Tiếng Việt | English

06/06/2022 - 23:15

Tân Hưng tăng cường liên kết sản xuất, ổn định đầu ra cho nông dân

Vụ Đông Xuân vừa qua, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An xây dựng được nhiều mô hình lúa ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp. Nhận thấy lợi ích của mô hình, vụ Hè Thu (HT) này, huyện tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình nhằm tăng cường liên kết sản xuất, ổn định đầu ra cho nông dân.

Tại xã Vĩnh Châu B, mô hình được triển khai, thực hiện tại ấp 4 với diện tích 120ha, có 27 hộ dân tham gia và sử dụng 2 loại giống là Đài thơm 8 và OM 18 để gieo sạ. Được biết, khi tham gia mô hình, nông dân được hỗ trợ 50% chi phí giống, phân hữu cơ, chế phẩm sinh học, nấm xanh - nấm trắng,... tương đương số tiền 2,5 triệu đồng/ha. Đồng thời, cán bộ kỹ thuật của huyện sẽ thường xuyên xuống thăm đồng cùng nông dân để theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc lúa.

Theo ông Trần Văn Bền (xã Vĩnh Châu B, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An), khi tham gia thực hiện mô hình, nông dân được hướng dẫn tận tình về quy trình sản xuất và ký kết tiêu thụ với công ty (Cty). Điều này không chỉ giúp nông dân an tâm sản xuất vì có đầu ra ổn định mà còn giúp nâng cao chất lượng lúa và cải tạo đất.

Nông dân trên địa bàn huyện Tân Hưng thu hoạch lúa Hè Thu 2022

Hiện địa phương và hợp tác xã (HTX) tích cực tìm kiếm, phối hợp các doanh nghiệp để liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm lúa cho nông dân. Đến nay, nhiều HTX đã liên kết với các doanh nghiệp sản xuất lúa và bao tiêu đầu ra. Riêng HTX Nông nghiệp Gò Gòn đã hợp tác với Cty thu mua toàn bộ 570ha lúa HT.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Gò Gòn (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng) - Trương Hữu Trí thông tin: “Nhiều năm qua, HTX liên kết với Cty tổ chức sản xuất và thu mua lúa của nông dân với giá cao hơn thị trường từ 50 - 200 đồng/kg. Vụ HT này, HTX cũng tổ chức lấy ý kiến của các thành viên trước khi ký kết hợp đồng với Cty”.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Phan Văn Nỉ cho biết: “Hiện nay, các mô hình liên kết phát triển sản xuất lúa trên địa bàn huyện còn ít, người dân còn sản xuất theo kiểu truyền thống, chưa áp dụng nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào canh tác, nguy cơ phá vỡ hợp đồng liên kết rất cao. Do đó, việc khắc phục các tồn tại cũng như nhân rộng các mô hình liên kết đang là mục tiêu quan trọng mà huyện hướng đến trong vụ HT này”./.

Minh Tuệ

Chia sẻ bài viết