Dòng họ hiếu học - dòng họ Bùi luôn răn dạy con cháu tích cực học tập, lập thân, lập nghiệp
Từ những mô hình học tập
Góp phần xây dựng XHHT, tỉnh triển khai thực hiện đại trà 4 mô hình học tập ở cơ sở: Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Đơn vị học tập, Cộng đồng học tập cấp xã. Từ đó, phong trào học tập phát triển mạnh mẽ.
Cần Đước là huyện điển hình về xây dựng XHHT trong năm 2018. Ngoài tổ chức các hoạt động khuyến học, khuyến tài, đồng hành cùng học sinh (HS) nghèo, HS hiếu học, huyện còn phát triển mạnh về mô hình học tập. Theo đó, huyện phát động thi đua, khen thưởng trong xây dựng cộng đồng học tập cấp xã; huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong thực hiện các mô hình học tập, đồng thời biểu dương những tập thể, cá nhân đạt thành tích trong thực hiện mô hình nhằm tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội.
Dòng họ Bùi (ấp Xóm Chùa, xã Tân Lân) là một trong những dòng họ học tập tiêu biểu của huyện Cần Đước. Nhánh cùng hàng cụ Bùi Văn Vẽ có 26 hộ với 130 thành viên. Con cháu cụ Vẽ đều ý thức được tầm quan trọng của việc học, nhiều người có trình độ cao và thành đạt trong cuộc sống.
Ông Bùi Anh Tuấn (56 tuổi) - con trai cụ Bùi Văn Vẽ, chia sẻ: “Từ nhỏ, tôi được ba dạy về tầm quan trọng của việc học. Dù gặp không ít khó khăn, vất vả nhưng tôi vẫn cố gắng học tập. Đối với các con, không chỉ dạy đạo đức, cách làm người, tôi còn phân tích để chúng hiểu ý nghĩa của việc học, nỗ lực vươn lên. Hiện 2 con tôi - 1 người học cao học, 1 người tốt nghiệp đại học và đều có việc làm ổn định”.
“Các gia đình trong họ Bùi luôn xác định rõ học tập là động lực phát triển nên cần gì thì học đó, học tập mọi lúc, mọi nơi để lập thân, lập nghiệp, góp phần xây dựng quê hương. Đồng thời, dòng họ Bùi luôn đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau trong học tập và phát triển kinh tế. Mỗi năm, các thành viên trong gia tộc đều họp mặt để khen thưởng và động viên con cháu nỗ lực học tập” - cụ Bùi Văn Vẽ cho biết.
Học sinh đọc sách cùng giáo viên
Không chỉ Cần Đước, các địa phương khác trong tỉnh cũng nỗ lực thực hiện các mô hình học tập, góp phần xây dựng XHHT. Đến nay, 4 mô hình học tập của tỉnh đều đạt từ 80% trở lên, trong đó Gia đình học tập đạt 88,62%; Dòng họ học tập đạt 94,8%; Cộng đồng học tập đạt 94,76%; Đơn vị học tập đạt 91,27%. Đó là kết quả đáng tự hào và là bước tiến lớn trong xây dựng XHHT.
Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo
Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) là một trong những chủ trương quan trọng và đạt kết quả đáng tự hào sau 5 năm thực hiện. Mạng lưới trường lớp ngày càng được mở rộng, nhiều trường được đầu tư sửa chữa, xây mới. Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, các trường có sự thay đổi trong công tác quản lý, sinh hoạt chuyên môn, phương pháp dạy học, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động giáo dục; thực hiện dạy học bán trú, 2 buổi/ngày ngày càng tăng.
Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, Trường TH&THCS thị trấn Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Hưng) chú trọng thay đổi phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động của HS. Cô Vũ Thị Ngân - giáo viên lớp 4A5, Trường TH&THCS thị trấn Vĩnh Hưng, chia sẻ: “Mỗi khi lên lớp, tôi nghiên cứu bài rất kỹ. Tùy theo nội dung bài học, tôi chọn phương pháp dạy khác nhau, chú ý đến từng nhóm HS. Với HS khá, giỏi, tôi cho bài tập nâng cao giúp các em phát huy năng lực. Với HS chậm hiểu bài, tôi quan tâm phụ đạo thêm cho các em. Ngoài ra, tôi còn chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho HS như dạy các em cách giao tiếp, ứng xử, biết tự bảo vệ mình”.
Giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy
“Trường rất quan tâm việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy. Các tiết học trở nên sinh động hơn bởi hình ảnh, video minh họa và tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống với các chuyên đề: Phòng, chống đuối nước; chống xâm hại tình dục trẻ em; chống bạo lực học đường; khả năng tự phục vụ,... Bên cạnh đó, trường còn khuyến khích HS tham gia đọc sách. Nhờ những hoạt động thiết thực, ý nghĩa, HS ngày càng tiến bộ, đặc biệt là các em mạnh dạn, tự tin hơn so với những khóa HS trước” - Phó Hiệu trưởng Trường TH&THCS thị trấn Vĩnh Hưng - Nguyễn Văn Toàn nói.
Bên cạnh đó, ngành GD&ĐT còn quan tâm phát triển HS mũi nhọn. Ngoài Trường THPT Chuyên Long An, tỉnh có 2 trường THPT đào tạo lớp chất lượng cao: THPT Hậu Nghĩa (huyện Đứa Hòa) và THPT Lê Quý Đôn (TP.Tân An). Các trường khác cũng tiến hành bồi dưỡng HS giỏi, củng cố kiến thức HS yếu, kém. Các trường đạt chuẩn quốc gia được đầu tư xây dựng phòng học, phòng chức năng, trang thiết bị dạy học hiện đại, đặc biệt, GV tự học để nâng cao trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ. Hiện toàn tỉnh có 666 trường học từ mầm non đến phổ thông, tăng 21 trường so với năm 2015, trong đó có 301 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 45,2% (tăng 122 trường so với năm 2015).
Từ nhu cầu học và chủ động của người học thông qua các mô hình học tập đến sự quan tâm, đầu tư của tỉnh về mạng lưới trường lớp, các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, tin rằng đến năm 2020, tỉnh sẽ xây dựng thành công XHHT./.
Ngọc Sương