Sữa hạt và sữa non được các chuyên gia dinh dưỡng khuyên dùng cho người trưởng thành, người cao tuổi và trẻ sơ sinh
(Ảnh minh họa)
Khái niệm:
Sữa hạt là loại thức uống được chế biến từ các loại hạt, có thể là hạt ngũ cốc như vừng, gạo, ngô, yến mạch hay các loại đậu tương, đậu xanh, đậu đỏ hoặc các loại hạt dinh dưỡng giàu chất béo như hạt mắc ca, hạt óc chó, hạnh nhân, hạt điều,…
Sữa non (sữa đầu tiên của sự sống) là sữa được sản xuất bởi tuyến vú của động vật trong thai kỳ và trong vài ngày ngay sau khi sinh. Sữa non rất đặc, dính và có màu vàng, có nồng độ cao các chất dinh dưỡng, kháng thể, carbohydrate, chất đạm và ít chất béo.
Chế phẩm từ sữa là các loại thực phẩm được chế biến có chứa sữa của các loài động vật có vú như bò, dê, cừu và rất hiếm là sữa của người dưới dạng lỏng, bột để pha với nước hay viên nhai.
Công dụng của sữa hạt: Tùy hàm lượng các hạt đưa vào sản phẩm mà sữa hạt có những công dụng khác nhau nhưng có các lợi ích chung như sau:
+ Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng: Vitamin, chất xơ, nhiều khoáng chất magiê, sắt, kali, canxi và vitamin D. Các loại hạt có chứa axit béo omega-6 giúp tăng sức đề kháng, tăng cường miễn dịch cho cơ thể. Chất đạm trong sữa hạt cung cấp năng lượng cho cơ thể. Trung bình trong 100ml sữa hạt chứa 15g chất đạm, 30g chất béo cùng nhiều khoáng chất đáp ứng khoảng 30 đến 40% nhu cầu thiết yếu của cơ thể mỗi ngày.
+ Bảo vệ tim mạch: Các loại hạt chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho tim như Vitamin E, omega-3, chất xơ và chất béo không bão hòa giúp hạ cholesterol, kháng viêm, làm sạch mạch máu và giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim.
Khuyến cáo: Người cao tuổi, cao huyết áp, tiểu đường,… mỗi ngày chỉ nên uống từ 300 đến 500ml sữa hạt, vào bữa ăn sáng và ăn xế. Không nên uống quá 500ml/ngày vì sẽ gây chướng bụng, khó tiêu.
+ Bổ mắt, sáng mắt: Gutein và Zeaxanthin là chất chống ôxy hóa giúp thị lực khỏe mạnh, bảo vệ đôi mắt .
+ Giúp tiêu hoá: Sữa hạt không chứa lactose nên khuyên dùng cho những người mắc chứng không dung nạp lactose. Sữa gạo, sữa hạt lanh cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể tương đương sữa bò nhưng không gây ra tình trạng dị ứng, rối loạn tiêu hóa,…
+ Sữa hạt chứa ít năng lượng: Các loại sữa hạt chứa ít năng lượng hơn so với sữa động vật. Trong 100ml sữa đậu nành chứa khoảng 26 calo, sữa tách béo khoảng 32 calo trong khi sữa bò có khoảng 63 calo. Sữa hạt không gây béo mà còn tạo cảm giác no lâu. Uống sữa hạt thường xuyên giúp duy trì cân nặng lý tưởng để có vóc dáng thon thả. Để giảm cân, bên cạnh việc duy trì chế độ ăn hợp lý nên uống sữa hạt không đường thay thế một bữa ăn trong ngày (bữa sáng hoặc bữa tối) và không uống quá 500ml/ngày.
Lưu ý: Sữa hạt chứa đạm đậu nành chống chỉ định cho bệnh nhân u xơ, u nang.
+ Giúp kiểm soát đường huyết: Uống sữa hạt sẽ giảm tối thiểu lượng đường trong máu, giảm cảm giác thèm đồ ngọt và tạo cảm giác no lâu. Bệnh nhân tiểu đường nên uống sữa hạt thường xuyên để giúp kiểm soát lượng đường huyết.
+ Dưỡng da: Vì sữa hạt rất giàu Đồng là khoáng chất điều chỉnh việc sản xuất Protein của da như Collagen và Elastin nên có công dụng chống lão hóa, tốt cho hệ tiêu hóa, giúp đào thải độc tố để duy trì làn da hồng hào, căng mịn.
Lưu ý khi sử dụng sữa hạt:
- Thận trọng với các loại hạt rất dễ gây dị ứng theo cơ địa mỗi người.
- Không dùng sữa hạt cho trẻ sơ sinh.
- Với trẻ nhỏ có chế độ dinh dưỡng không cân đối có thể gây ra tình trạng còi xương, suy dinh dưỡng.
- Sữa hạt là thức uống phù hợp cho người ăn chay hoặc người không dung nạp lactose trong sữa bò.
3. Công dụng của sữa non:
+ Cung cấp chất dinh dưỡng:
Sữa non có hàm lượng dinh dưỡng cao gấp 10 lần so với sữa chuyển tiếp (sữa mẹ có từ ngày thứ 6 đến ngày thứ 10 sau sinh) và sữa trưởng thành (sữa mẹ có tính từ ngày thứ 11 sau sinh trở đi).
Với trẻ sơ sinh, sữa non có tác dụng nhuận tràng, kích thích bài tiết phân cho trẻ – phân su giúp hoàn thiện bộ máy tiêu hóa, giúp tiêu hao lượng bilirubin thừa, một sản phẩm chất thải của các tế bào máu được sản xuất với số lượng lớn (sinh ra do giảm thể tích máu) từ cơ thể của trẻ sơ sinh và giúp ngăn ngừa bệnh vàng da.
+ Tạo kháng thể chống lại bệnh tật:
Sữa non có số lượng lớn các kháng thể được gọi là ‘tiết globulin miễn dịch’ (IgA) giúp bảo vệ màng nhầy trong họng, phổi và ruột của trẻ. Bạch cầu cũng có mặt với số lượng lớn, chúng bắt đầu bảo vệ trẻ khỏi virút và vi khuẩn có hại.
Trẻ bú sữa non sẽ thiết lập các vi khuẩn có lợi trong đường tiêu hóa. Trẻ sinh non được bú sữa mẹ sẽ có sức khỏe tốt hơn là sử dụng các loại sữa công thức.
Sữa non là chất kháng sinh tự nhiên giúp cơ thể chống lại bệnh tật
+ Giúp phát triển não bộ trẻ sơ sinh: Trong sữa non có DHA (Docoxa Hexaenoic Acid) là dưỡng chất giúp phát triển thần kinh và thị lực
+ Thành phần dinh dưỡng trong sữa non gồm:
Protein: Hàm lượng protein trong sữa non cao gấp 5 lần sữa mẹ thông thường, trong đó chứa nhiều thành phần quan trọng như globulin có khả năng miễn dịch, lactoferrin, yếu tố tăng trưởng, đại thực bào, bạch cầu trung tính và tế bào lympho có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng và tăng khả năng miễn dịch ở trẻ.
Vitamin: A (sáng mắt) , E (chống oxy hóa) , B2 (chuyển hóa chất dinh dưỡng, dẫn truyền thần kinh) , B3 (tăng cường chức năng não), K (tăng hấp thu Canxi tạo xương răng),...
Lactose: Giúp cho trẻ sơ sinh tăng cường khả năng tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng.
Các chất Clo và Natri với hàm lượng cao, nguyên tố vi lượng Đồng, Sắt, Kẽm có trong sữa non có hàm lượng trung bình nhiều hơn đáng kể so với sữa mẹ thông thường, cụ thể với nguyên tố sắt cao gấp 3-5 lần và đồng cao gấp 6 lần.
Thành phần miễn dịch: Mỗi tế bào trong sữa non có khả năng miễn dịch nhất định như Immunoglobulin chống lại các loại bệnh khác nhau; đồng thời, phòng ngừa rủi ro nhiễm trùng sơ sinh ở trẻ trong giai đoạn đầu đời./.
DSCKII. Lý Thị Nhất Định