Chủ động, sáng tạo tham mưu hoàn thành tốt nhiệm vụ
Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường, 6 tháng cuối năm 2024, ngành tiếp tục quán triệt công chức, viên chức và người lao động chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với nhiệm vụ chuyên môn, phát huy tính chủ động, sáng tạo tham mưu hoàn thành tốt nhiệm vụ trên các lĩnh vực ngành.
Sở tiếp tục triển khai các nhiệm vụ trọng tâm theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; các nhiệm vụ được giao về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024; Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2024 và Chương trình hành động thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024 của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Chủ đầu tư chủ động đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn, bảo đảm xử lý toàn bộ nước thải của doanh nghiệp thứ cấp khi tiếp nhận đầu tư vào khu, cụm công nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường (Trong ảnh: Hệ thống xử lý nước thải của Khu công nghiệp Hải Sơn)
Bên cạnh đó, Sở tăng cường phối hợp, trao đổi, tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ; tăng cường thực hiện các nhiệm vụ công tác cải cách hành chính, tập trung khắc phục triệt để tồn tại, hạn chế trong cải cách hành chính, nhất là tình trạng giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trễ hạn; rà soát, xác định nguyên nhân, khắc phục triệt để tình trạng giải quyết thủ tục hành chính trễ hạn; tăng cường kiểm tra công vụ và việc tham mưu thực hiện nhiệm vụ; tập trung công tác chuyển đổi số lĩnh vực tài nguyên và môi trường; tập trung triển khai, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ dự án sử dụng kinh phí và giải ngân vốn đầu tư được giao, nhất là kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Tổng thể đo đạc, lập bản đồ địa chính đảm bảo tiến độ thực hiện hoàn thành dự án trong năm 2024 theo dự án đã được phê duyệt; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số lĩnh vực ngành.
Đồng thời, Sở tập trung khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước lĩnh vực tài nguyên và môi trường theo kết luận, thông báo của các cơ quan có thẩm quyền đã chỉ ra; giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri còn tồn đọng; hoàn thành báo cáo các nội dung phục vụ giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh;...
Phối hợp nâng cao hiệu quả quản lý môi trường
Long An định hướng lĩnh vực công nghiệp - xây dựng tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Từ đó, tỉnh thực hiện nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, ưu đãi và tạo điều kiện thuận lợi để các DN đến tìm hiểu môi trường cũng như đầu tư hoạt động trên địa bàn. Chính vì vậy, tỉnh được xem là “điểm sáng” trong công tác thu hút đầu tư. Nhiều DN, đơn vị về đầu tư công trình, dự án trên địa bàn, phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển.
Trong công tác thu hút đầu tư, tỉnh ưu tiên mời gọi các nhà đầu tư có công nghệ tiên tiến, xanh, sạch, thân thiện và ít tác động đến môi trường, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững theo kế hoạch đề ra. Tỉnh chỉ đạo các ngành chuyên môn, địa phương tăng cường, chủ động phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu quả quản lý môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, hạn chế tối đa việc gây ô nhiễm cũng như tác động đến môi trường trên địa bàn.
Thông tin từ Ban Quản lý Khu công nghiệp (KCN) Hải Sơn (huyện Đức Hòa), khi đi vào hoạt động, đơn vị luôn tuân thủ nghiêm các quy định liên quan đến pháp luật về BVMT. Đơn vị tuyên truyền, phổ biến đầy đủ cho các nhà đầu tư thứ cấp trong việc chấp hành quy định. Hệ thống xử lý (HTXL) nước thải của khu bảo đảm xử lý đầy đủ cho các DN hoạt động với công suất thiết kế 8.000m3/ngày, đêm. Nước thải sau khi qua xử lý đạt chuẩn cột A theo quy định trước khi xả ra môi trường. Khu ký kết thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải nguy hại với đơn vị có chức năng thu gom. Bên cạnh đó, khu đã lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động, kết nối về trung tâm của Sở TN&MT theo dõi, quản lý,... Định kỳ báo cáo kết quả về công tác môi trường cho ngành chức năng nắm bắt theo quy định. Xác định BVMT có vai trò quan trọng, khu sẽ luôn thực hiện nhiều giải pháp như cải tạo, nâng cấp HTXL nước thải, tạo thêm mảng xanh,... và chủ động phối hợp ngành chuyên môn để tăng cường các giải pháp nhằm làm tốt hơn nữa công tác này.
Tương tự, đại diện Ban Quản lý KCN Thuận Đạo (huyện Bến Lức) - Dương Văn Nam chia sẻ: “Đơn vị nhận thức rõ vai trò quan trọng trong việc BVMT nên luôn chủ động phối hợp, tự giác trong việc thực hiện. Tại đây, chúng tôi tiếp nhận nhà đầu tư thứ cấp có chọn lọc, ưu tiên những ngành nghề sử dụng công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện với môi trường, hạn chế tiếp nhận những ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm. Đơn vị cố gắng tạo nhiều mảng xanh nhằm điều hòa không khí, cải thiện môi trường. HTXL nước thải bảo đảm xử lý toàn bộ nước thải của DN thứ cấp đang hoạt động với công suất thực tế khoảng 2.500m3/ngày, đêm. Để thực hiện tốt hơn nữa công tác BVMT, ngoài việc phối hợp ngành chức năng, chúng tôi thường xuyên kiểm tra HTXL nước thải, kiểm soát các thông số khi quan trắc nước thải tự động. Đồng thời, đơn vị tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về BVMT đến các nhà đầu tư thứ cấp nhằm nâng cao nhận thức, tự giác chấp hành tốt hơn”.
Đưa công tác bảo vệ môi trường vào nền nếp
Ông Nguyễn Tân Thuấn thông tin: Tính đến cuối năm 2023, tỉnh có 21/21 KCN đi vào hoạt động có HTXL nước thải tập trung đều được vận hành thường xuyên, ổn định và công suất vận hành đều thấp hơn công suất thiết kế nên chưa có hiện tượng quá tải của hệ thống. Công suất đủ đáp ứng hoặc còn dư thừa để xử lý tổng lượng nước thải của khu (ước tính tổng lưu lượng nước thải phát sinh thực tế khoảng 55.000m3/ngày, đêm). Qua kiểm tra, hầu hết HTXL nước thải tập trung của các KCN đều xử lý đạt quy chuẩn thải cho phép. Tại các KCN trên địa bàn tỉnh, rác sinh hoạt phát sinh của các đơn vị thứ cấp tự hợp đồng thu gom, xử lý. Công tác thu gom, xử lý rác thải công nghiệp được các DN thực hiện khá tốt, hiệu quả thu gom đạt khá cao.
Khối lượng chất thải nguy hại phát sinh trong năm 2023 từ 24.000-26.000 tấn được chủ đầu tư tự quản lý và ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng thu gom, xử lý
Trên cơ sở báo cáo hàng năm công tác quản lý của chủ nguồn thải tại các DN sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh thì khối lượng chất thải nguy hại phát sinh trong năm 2023 từ 24.000-26.000 tấn được chủ đầu tư tự quản lý và ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng thu gom, xử lý. Việc quản lý chất thải nguy hại tuân thủ theo Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT, ngày 10/01/2022 của Bộ TN&MT như kho chứa phải kín đáo, nền bêtông, có dán bảng cảnh báo, phân loại riêng biệt từng loại chất thải với mã chất thải nguy hại xác định,...
Đối với cụm công nghiệp, hiện nay, 15/18 cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xây dựng HTXL nước thải tập trung. Tổng lượng nước thải phát sinh tại các cụm công nghiệp đang hoạt động khoảng 6.000m3/ngày, đêm. Chất thải rắn sinh hoạt do các cụm công nghiệp phát sinh được các DN thu gom và hợp đồng với công ty công trình đô thị, các đơn vị tư nhân vận chuyển và xử lý. Công tác thu gom, xử lý rác thải công nghiệp không nguy hại được các DN thực hiện khá tốt, hiệu quả thu gom đạt khá cao; biện pháp xử lý chủ yếu là tái chế, tái sử dụng, đốt hoặc chôn lấp trong khuôn viên nhà máy. Chất thải nguy hại được thu gom và hợp đồng với đơn vị có chức năng xử lý, các DN thực hiện khá tốt công tác đăng ký sổ chủ nguồn thải,...
“Công tác BVMT trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây có những chuyển biến tích cực, ngày càng đi vào nền nếp, nhất là các DN, đơn vị hoạt động trên địa bàn ngày càng nâng cao nhận thức trong việc chấp hành các quy định pháp luật về BVMT. Nhiều DN đã quan tâm đầu tư, xây dựng và vận hành hiệu quả HTXL khí thải, nước thải theo hồ sơ môi trường đã được phê duyệt. Các đơn vị thuộc đối tượng đã tiến hành lắp đặt trạm quan trắc liên tục chất lượng nước thải để kiểm soát và từng bước hạn chế ô nhiễm môi trường, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển KT-XH của tỉnh. Thời gian tới, Sở tiếp tục tăng cường thanh, kiểm tra chặt chẽ công tác BVMT, kiên quyết chấn chỉnh, xử lý những đơn vị, cá nhân vi phạm. Đồng thời, Sở tham mưu UBND tỉnh có những chỉ đạo cụ thể cho từng cơ quan, địa phương để cùng nhau quản lý tốt hơn nữa công tác BVMT, nhất là đối với DN hoạt động trên địa bàn,...” - ông Nguyễn Tân Thuấn nhấn mạnh./.
|
Hệ thống quan trắc tự động giúp ngành chức năng theo dõi, giám sát, kiểm soát chặt chẽ chất lượng nguồn nước thải, khí thải,...
|
Châu Sơn