Tiếng Việt | English

03/08/2022 - 19:20

Tân Thành chuyển đổi cây trồng, vật nuôi bước đầu mang lại hiệu quả

Những năm qua, xã Tân Thành, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thông qua triển khai nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) vào sản xuất nông nghiệp gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân giảm chi phí, tăng thu nhập và góp phần xây dựng xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.

Tân Thành chuyển đổi cây trồng, vật nuôi bước đầu mang lại hiệu quả

Đối với cây lúa, xã luôn thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch huyện giao về diện tích, sản lượng lương thực hàng năm. Thực hiện các kế hoạch của UBND huyện về nhân rộng mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao, hàng năm, Đảng ủy chỉ đạo UBND xã phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện triển khai sâu, rộng để nông dân nắm rõ và đăng ký tham gia. Đến nay, toàn xã đã thực hiện được 14 mô hình với 916,1ha, có 375 hộ tham gia. Qua thực hiện các mô hình, đa số hộ dân tham gia đều thấy hiệu quả khi giảm được chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Điệp, ngụ xã Tân Thành, cho biết: “Vụ Đông xuân vừa rồi, gia đình sản xuất 1,5ha lúa ƯDCNC. So với phương pháp canh tác truyền thống, việc sản xuất lúa ƯDCNC mang lại nhiều hiệu quả như giảm được lượng giống, chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, quản lý được dịch hại, nhờ vậy năng suất tăng cao”.

Về chăn nuôi, người dân chủ yếu nuôi các loại gia súc, duy trì từ 1.500-2.000 con và các loại gia cầm với khoảng 8.000-10.000 con mỗi năm. Bên cạnh đó, xã cũng phát triển diện tích mặt nước nuôi thủy sản được 16,8ha. Xã có 3 mô hình nuôi thủy sản chủ lực, gồm: Nuôi ếch thương phẩm trong vèo (500m3) với 24 hộ nuôi; nuôi ốc bươu đen trong bể, ao với 3 hộ nuôi diện tích 15.000m2; nuôi lươn sinh sản và lươn thương phẩm với 2 hộ dân nuôi khoảng 4.000 cặp lươn bố mẹ.

Anh Lê Văn Tuấn, nuôi lươn không bùn, cho biết: “Sau khi được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện và UBND xã tập huấn về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, tôi mạnh dạn đầu tư nuôi lươn sinh sản và lươn thương phẩm. Hiện trung bình mỗi năm, tôi bán khoảng 300.000-400.000 con lươn giống và lươn thương phẩm và có thu nhập ổn định”.

Việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên địa bàn xã Tân Thành đã có bước phát triển mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, không những góp phần tăng thu nhập cho nông dân mà còn bảo đảm cho việc khai thác, tận dụng tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thay đổi tư duy sản xuất của nông dân./.

Duy Thanh - Chí Tâm

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích