Tiếng Việt | English

18/01/2021 - 23:15

Sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội

Sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội (CSXH) góp phần giúp xã Bình Tân, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An về đích xã nông thôn mới (NTM), đời sống người dân không ngừng nâng lên, xóa dần mức sống chênh lệch giữa nông thôn và thành thị.

Bà Lâm Thị Tuyết có điều kiện cho con đến trường từ chương trình cho vay học sinh, sinh viên của Ngân hàng Chính sách xã hội

Bà Lâm Thị Tuyết có điều kiện cho con đến trường từ chương trình cho vay học sinh, sinh viên của Ngân hàng Chính sách xã hội

Chủ tịch UBND xã - Nguyễn Thanh Bình phấn khởi kể về hành trình xây dựng xã NTM của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương. Đó là khi xã phát động xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn thì người dân tình nguyện hiến đất, ngày công xây dựng. Hay khi xã phát động xây dựng tuyến đường hoa, người dân chủ động chăm sóc, góp phần cùng chính quyền địa phương xây dựng cảnh quan môi trường sạch, đẹp.

Điểm nổi bật trong hành trình xây dựng xã NTM ở Bình Tân là sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng CSXH, nhất là nguồn vốn dành cho xã khó khăn theo Chương trình 135. Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH thị xã Kiến Tường - Phạm Văn Kiệt cho biết: “Hiện nay, xã Bình Tân có tổng dư nợ 21 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn dành cho xã khó khăn hơn 10 tỉ đồng. Người dân xã Bình Tân chủ yếu vay vốn chăn nuôi và trồng trọt, trong đó, tất cả đều sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, đúng mục đích. Điều này góp phần giúp xã thực hiện công tác giảm nghèo, về đích NTM và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân”.

Cách đây 10 năm, gia đình ông Đặng Văn Lực (quê Kiên Giang) đến ấp Cái Đôi Tây, xã Bình Tân, lập nghiệp. Lúc đó, vợ chồng ông mua miếng đất cất tạm cái chòi nhỏ để che mưa, trú nắng. Thu nhập chính của gia đình dựa vào số tiền làm thuê ngày có, ngày không của ông Lực, trong khi phải nuôi 4 đứa con nhỏ. Chia sẻ với hoàn cảnh của gia đình ông Lực, xã tạo điều kiện cho ông vay  20 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH dành cho vùng khó khăn. Với số tiền này, ông Lực mua 1 con bò cái về nuôi. Từ 1 con bò ban đầu, đàn bò tăng lên 40 con. Sau thời gian cố gắng chăn nuôi bò và nấu rượu, kinh tế gia đình ông ngày càng cải thiện, có điều kiện nuôi con. Hiện các con của ông đều có việc làm ổn định. Ông cũng xây được ngôi nhà tường khang trang và mua thêm đất sản xuất.

Ông Lực bộc bạch: “Nhờ nguồn vốn ban đầu của Ngân hàng CSXH, kinh tế gia đình tôi mới được ổn định như hôm nay. Đối với gia đình tôi, nhất là người nghèo thì số vốn 20 triệu đồng  là “chìa khóa” vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống. Hy vọng thời gian tới, xã tiếp tục được hưởng lợi từ các chính sách dành cho xã biên giới theo Chương trình 135”.

Tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để thực hiện ước mơ vào giảng đường đại học cũng là một trong những giải pháp giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân xã Bình Tân. Bà Lâm Thị Tuyết, ngụ ấp Cái Đôi Tây, tâm sự: “Vợ chồng tôi sống chủ yếu dựa vào kinh doanh quán nước. Số tiền này chỉ đủ trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình. Do đó, khi con trai lớn đậu đại học, vợ chồng tôi định cho con nghỉ. Biết được hoàn cảnh của gia đình, Hội Phụ nữ xã tạo điều kiện cho tôi vay vốn chương trình học sinh, sinh viên. Từ số tiền này, tôi có điều kiện cho con đi học tiếp”.

Hiện nay, hộ nghèo của xã còn 2%, thấp hơn so với nhiều địa phương thuộc xã biên giới. Điều này minh chứng chất lượng cuộc sống người dân ngày càng nâng lên, trong đó có sự đóng góp tích cực từ nguồn vốn tín dụng CSXH./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết