Tiếng Việt | English

31/07/2023 - 21:40

Tân Thạnh chú trọng thực hiện chuyển đổi số

Thực hiện trong công tác chuyển đổi số (CĐS), huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ chương trình CĐS trên tất cả lĩnh vực và thực hiện Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Huyện Tân Thạnh tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng, tính cấp thiết của việc chuyển đổi số

Theo đó, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện tham mưu cho UBND huyện kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo về xây dựng, phát triển Chính quyền số và CĐS bảo đảm tính khả thi; đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo về CĐS huyện và tổ giúp việc; ban hành quy chế hoạt động và chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng. Toàn huyện thành lập được 70 tổ công nghệ số cộng đồng ở 100% các ấp, tổ dân phố trên địa bàn, với 350 thành viên. UBND các xã thành lập nhóm quản lý, điều hành và hỗ trợ hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng tại địa phương.

Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Ninh - Lê Văn Bạch, cho biết: “Việc CĐS được xã xây dựng kế hoạch, có lộ trình cụ thể. Người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền từ xã đến khu dân cư đều tiên phong, đi đầu trong việc CĐS. Cùng với đó, địa phương tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, người dân về sự cần thiết của CĐS”.

UBND huyện chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức qua các lớp tập huấn, hội nghị trực tiếp, trực tuyến; trên trang thông tin điện tử, hệ thống phát thanh, truyền thanh từ huyện đến các xã, thị trấn; trên các nền tảng mạng xã hội; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của toàn dân;…

Huyện tổ chức khảo sát vị trí lắp đặt hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông tại xã Hậu Thạnh Đông. Hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, trung tâm dữ liệu được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Các cơ quan Đảng, Nhà nước được kết nối với mạng truyền số liệu chuyên dùng, mạng 4G được phủ sóng rộng khắp toàn huyện; 100% ấp, khu phố được cáp quang hóa; an toàn thông tin được bảo đảm. Các hệ thống thông tin dùng chung như Quản lý văn bản điều hành, Một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến, hệ thống hội nghị trực tuyến,... hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực vào công tác cải cách hành chính.

Việc phát triển kinh tế số, xã hội số cũng được quan tâm, triển khai toàn diện. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi, thực hiện cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số, thương mại điện tử, ứng dụng sản xuất thông minh, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao;…

Một số lĩnh vực có kết quả khả quan, như ứng dụng các phần mềm công vụ tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, đặc biệt là thanh toán không dùng tiền mặt; rà soát làm sạch dữ liệu dân cư quốc gia; thực hiện giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định của Chính phủ. Để thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt đối với đối tượng xã hội và người có công, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đang triển khai, rà soát các đối tượng có thẻ, không có thẻ ngân hàng để tổng hợp số liệu và có giải pháp phối hợp thực hiện.

Nói về lợi ích khi thanh toán không dùng tiền mặt, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tân Thạnh - Nguyễn Thị Thanh Tuyền cho biết: “Việc trả trợ cấp qua tài khoản góp phần bảo đảm chi trả kịp thời, công khai, minh bạch và tiết kiệm chi phí hành chính. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tăng cường tuyên truyền chủ trương chi trả trợ cấp an sinh không dùng tiền mặt tới đông đảo người dân, đặc biệt là các đối tượng thụ hưởng để tạo sự đồng thuận”.

Thời gian tới, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm chỉ đạo đối với nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện CĐS một cách tích cực, hiệu quả; đưa yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện CĐS vào kế hoạch phát triển KT-XH hàng năm. Các ngành triệt để sử dụng các sản phẩm phần mềm do Bộ, ngành Trung ương đầu tư triển khai theo ngành dọc, bảo đảm đồng bộ, tích hợp. Bên cạnh đó, các ngành, đoàn thể, địa phương tiếp tục tập huấn, hướng dẫn cho các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng về các nền tảng số; đẩy mạnh tuyên truyền, nhằm nâng nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và người dân về tầm quan trọng, tính cấp thiết của việc CĐS./.

Ngọc Diệu - Chí Tâm

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích