Tiếng Việt | English

27/01/2017 - 18:33

Tân Trụ: Bứt phá vươn lên

Trong những ngày xuân mới đang đến gần, phóng viên (PV) Báo Long An có dịp trao đổi cùng Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ (tỉnh Long An) - Trần Văn Đốc về những kết quả trong năm 2016 cũng như định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện năm 2017.

Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ - Trần Văn Đốc

°PV: Năm 2016, năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020), ông có thể cho biết, những kết quả nổi bật trên các lĩnh vực của huyện nhà?

Ông Trần Văn Đốc: Năm 2016, dù còn không ít khó khăn nhưng nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội của huyện tiếp tục phát triển khá toàn diện. Thu ngân sách đạt 115,29% dự toán tỉnh giao, 105,45% dự toán phấn đấu của huyện, trong đó tổng thu các loại thuế đạt 107,4% kế hoạch tỉnh giao.

Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản trong năm đạt 694,9 tỉ đồng. Kinh tế tập thể có bước phát triển, các tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất ngày càng phát huy hiệu quả hoạt động, thu hút 9.061 thành viên tham gia. Chăn nuôi có bước phát triển toàn diện, bền vững theo hình thức trang trại, gia trại, tổng đàn heo 92.268 con; đàn gia cầm 1,45 triệu con; công tác phòng, chống dịch bệnh được triển khai tích cực, không phát sinh dịch bệnh nguy hiểm; hiệu quả kinh tế ngày càng cao. Năm nay, ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng 65,5% trong cơ cấu ngành nông nghiệp.

Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được huyện tập trung chỉ đạo quyết liệt. Đến cuối năm 2016, có 4 xã đạt 19 tiêu chí: Bình Lãng, Quê Mỹ Thạnh, An Nhựt Tân, Bình Tịnh; đạt 17 tiêu chí có 3 xã: Lạc Tấn, Mỹ Bình, Bình Trinh Đông; 2 xã đạt 16 tiêu chí: Nhựt Ninh, Đức Tân; đạt 14 tiêu chí: Tân Phước Tây.

Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều mặt nổi bật. Toàn huyện có 8 xã, thị trấn được công nhận xã, thị trấn văn hóa. Các chính sách về an sinh xã hội được thực hiện hiệu quả, công tác xóa nghèo luôn được chú trọng. Đến nay, huyện còn 4,4% hộ nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều. Chất lượng dạy và học ngày càng được khẳng định, góp phần thay đổi đáng kể thứ hạng về giáo dục của Tân Trụ. Toàn huyện có 31/32 trường đạt chuẩn quốc gia (trong đó có 6 trường đạt mức độ 2), chiếm 96,9%.

Quy hoạch, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi ngày càng hiệu quả - nông dân chuyển từ lúa sang trồng thanh long, nuôi tôm,...

°PV: Theo ông, đâu là dấu ấn đặc biệt của địa phương trong thời gian qua?

Ông Trần Văn Đốc: Có thể nói, dấu ấn chính là việc huyện tập trung đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn (GTNT), xây dựng kênh, mương nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Gần 10 năm trở lại đây, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tân Trụ thực hiện tốt việc huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng GTNT với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” được đại đa số người dân đồng thuận và trở thành phong trào thi đua sôi nổi giữa các xã, các ấp với nhau. Từ đó đến nay, các địa phương trong huyện tổ chức thi công 312 công trình, tổng chiều dài 184,2km, tổng số tiền đầu tư là 79,67 tỉ đồng (trong đó, ngân sách nhà nước 41,408 tỉ đồng, nhân dân đóng góp 38,262 tỉ đồng).

Riêng từ năm 2015 đến tháng 10-2016, các xã, thị trấn tổ chức thi công 19 công trình bêtông hóa đường GTNT với tổng chiều dài 10,6km, tổng số tiền 7,94 tỉ đồng (ngân sách nhà nước 4,61 tỉ đồng và nhân dân đóng góp 3,33 tỉ đồng).

Bên cạnh đó, Tân Trụ còn thực hiện tốt công tác duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường giao thông do huyện quản lý, tiếp tục hoàn thành nhựa hóa các tuyến đường còn lại do huyện quản lý. Kết quả trên góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội các địa phương trong toàn huyện có bước phát triển rõ nét. Đó được xem là một trong những lợi thế, tiền đề đang có và chúng tôi tiếp tục phát huy trong thời gian tới.

°PV: Ông có thể cho biết những nhiệm vụ, giải pháp để đưa Tân Trụ bứt phá vươn lên trong thời gian tới?

Ông Trần Văn Đốc: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X, thời gian tới, huyện tập trung khai thác lợi thế và tiềm năng sẵn có, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, đúng định hướng trên cơ sở phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ, phát triển các cụm công nghiệp-xây dựng, thu hút đầu tư, khôi phục các ngành nghề truyền thống, tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó, chú trọng đầu tư xây dựng thị trấn Tân Trụ thành đô thị loại IV vào năm 2020, xây dựng đường vành đai thị trấn Tân Trụ và nâng cấp, mở rộng chợ Bình Hòa thành chợ trung tâm huyện.

Từ Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững, chất lượng cao, đời sống nông dân ngày càng được nâng lên (ảnh: Nông dân thu hoạch lúa)

Bên cạnh đó, huyện triển khai hiệu quả các hoạt động bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện tốt chương trình giải quyết việc làm, giảm nghèo; xây dựng môi trường văn hóa - xã hội lành mạnh, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, tích cực chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Tin rằng, với sự đoàn kết, thống nhất và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong nhân dân, năm 2017 và những năm tiếp theo, huyện sẽ vươn lên, xứng đáng với truyền thống quê hương Tân Trụ anh hùng.

°PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Năm 2017, huyện đề ra chỉ tiêu: Tỷ trọng kinh tế: Nông nghiệp - thủy sản 45,8%; công nghiệp - xây dựng 49,89%; thương mại - dịch vụ và thu nhập khác 4,28% trong cơ cấu kinh tế của huyện. Thu ngân sách trên địa bàn 37,5 tỉ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo dưới 4%.

Song Hồng

Chia sẻ bài viết