Khi thực hiện sơ chế rau tại nguồn sẽ giúp thương lái giảm chi phí vận chuyển, giảm tỷ lệ hao hụt, tăng thời gian bảo quản
Hợp tác xã sẵn sàng
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An - Lê Minh Đức cho biết: “Hiện tại, các HTX, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh có 139 hợp đồng cung cấp nông sản với các siêu thị, DN đầu mối tại TP.HCM. Tuy nhiên, số lượng nông sản cung cấp qua DN đầu mối chiếm số lượng chưa nhiều so với sản lượng trên toàn tỉnh. Phần lớn nông sản được thương lái thu mua, trung chuyển về các chợ đầu mối lớn trong khu vực, trong đó có 3 chợ đầu mối của TP.HCM: Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền.
Cần Giuộc có khoảng 1.750ha rau, sản lượng bình quân 140.000 tấn/năm. Huyện có 14 HTX rau, cung cấp đến thị trường TP.HCM. Trước yêu cầu của TP.HCM về việc đầu năm 2019, tất cả nông sản, nhất là rau, củ, quả phải được sơ chế, đóng gói trước khi đưa vào 3 chợ đầu mối lớn, hầu như các HTX trên địa bàn không bị động vì đã có sự chuẩn bị (đầu tư nhà sơ chế).
HTX Rau an toàn Phước Thịnh (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) hiện có 200 thành viên chính thức lẫn liên kết sản xuất trên diện tích 30ha. Bình quân mỗi ngày, HTX sơ chế, cung cấp 8 tấn rau an toàn đến TP.HCM thông qua siêu thị, DN đầu mối, các bếp ăn tập thể. Giám đốc HTX Rau an toàn Phước Thịnh - Đặng Duy Dũng chia sẻ: “Tất cả rau an toàn từ Phước Thịnh đều được sơ chế 100% để cung cấp đến đơn vị thu mua. HTX đang xây dựng thêm nhà sơ chế diện tích 300m2 để mở rộng thị trường tiêu thụ. Ngoài việc phục vụ sơ chế cho HTX, Phước Thịnh sẵn sàng hỗ trợ các HTX khác chưa có nhà sơ chế hoặc tiểu thương với yêu cầu của TP.HCM”.
Cần Đước cũng là địa phương có diện tích trồng rau lớn trên địa bàn tỉnh với trên 700ha. Hiện nay, các HTX, DNTN cung cấp rau, củ, quả đến các đơn vị đầu mối, siêu thị bình quân khoảng 330 tấn/tháng. Lượng rau, củ, quả còn lại được tiểu thương thu mua, phân phối đến TP.HCM thông qua 3 chợ đầu mối lớn. Theo Giám đốc HTX Rau an toàn Mười Hai (ấp 4, xã Long Khê, huyện Cần Đước) - Lê Văn Giấy, hiện HTX có nhà sơ chế với diện tích 200m2. Bình quân mỗi ngày, HTX thu hoạch khoảng 3 tấn rau, trong đó 1,5 tấn được sơ chế, đóng gói để phân phối đến các đối tác ở TP.HCM. Phần rau còn lại (hàng thô, chưa sơ chế) chiếm 50-60% được bán qua tiểu thương để đến chợ Bình Điền”.
Hiện nay, Cần Đước có 7 HTX và DNTN được hỗ trợ liên kết tiêu thụ rau an toàn với TP.HCM. Trong số đó có một vài HTX chưa có nhà sơ chế, tuy nhiên, huyện đã thành lập Liên hiệp HTX, khi các HTX bạn có nhu cầu hỗ trợ, HTX có nhà sơ chế sẵn sàng hỗ trợ để nông sản được tiêu thụ dễ dàng.
Đôi bên cùng có lợi
Ông Đặng Duy Dũng chia sẻ thêm: “Tôi dự đoán được yêu cầu của TP.HCM nên đã từng bước phổ biến đến các thành viên sơ chế sẵn và họ không ngán ngại việc này. Thực chất, việc sơ chế rất có lợi cho HTX, bởi giảm được chi phí vận chuyển, tỷ lệ hao hụt, phế phẩm khi tiến hành sơ chế, đóng gói”. Còn đối với thành viên HTX, họ cũng phấn khởi. Anh Nguyễn Văn Bảy (ấp Trong, xã Phước Hậu) - thành viên HTX Rau an toàn Phước Thịnh, cho biết: “Hiện tôi trồng 4.000m2 rau ngót, húng cây, húng lủi theo hướng an toàn. Được Ban Giám đốc HTX phổ biến, tôi sơ chế tại nhà. Rau sau sơ chế được HTX thu mua với giá cao hơn hàng thô. Sau sơ chế, rau phế phẩm khoảng 10-20%, tôi học cách ủ phân hữu cơ để bón cho ruộng rau. Như vậy, sơ chế rau tại nguồn tiện đôi đường và nông dân trồng rau theo hướng liên kết như tôi gần như không thiệt thòi”.
Có thể nói, các HTX có liên kết, hợp đồng với các đơn vị thu mua đầu mối tại TP.HCM hầu như không gặp trở ngại đối với việc sơ chế, nhưng ở những HTX có lượng rau chưa thể tiêu thụ hết thông qua hợp đồng thì họ vẫn còn băn khoăn, e ngại. Ông Trần Tiết Giao (ấp Long Giêng, xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) - thành viên HTX Phước Hiệp, cho biết: “Hiện nay, không ít HTX có sản lượng rau quá nhiều, chưa thể tiêu thụ hết thông qua các hợp đồng, phần lớn vẫn phải giao dịch mua bán với thương lái. Tôi e ngại, trước yêu cầu của TP.HCM, thương lái sẽ “kiếm cớ” gây khó dễ, ép giá nông dân”.
Ông Lê Văn Giấy cũng nhận định, đối với nông dân trồng rau theo hướng liên kết sẽ không gặp trở ngại, nhưng nông dân trồng rau bán qua thương lái sẽ gặp khó khăn. Hơn nữa, thương lái cũng gặp khó khăn trong việc sơ chế rau, củ, quả với quy định của TP.HCM. Tuy nhiên, HTX sẵn sàng hỗ trợ thương lái về cơ sở vật chất lẫn lao động để nông sản được tiêu thụ thông thương, tránh thiệt thòi cho người trồng rau.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường nhận định: “Hiện nay, phần lớn các HTX, DN sản xuất, kinh doanh rau cung cấp cho TP.HCM đều có nhà sơ chế, đóng gói đáp ứng được điều kiện sơ chế, đóng gói tại nguồn. Phần lớn thương lái thu mua nông sản của người sản xuất không qua sơ chế, đóng gói cung cấp cho 3 chợ đầu mối của TP.HCM nên chưa đáp ứng được sơ chế tại nguồn theo chủ trương của TP.HCM. Chi cục cùng các phòng Kinh tế và Hạ tầng các địa phương đang tiến hành lập danh sách các HTX, thương lái có cung cấp nông sản đến 3 chợ đầu mối để thông báo chủ trương, triển khai về các quy định của TP.HCM để hàng hóa nông sản đáp ứng yêu cầu sơ chế tại nguồn khi nhập vào TP.HCM”.
Ông Lê Minh Đức cho biết thêm: “Đối với HTX, DN, khi triển khai sơ chế tại nguồn thì không có trở ngại, riêng thương lái bước đầu sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, đối với rau, TP.HCM chỉ yêu cầu bước đầu sơ chế loại bỏ phế phẩm tại nguồn. Vì vậy, thương lái cần chuẩn bị tốt điều kiện sơ chế, tuân thủ theo quy định của TP.HCM, nếu không sẽ không được đưa hàng hóa vào chợ. Theo đó, các thương nhân tại 3 chợ đầu mối đã có chủ trương tăng giá thu mua. Khi thực hiện sơ chế tại nguồn sẽ giúp thương lái giảm chi phí vận chuyển, tỷ lệ hao hụt, tăng thời gian bảo quản và TP.HCM giảm được lượng rác thải, tránh tác động xấu cho môi trường. Như vậy, việc sơ chế tại nguồn khi được thực hiện sẽ giúp đôi bên cùng có lợi”./.
Ngày 06/9/2018, Sở Công Thương TP.HCM có Công văn 6611/SCT-QLTM gửi đến Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An về việc sơ chế, đóng gói hàng hóa tại nguồn trước khi đưa về 3 chợ đầu mối: Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn (TP.HCM). Theo đó, đến hết ngày 31/12/2018, TP.HCM yêu cầu hàng hóa nông sản khi về 3 chợ này phải được sơ chế tại nguồn và tiến tới đóng gói nhằm kiểm tra chất lượng, truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, sơ chế tại nguồn giúp TP.HCM kéo giảm lượng rác thải. |
Mai Hương