoạt động thể dục - thể thao cũng diễn ra sôi nổi không kém với các bộ môn bóng chuyền, cờ tướng, cầu lông,... nhằm đáp ứng nhiều đối tượng và nhu cầu của người tham gia lễ hội.
Mọi người tham gia trò chơi kéo co
Ngoài những hoạt động vui chơi ấy, trò chơi dân gian thả vịt là một trong những hoạt động không thể thiếu và là điểm nhấn của phần hội, diễn ra tại vị trí của ghe đăng. 14 giờ mới bắt đầu nhưng tầm 13 giờ 30 phút, mọi người tập trung rất đông. Trên cầu, xung quanh bờ sông, người vây kín. Dưới nước, xuồng, ghe chở người tham gia trò chơi cũng bao quanh vị trí thả vịt. Khi vịt trên cầu thả xuống, mọi người cùng lao xuống nước bắt.
Trò chơi thả vịt được mọi người nhiệt tình tham gia
Anh Nguyễn Thanh Sơn (TP.HCM), một trong những người tham gia trò chơi thả vịt, chia sẻ: “Mặc dù không phải người dân Châu Thành nhưng tôi vẫn nhiệt tình tham gia các hoạt động vui chơi. Cùng mọi người nhảy xuống sông bơi để bắt vịt và hòa cùng không khí náo nhiệt nên không có cảm giác mệt hay đuối khi bơi. Đây là lần thứ 2 tôi về Châu Thành dự lễ hội. Ở đây, ai cũng thân thiện, nhiệt tình nên tôi rất vui. Năm sau, nếu sắp xếp được thời gian, tôi nhất định tham gia tiếp”.
Cỗ bánh năm nay lớn hơn mọi năm
Đến địa điểm diễn ra trò chơi thả vịt từ rất sớm để chọn vị trí đẹp, xem thoải mái hơn, chị Nguyễn Thanh Thủy, ngụ thị trấn Tầm Vu, thổ lộ: “Thả vịt là trò vui nhất trong các trò chơi trong lễ hội. Mọi người ai muốn tham gia cũng được. Tôi nghĩ, bắt được hay không bắt được vịt thì mọi người đều vui, quan trọng là được vui chơi thoải mái".
Mang đậm giá trị tâm linh
Lễ hội Làm Chay khơi nguồn từ lòng yêu nước, sự yêu thương và kính trọng các bậc nghĩa khí trung kiên đã hy sinh trong phong trào kháng chiến chống Pháp nửa đầu thế kỷ XIX ở Tầm Vu mà tiêu biểu là 2 ông Đỗ Tường Phong và Đỗ Tường Tự.
“Người dân Tầm Vu ngày ấy phao tin “loạn cô hồn dậy dẹp chợ” không buôn bán được, cần phải cúng tế và mượn cớ để làm lễ trai đàn cúng cô hồn, chiến sĩ trận vong nhằm tránh sự đàn áp của giặc, theo thời gian trở thành lệ Làm Chay và ngày nay là Lễ hội Làm Chay. Đây là một nghi thức cúng tế của Phật giáo, lễ lập đàn cầu siêu cho các cô hồn vất vưởng, các vong linh ma quỷ không để chúng làm hại con người và cầu an cho bá tánh. Có thể nói, lễ hội nhằm mục đích cầu siêu cho người chết và cầu an cho người sống” - Trưởng ban Quản trị đình Tân Xuân - Đoàn Công Tập cho biết.
Chiêu u đường bộ
Đối tượng chính của lễ hội là Tiêu diện Đại sĩ (ông Tiêu), hóa thân của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát. Ông Tiêu được thỉnh lên giàn vào trưa ngày 16 tháng Giêng. Nằm trong chuỗi hoạt động lễ hội, Lễ Chiêu u diễn ra gồm nghi thức chiêu u gần và chiêu u xa. Hoạt động này có sự tham gia của đông đảo người dân nhằm đến các điểm chiêu u cúng vái, thỉnh cô hồn về giàn ông Tiêu. Ngoài ra, nghi thức thỉnh kinh, đánh động thỉnh thầy cũng diễn ra sôi nổi với màn diễn có nội dung thầy trò Tam Tạng vâng lệnh vua Đường sang Tây Trúc thỉnh kinh. Theo đó, đoàn thỉnh kinh tập trung trước giàn ông Tiêu nghe chiếu của vua Đường rồi đến các động thu phục yêu quái và đi thỉnh kinh, thỉnh thầy rồi về giàn ông Tiêu. Cũng như hoạt động chiêu u, hoạt động này thu hút khá nhiều người tham gia, tạo nên một không khí sôi nổi, náo nhiệt cả một vùng rộng lớn.
Bà Đỗ Thị Loan, ngụ xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, tâm sự: “Lễ hội là ngày vui chung của cả cộng đồng nơi đây. Qua đó, mọi người cũng cầu mong một năm "mưa thuận gió hòa", "quốc thái dân an", người dân làm ăn thuận lợi. Ngoài ra, lễ hội còn mang ý nghĩa ghi nhớ công ơn những bậc tiền nhân, nghĩa sĩ. Là con cháu của ông Đỗ Tường Phong, Đỗ Tường Tự, tôi rất tự hào!”.
Chiêu u đường sông
Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Nguyễn Dương Phong Linh nhận định: “Lễ hội năm nay lớn hơn các năm trước. Tính đến thời điểm chiều ngày 16 tháng Giêng, số lượt người tham gia lễ hội đông hơn. Công tác chuẩn bị chu đáo, chủ động nên lễ hội diễn ra thuận lợi và an toàn”.
Sau những hoạt động trên, vào buổi tối, nghi thức phóng đăng diễn ra trên sông Tầm Vu với mục đích hướng tới giác ngộ, giải thoát chúng sinh. Và đến 0 giờ, ngày 17 tháng Giêng diễn ra nghi thức quan trọng nhất là xô giàn - đưa khách nhằm tống tiễn cô hồn. Theo đó, lễ vật gồm bánh, trái cây, gạo, muối trên giàn được rải xuống và phân phát cho người tham gia. Cuối cùng là đốt hình ông Tiêu.
Lễ hội Làm Chay vui như tết và từ lâu đã trở thành lễ hội không thể thiếu của người dân Châu Thành. Kết thúc lễ hội năm nay, mọi người trở lại công việc, học tập và trông chờ lễ hội năm sau để tiếp tục có một năm may mắn, bình an./.
Ngọc Thạch
- Festival Ninh Bình 2024 - Dòng chảy di sản: Hành trình trải nghiệm hấp dẫn, độc đáo (24/11)
- Kỷ niệm 15 năm Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO ghi danh (24/11)
- Quê hương tựa khúc dân ca (24/11)
- 10 hoạt động nổi bật tại Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Long An lần thứ 2 năm 2024 (23/11)
- Vang mãi điệu đờn, lời ca (23/11)
- Sẽ có 10 hoạt động nổi bật được tổ chức tại Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch lần thứ 2 (22/11)
- Tăng cường tuyên truyền về Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Long An lần thứ 2 (22/11)
- Những 'địa chỉ đỏ' trong Khởi nghĩa Nam Kỳ (22/11)