Tiếng Việt | English

31/10/2023 - 09:02

Tân Đông: Hiệu quả từ Tổ hợp tác Đan nón bàng

Từ nghề đan đệm bàng truyền thống, một số hội viên, phụ nữ (HVPN) ở ấp 4, xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An phát triển thêm nghề đan nón, giỏ xách bàng và thành lập Tổ hợp tác (THT) Đan nón bàng. Hơn 10 năm hoạt động, THT giúp giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều lao động, tăng thu nhập lúc nông nhàn, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo tại địa phương.

Tổ hợp tác Đan nón bàng giúp hội viên, phụ nữ, nhất là những người cao tuổi có thêm thu nhập lúc nông nhàn

Hiện nay, THT Đan nón bàng của Chi hội PN ấp 4, xã Tân Đông có 17 thành viên, trong đó đa phần là HVPN lớn tuổi. Thường thì các thành viên mua bàng về làm tại nhà để vừa đan, vừa trông cháu và làm việc nhà; cũng có khi, một số thành viên tập trung tại một nhà nào đó để cùng đan và trò chuyện cho vui.

Trước đây, cây bàng được nhổ từ tự nhiên hoặc người dân tự trồng tại địa phương đem về phơi, giã rồi đan nhưng nay, bàng tự nhiên và bàng trồng ở khu vực này không còn nữa nên nguyên liệu đầu vào phải mua từ địa phương khác với giá từ 20.000- 24.000 đồng/neo bàng, tùy thời điểm. Từ 1 neo bàng có thể đan thành 6-7 cái nón. Sản phẩm làm ra có người đến tận nhà thu mua với giá hơn 6.000 đồng/nón. Trong tổ cũng có người đứng ra gom sản phẩm bán cho các đầu mối ở tỉnh Tiền Giang.

Thời gian qua, việc bán sản phẩm tương đối thuận lợi. Mỗi thành viên trong THT có thể đan khoảng 20 cái nón bàng/ngày, người nào nhanh tay, đan giỏi thì có thể đan được nhiều hơn. Sau khi trừ chi phí, thu nhập của mỗi người từ việc đan nón bàng khoảng 4 triệu đồng/tháng. Đây là mức thu nhập không cao nhưng công việc này rất phù hợp với những lao động nông thôn, nhất là người cao tuổi. Đan nón bàng cũng không khó, chỉ cần hướng dẫn vài lần là sẽ làm được.

Bà Lê Thị Có năm nay đã 74 tuổi nhưng đôi tay còn rất khéo léo, nhanh nhẹn. “Tôi vẫn đủ sức khỏe làm những công việc đồng áng nhưng con cháu không cho. Vì vậy, tôi chỉ làm nội trợ, chăm sóc nhà cửa. Tận dụng thời gian rảnh rỗi, tôi đan nón bàng để có thêm tiền chi tiêu trong nhà” - bà Có tâm sự.

Trong THT Đan nón bàng cũng có những trường hợp nhờ công việc này mà thoát nghèo. Điển hình như bà Võ Thị Phụng do không có ruộng đất nên trước đây, chủ yếu đi làm thuê vào mùa vụ, kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Khi THT Đan nón bàng được thành lập, bà tham gia và chăm chỉ làm nên có mức thu nhập ổn định hơn. Hiện bà Phụng đã 69 tuổi, lại có bệnh trong người nhưng bà vẫn có thể làm công việc đan nón bàng.

THT Đan nón bàng của Chi hội PN ấp 4, xã Tân Đông là một trong những THT được duy trì hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, theo Tổ trưởng THT Đan nón bàng - Trần Thị Nghĩa, THT đang có nhu cầu được vay vốn ưu đãi để mua nguyện liệu dự trữ vào những thời điểm nguyên liệu giá rẻ, từ đó giúp các thành viên đan nón có thu nhập cao hơn.

Chủ tịch Hội Liên hiệp PN xã Tân Đông - Đinh Thị Ngọc Chọn cho biết: Thời gian tới, Hội tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện để THT duy trì hoạt động, giúp thêm nhiều HVPN có thu nhập lúc nông nhàn. Hội sẽ phối hợp ngành chức năng giúp các thành viên THT được tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, giải quyết tốt vấn đề về vốn để mua nguyên liệu./.

Ngọc Như - Trung Hưng

Chia sẻ bài viết