Tiếng Việt | English

28/12/2021 - 22:35

Tân Thạnh: Hiệu quả từ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi

Những năm qua, nông dân huyện Tân Thạnh (Long An) “đổi đời” nhờ mạnh dạn chuyển từ trồng lúa cho năng suất, hiệu quả thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi mang giá trị kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, nhất là mở ra hướng đi mới cho vùng đất “rốn phèn” năm nào.

Tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống

Tân Thạnh là huyện nông nghiệp, trong đó cây lúa đóng vai trò chủ lực. Song, những năm qua, nông dân trồng lúa thường chịu cảnh “được mùa, mất giá” hoặc ngược lại. Điều này làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Xác định được vấn đề này; đồng thời, tận dụng lợi thế của địa phương có nguồn nước ngọt dồi dào quanh năm và hệ thống đê bao, trạm bơm điện khép kín thích hợp trồng các loại cây ăn trái, huyện tập trung lãnh, chỉ đạo người dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các loại cây, con có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất, từng bước cải thiện, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Đến cuối năm 2021, diện tích chuyển đổi sang cây trồng hàng năm là 1.190ha, chủ yếu là dưa hấu, bắp, sen lấy ngó, khoai mỡ, rau với hình thức chuyển đổi luân canh 1 vụ lúa, 2 vụ màu; chuyển đổi sang cây trồng lâu năm 1.631ha, trong đó cải tạo vườn tạp gần 700ha, diện tích chuyển từ đất trồng lúa sang các loại cây ăn trái như chanh, mít Thái, sầu riêng, dừa, mãng cầu,... trên 946ha; diện tích nuôi thủy sản trên 900ha.

Bí thư Huyện ủy Tân Thạnh - Bùi Quốc Bảo (thứ 2, phải qua) khảo sát các mô hình chuyển đổi cây trồng hiệu quả

Theo Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh - Lê Thanh Đông, mục đích của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, giảm dần mức sống chênh lệch giữa nông thôn và thành thị. Trước khi chuyển đổi sang một giống cây, con mới, huyện tổ chức nhiều đoàn học hỏi kinh nghiệm ở các địa phương; đánh giá về mức độ rủi ro, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng địa phương; nhu cầu của thị trường,... sau đó, tạo điều kiện cho người dân tham gia tập huấn và trồng thử nghiệm. Trong quá trình trồng thử nghiệm sẽ cử cán bộ chuyên môn hỗ trợ về kỹ thuật và đánh giá về hiệu quả kinh tế của mô hình và nhân rộng mô hình.

Xã Tân Lập được huyện quy hoạch vùng chuyên canh cây ăn trái gắn với du lịch sinh thái miệt vườn, với diện tích khoảng 600ha, bởi có nguồn nước ngọt dồi dào, đê bao, trạm bơm điện khép kín; đồng thời, có Hợp tác xã (HTX) FreshFruit Tân Thạnh chuyên sản xuất và thu mua các loại trái cây, nhất là có rất nhiều mô hình chuyển từ đất trồng lúa cho năng suất, hiệu quả thấp sang trồng các loại cây ăn trái mang giá trị kinh tế cao như sầu riêng, mãng cầu, vú sữa,...

Ông Trần Văn Dùng (canh tác 6.000m2 sầu riêng ở ấp Cây Sao, xã Tân Lập) chia sẻ: “Việc Nhà nước đầu tư trạm bơm điện, đê bao khép kín giúp nông dân xã Tân Lập chuyển đổi từ cây lúa sang trồng sầu riêng đạt hiệu quả kinh tế cao. Bình quân 1ha sầu riêng 5 năm tuổi trở lên cho thu nhập cao gấp 5 lần so với trồng lúa. Với đà này, người dân ấp Cây Sao sẽ chuyển hoàn toàn diện tích đất trồng lúa cho năng suất, hiệu quả thấp sang trồng các loại cây ăn trái”.

Tiếp tục nỗ lực

Bên cạnh kết quả đã đạt, việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như còn mang tính phong trào, bộc phát; nhiều nông dân chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi mới chưa qua tập huấn; thiếu sự liên kết trong sản xuất đến đầu ra sản phẩm; nông sản sản xuất phần lớn chưa áp dụng theo quy trình, quy chuẩn kỹ thuật, chưa đăng ký nhãn mác,... nên giá trị và tính cạnh tranh chưa cao.

Bí thư Huyện ủy Tân Thạnh - Bùi Quốc Bảo cho biết: “Giai đoạn 2021 - 2025, huyện sẽ thúc đẩy chuyển biến mạnh về cây ăn trái dựa trên 4 nhóm cơ sở chính: Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025, Kế hoạch chuyển đổi cây trồng giai đoạn 2020 - 2025 của UBND huyện; Kết quả cập nhật bản đồ đất và đánh giá thích nghi cây trồng (thổ nhưỡng) của UBND huyện; Đề án phát triển cây ăn trái và Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nuôi thủy sản trên địa bàn các huyện vùng Đồng Tháp Mười giai đoạn 2021 - 2025 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư; Đề án liên kết vùng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Liên kết vùng 3 tỉnh (Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp).

Hiện nay, mô hình trồng sầu riêng mang lại lợi nhuận cao cho nông dân xã Tân Lập

Ngoài ra, huyện tiếp tục triển khai xây dựng vùng cây ăn trái chuyên canh (mít, sầu riêng), phối hợp Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh đề nghị cấp mã vùng trồng, từng bước xây dựng nhãn hàng hóa. Bên cạnh đó, huyện củng cố HTX cây ăn trái hiện có; khuyến khích chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên và quy hoạch của địa phương; chú trọng các sản phẩm tiêu thụ được cả trong nước và xuất khẩu;...

Kịp thời rà soát, điều chỉnh quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, vận dụng các chính sách khuyến khích phát triển để tạo điều kiện chuyển đổi mạnh mẽ và hiệu quả các đối tượng cây trồng, vật nuôi mới; khuyến khích và hỗ trợ thành lập, phát huy vai trò HTX trong tổ chức sản xuất và kết nối tiêu thụ nông sản, trong đó phấn đấu xây dựng được ít nhất 1 HTX hoạt động mạnh ở từng đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực trên địa bàn”.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết