Tiếng Việt | English

11/04/2017 - 11:08

Đan nón bàng, giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi

Mỹ Thạnh là xã còn nhiều khó khăn của huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Người dân sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Từ khi mô hình đan nón bàng ra đời giúp giải quyết lao động nông nhàn, tăng thu nhập cho người dân.

Đan nón bàng, giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi

Nhận thấy lao động nhàn rỗi ở địa phương khá nhiều, chị Nguyễn Thị Kim Oanh, ngụ ấp 1, xã Mỹ Thạnh tìm hiểu mô hình đan nón bàng về phổ biến cho các chị em và Hội Chữ thập đỏ xã thực hiện. Mô hình được triển khai từ tháng 10/2016 với 30 thành viên tham gia.

Khi tham gia mô hình, Hội Chữ thập đỏ xã hỗ trợ mỗi thành viên vay vốn 3 triệu đồng. Đến nay, sau khi trừ chi phí nguyên liệu 600.000 đồng, mỗi thành viên có thu nhập gần 4 triệu đồng/tháng. Thấy được hiệu quả từ mô hình, nhiều phụ nữ đến học nghề. Đây là việc làm phù hợp với phụ nữ nông thôn vì có thể tranh thủ lúc rảnh rỗi.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Mỹ Thạnh - Lê Văn Be cho biết: “Khi thấy hiệu quả, nhiều hộ dân bắt đầu tham gia mô hình. Trung bình mỗi người làm được 20-30 cái/ngày với tiền công 5.200 đồng/cái. Cách 3-4 ngày, có người đến thu gom nón và thanh toán bằng tiền mặt, giúp nhiều hộ dân ở đây có chi phí sinh hoạt hàng ngày”.

Nhiều hội viên cải thiện cuộc sống nhờ đan nón bàng

Hiện tại, xã Mỹ Thạnh có trên 30 hộ dân tham gia mô hình. Việc đan nón khá đơn giản, người học nhanh chỉ cần 1 giờ đồng hồ là có thể làm được.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, 60 tuổi, ngụ xã Mỹ Thạnh chia sẻ: “Tôi lớn tuổi lại bị tai nạn gãy chân 1 năm nay nên không còn đủ sức khỏe để làm những việc đồng áng nữa. Từ khi đan nón bàng, tôi kiếm được trên 100.000 đồng/ngày, đủ trang trải cuộc sống”.

Nghề đan nón bàng ít vốn, sử dụng thời gian nhàn rỗi và chủ yếu là lấy công làm lời. Nhiều người dân ở xã Mỹ Thạnh tiếp tục tham gia và mở rộng mô hình, góp phần ổn định đời sống./.

Phương Lan-Mỹ Duyên

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích