Các dịp lễ giỗ là các thành viên tập trung đông đủ
Giữ gìn nét truyền thống
Đến thăm dòng họ Phan trong những ngày cuối năm, chúng tôi được ông Phan Kim Trụ - Phó Trưởng tộc họ Phan, chia sẻ nhiều điều thú vị. Một trong những điều làm chúng tôi ấn tượng là cách giữ gìn nét truyền thống của dòng họ. Đây cũng là "chìa khóa" để xây dựng dòng họ học tập của họ Phan.
Mỗi năm, cứ vào ngày giỗ của dòng họ là con cháu tập trung về dự đông đủ. Trong lễ giỗ, họ cùng đọc lại gia phả của dòng họ và báo cáo tình hình kinh tế, đời sống của các gia đình trong dòng họ. Đây không chỉ là dịp mọi người gắn kết, quây quần bên nhau mà còn là dịp để người lớn khuyên bảo người nhỏ, người có kinh nghiệm sống nhiều chia sẻ cho những người có kinh nghiệm sống ít để dòng họ Phan ngày càng phát triển.
Trong nhà thờ họ Phan, chúng tôi ấn tượng bởi những câu liễn dạy con cháu phải biết noi theo tổ tiên, cách làm người nhân nghĩa, cầu tiến. Đồng thời, nhà thờ cũng treo bản 15 điều lớn nhất của đời người để con cháu khắc ghi và làm theo. Cụ thể: Đáng khâm phục nhất của đời người là ý chí vươn lên; Tài sản lớn nhất của đời người là sức khỏe; Lễ vật lớn nhất của đời người là khoan dung; Thất bại lớn nhất của đời người là tự cao, tự đại,... Và những điều răn dạy ấy, các thành viên dòng họ Phan như thuộc nằm lòng.
Ông Phan Kim Trụ chia sẻ: "Để nét truyền thống của dòng họ luôn được giữ gìn và phát huy, trước tiên, từng gia đình phải giữ gìn tốt truyền thống và xây dựng nếp nhà. Cha mẹ làm gương cho các con, mọi ứng xử trong gia đình phải biết kính trên, nhường dưới, quan tâm và đối xử chân thành với nhau là những yếu tố quan trọng xây dựng nếp nhà và gia đình hạnh phúc. Từ đó, con cháu học theo và hiếu thảo với cha mẹ. Ngoài ra, gia đình tôi có quy định, mùng 3 tết, con cháu dù ở đâu cũng tập trung về nhà để cùng quây quần bên nhau, cầu mong một năm mới bình an, hạnh phúc".
Không chỉ gia đình ông Trụ, những gia đình trong họ Phan khác cũng có cách giữ gìn truyền thống riêng để mỗi người con, người cháu đều biết và trân trọng nguồn cội. Nhờ vậy, những nét truyền thống của họ Phan luôn được giữ gìn và phát huy qua từng thế hệ.
Học là con đường đi đến thành công
Bên cạnh giữ gìn truyền thống, dòng họ Phan còn quan tâm giáo dục con cháu học tập, bởi chỉ có học tập, con người mới mở mang kiến thức và thành công trong cuộc sống.
Một trong những gương vượt khó học tập của dòng họ Phan là chị Phan Lê Thanh Thủy (53 tuổi), hiện đang là bác sĩ. Khi chị Thủy còn nhỏ, gia đình khó khăn nhưng chị vẫn quyết tâm không bỏ học. Bởi, chị Thủy luôn được dạy "học là con đường để thành công". Dù một buổi đi học, một buổi đi cấy và làm thêm việc nhà nhưng chị Thủy vẫn không từ bỏ việc học.
15 điều răn dạy con cháu của dòng họ Phan
Ngoài ra, dòng họ Phan còn lập quỹ học bổng riêng nhằm khuyến khích, giúp đỡ con cháu trong việc học. Được biết, dòng họ Phan tại Châu Thành đến nay có 11 đời và hiện có 50 hộ với 250 người. Nhờ tinh thần hiếu học, con cháu họ Phan nhiều người có trình độ học vấn cao, trong đó có 1 thạc sĩ, 29 cử nhân (7 người là bác sĩ), 25 người tốt nghiệp cao đẳng và trung cấp nghề, 8 người đang học đại học. Dù đạt trình độ học vấn cao hoặc lớn tuổi nhưng những thành viên của họ Phan vẫn không ngừng học tập. Học những điều chưa biết, học những điều cần thiết trong cuộc sống, học để phục vụ lao động, sản xuất,... là phương châm của từng thành viên dòng họ Phan.
Nhờ giữ gìn truyền thống và không ngừng học tập, năm 2018, dòng họ Phan được UBND tỉnh tặng bằng khen. Đó cũng là sự ghi nhận trong việc giữ gìn và phát huy truyền thống hiếu học tốt đẹp của dân tộc./.
Ngọc Thạch