Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn ở mức 60%. (Nguồn: TTXVN)
Cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức sửa đổi Thông tư 36 bằng việc ban hành Thông tư 06/2016/TT-NHNN về các giới hạn, tỷ lệ an toàn hoạt động ngân hàng... Điều đáng nói là, cơ quan quản lý đã "nhẹ tay" hơn so với dự kiến ban đầu để chốt lại những tranh luận, góp ý và cả những phản ứng gay gắt của các doanh nghiệp và chuyên gia liên quan đến tín dụng bất động sản.
Thời gian qua, Dự thảo Thông tư về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014/NHNN được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi hồi cuối tháng Hai đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới tài chính và các doanh nghiệp bất động sản. Không ít ý kiến cho rằng nếu Ngân hàng Nhà nước sửa đổi Thông tư 36 như dự thảo sẽ ảnh hưởng nhiều đến hệ thống ngân hàng, nhiều nhà băng sẽ gặp khó khăn trong vấn đề thanh khoản bởi đang sử dụng quá nhiều vốn ngắn hạn cho vay dài hạn.
Rồi việc điều chỉnh tỷ lệ rủi ro đối với cho vay bất động sản cũng sẽ ảnh hưởng mạnh đến dòng vốn đổ vào thị trường này. Bên cạnh đó một số ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi hệ số an toàn vốn (CAR) hiện chỉ xấp xỉ ở mức theo quy định...
Chính vì vậy, ngày 27/5, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 06 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36, Ngân hàng Nhà nước đã dung hòa hơn so với dự thảo trước đây: không áp hệ số rủi ro cao nhất khi ngân hàng cho vay, không siết đột ngột một giới hạn liên quan về nguồn vốn (tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn) và giãn đến đầu năm sau mới thực hiện.
Theo dự thảo trước đây, hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản dự kiến tăng mạnh từ 150% lên 250%. Tuy nhiên, ở Thông tư 06 vừa ban hành, tỷ lệ này chỉ nâng lên 200% và được áp lộ trình thực hiện từ 1/1/2017.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng giữ nguyên tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn ở mức 60% từ nay đến 31/12/2016, giảm dần xuống 50% từ 1/1/2017 và từ 1/1/2018 sẽ xuống 40%. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã giãn lộ trình thực hiện giới hạn trên trong hơn 2 năm thay vì áp dụng ngay 40% như dự thảo trước đây.
Một chuyên gia cho rằng, việc Thông tư 06 vừa được ban hành vẫn giữ nguyên tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn của ngân hàng thương mại cho vay trung và dài hạn như quy định cũ cho đến hết năm nay là phù hợp với tín hiệu thị trường.
Sự điều chỉnh có lộ trình như vậy sẽ giúp ngân hàng cơ cấu lại dòng vốn, vì đa số ngân hàng hiện đang huy động vốn ngắn hạn cho vay dài hạn. Việc chưa thay đổi đột ngột hệ số rủi ro đối với tín dụng bất động sản cũng giúp tránh tắc nghẽn dòng vốn cho thị trường này và các doanh nghiệp bất động sản có thời gian chuẩn bị nguồn vốn thực hiện các dự án dở dang.
Ngoài ra, Thông tư 06 được ban hành dựa trên sự lắng nghe, tiếp thu từ nhiều ý kiến khác nhau. Vì vậy, Thông tư vừa giải quyết được lợi ích của các nhóm kinh doanh và vừa hòa hợp với mục tiêu hoạch định chính sách của Ngân hàng Nhà nước.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Celadon City)
Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cũng cho rằng, việc đẩy hệ số rủi ro lên mức 200% cũng phù hợp trong bối cảnh sắp tới phải kiểm soát cho vay bất động sản. Tuy nhiên, việc kiểm soát có lộ trình khi quy định trên chỉ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 để hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp bất động sản có gần một năm thực hiện điều chỉnh.
Tuy nhiên, ông Lực cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước phải phân bất động sản thành 4 nhóm với các mức độ rủi ro khác nhau, như ít rủi ro hơn thì 160%, 170% chứ không phải tất cả đều 200%.
Cũng theo ông Lực, Thông tư 06 ra đời sẽ góp phần tạo điều kiện để giảm lãi suất trên thị trường. Ông Lực lý giải, nếu trọng số rủi ro cho vay bất động sản vẫn giữ là 250% và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn là 40% áp ngay từ thời điểm hiện tại sẽ khiến cho hệ thống ngân hàng xảy ra hai hiện tượng.
Một là, ngân hàng không cho vay bất động sản nữa vì hệ số rủi ro cao. Hai là, nếu ngân hàng cho vay thì buộc họ phải tăng lãi suất, tăng huy động vốn trung và dài hạn để gia tăng nguồn vốn cho hệ thống. Rõ ràng các yếu tố này sẽ gây áp lực lớn đối với lãi suất.
Chính vì thế, với Thông tư 06, áp lực tăng lãi suất đã giảm đi đáng kể so với dự thảo trước đây, đó là điều kiện quan trọng để hệ thống ngân hàng giảm lãi suất theo chỉ đạo của Chính phủ.
"Tuy nhiên, phải kết hợp đồng bộ các giải pháp khác như Ngân hàng Nhà nước sẽ phải tăng hơn cho vay tái cấp vốn, cho vay trái phiếu đặc biệt của Công ty Quản lý Tài sản (VAMC), đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu, chính sách tài khóa phải là tốt hơn nữa," ông Lực kiến nghị./.
Thúy Hà/Vietnam+