Tiếng Việt | English

10/05/2016 - 19:45

Tại Việt Nam, cứ 3 phụ nữ thì có 1 người bị chồng bạo hành

Tại Việt Nam, cứ 3 phụ nữ thì có 1 người bị chồng bạo hành. Tuy nhiên, tỷ lệ phụ nữ dám nói ra vấn đề của họ và tìm kiếm sự giúp đỡ lại rất thấp.

Ngày 10/5/2016, hơn 40 đại biểu đến từ các nước ASEAN đã gặp mặt tại Hà Nội để tham dự Hội thảo Hướng tới một ASEAN không còn bạo lực trên cơ sở giới – Kinh nghiệm của các tổ chức phi chính phủ về xây dựng và thực hiện chính sách. Hội thảo GBVNet, (Mạng lưới phòng chống bạo lực giới Việt Nam) khởi xướng với sự tham gia của CARE Quốc tế tại Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA).


Các đại biểu chia sẻ thông tin tại hội thảo

Thông tin tại hội thảo cho biết, trong những năm gần đây, khu vực ASEAN đã có những tiến bộ đáng kể trong việc giải quyết bạo lực giới thông qua các hành động chính sách phối hợp ở cấp khu vực và quốc gia. Tuy nhiên, tại một số quốc gia, hiếp dâm trong hôn nhân và các hình thức bạo lực tình dục không được quy định trong pháp luật hiện hành.

Ngoài ra, còn một số hạn chế trong việc đo lường mức độ và tác động của bạo lực giới, tài chính và nhân lực để hỗ trợ việc thực thi pháp luật và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cũng như sự lan tràn của các chuẩn mực phân biệt đối xử giới mà bỏ qua bạo lực giới.

Ngài Hugh Borrowman, Đại sứ Australia tại Việt Nam cho biết: “Tại Việt Nam, trong 12 tháng vừa qua, cứ 3 phụ nữ thì có 1 người bị chồng bạo hành. Tuy nhiên, tỷ lệ phụ nữ dám nói ra vấn đề họ gặp phải và tìm kiếm sự giúp đỡ lại rất thấp”.

Theo bà Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Việt Nam đã và đang có nhiều nỗ lực để đảm bảo bình đẳng giới. Chính phủ Việt Nam cũng khẳng định việc cần phải có nhiều nỗ lực hơn nữa để giải quyết bạo lực chống lại phụ nữ và trẻ em gái.


Hầu hết các trường hợp bạo lực gia đình bị chìm vào im lặng (Ảnh minh họa. Nguồn: CARE Quốc tế tại Việt Nam)

Tuy nhiên, theo nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), suy nghĩ cho rằng đàn ông có quyền bạo lực với phụ nữ vẫn còn hết sức phổ biến và hầu hết các trường hợp bạo lực trong gia đình (98,57%) đều bị chìm vào im lặng. Điều này khiến xã hội giật mình lo sợ.

Bạo lực giới cũng gây tổn thất to lớn đến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và năng suất lao động quốc gia. Theo LHQ tại Việt Nam, bạo lực giới gây tổn thất gần 1,41% thu nhập GDP của Việt Nam vào năm 2010, tương đương với khoảng 2,536,000 tỉ đồng. Đồng thời, phụ nữ chịu bạo lực sẽ làm giảm 35% năng suất so với người không bị bạo lực.

Các đại biểu nhấn mạnh, chấm dứt bạo lực giới là hết sức quan trọng để mang lại bình đẳng và công bằng xã hội. Hội thảo khu vực lần này là cơ hội để các tổ chức trong mạng GBVNet và các tổ chức phi chính phủ các quốc gia khác nhau học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác và liên kết chặt chẽ để hoạt động hiệu quả hơn nữa phòng chống bạo lực giới./.

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm CSAGA, Điều phối Mạng GBVNet cho biết, theo nghiên cứu của các tổ chức phi chính phủ, 11% học sinh bị xâm hại tình dục tại 3 trường học của Hà Nội. Nhiều phụ huynh chắc hẳn không tin hoặc ngã ngửa với con số này. Nhưng thực tế, kết quả nghiên cứu của CSAGA tại 3 tỉnh Quảng Ninh, Hà Giang và TP HCM từ hơn 6 năm trước cũng khớp với số liệu trên. Thậm chí, có những học sinh bị xâm hại tình dục đến 14 lần.

Lại Thìn/VOV.VN

Chia sẻ bài viết