Huyện Vĩnh Hưng được thực hiện thí điểm phân loại rác tại nguồn khu vực nông thôn (Trong ảnh: Xe thu gom, vận chuyển rác hữu cơ sau khi được phân loại)
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An - Nguyễn Tân Thuấn, việc quản lý rác thải được tỉnh quan tâm, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện. Đồng thời, Nghị quyết số 05-NQ/ĐH, ngày 16/10/2020 Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 khu vực đô thị đạt 100% và khu vực nông thôn đạt 95%.
Ngoài việc thực hiện các biện pháp, giải pháp thu gom, vận chuyển, xử lý đạt chuẩn, một giải pháp quan trọng, hiệu quả hiện nay trong vấn đề xử lý rác là thực hiện việc PLR tại nguồn. Thực tế cũng đã chứng minh việc PLR thải giúp giảm lượng rác thải, giảm kinh phí xử lý, nâng cao nhận thức và góp phần quan trọng trong công tác BVMT.
Bên cạnh đó, theo Luật BVMT năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022), rác thải sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân phải được phân loại tại nguồn; các chủ nguồn thải không thực hiện PLR thải sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong thời gian tới. Vì vậy, việc PLR tại nguồn hết sức cần thiết và cần được khẩn trương thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh.
Đối với vấn đề PLR, UBND tỉnh phối hợp Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam) xây dựng Đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt cho tỉnh và thực hiện các hoạt động thí điểm từ năm 2018. Dự án đã triển khai thí điểm PLR ở khu vực đô thị, cụ thể là ở phường 3, TP.Tân An và đã đạt kết quả khả quan.
Là một trong những hộ dân tích cực tham gia PLR tại nguồn, chị Trần Thanh Ngọc (khu phố Bình Đông 2, phường 3, TP.Tân An) chia sẻ: “Những hiệu quả thiết thực từ mô hình đã thay đổi suy nghĩ của các thành viên trong gia đình tôi và các hộ xung quanh. Mọi người bắt đầu hình thành thói quen PLR. Bây giờ, mỗi gia đình có 2 sọt rác, chia theo từng loại, bỏ riêng vào từng sọt để thuận lợi thu gom, xử lý. Hy vọng, hành động nhỏ của các gia đình sẽ lan tỏa, góp phần cùng cộng đồng xây dựng, BVMT sống trong khu vực dân cư”.
Sau khi đánh giá, đúc kết kinh nghiệm từ việc thí điểm tại phường 3, TP.Tân An, UBND tỉnh tiếp tục phối hợp Tổ chức WWF - Việt Nam để tổ chức thí điểm PLR tại nguồn khu vực nông thôn, tại thị trấn Vĩnh Hưng và xã Thái Trị, huyện Vĩnh Hưng, trong đó, chú trọng việc vận hành dây chuyền sản xuất phân compost.
Phân loại rác tại nguồn góp phần quan trọng trong công tác xử lý rác và bảo vệ môi trường (Trong ảnh: Gia đình chị Trần Thanh Ngọc (khu phố Bình Đông 2, phường 3, TP.Tân An) tham gia thực hiện thí điểm mô hình Phân loại rác tại nguồn)
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Võ Văn Bảo, thực hiện thí điểm, chất thải rắn sinh hoạt tại các địa phương được phân thành 3 loại: Chất thải hữu cơ dễ phân hủy; chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải còn lại. Sau một thời gian thực hiện, dự án đã đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác BVMT, giảm thiểu được khoảng 15% lượng rác thải nhựa ra môi trường do mở rộng hệ thống thu gom, xử lý rác, huy động được khoảng 60-70% hộ dân tham gia PLR đạt chất lượng tốt. Một số hộ đã tự xử lý rác hữu cơ thành phân compost sử dụng cho các mục đích trồng trọt của hộ gia đình và giảm được khoảng 40-45% lượng rác cần đưa đi chôn lấp (bao gồm rác hữu cơ và rác tái chế). Việc PLR tại nguồn được thực hiện đồng bộ từ nguồn phát sinh, khâu vận chuyển cho đến tận bãi rác, khu vực xử lý rác, góp phần giảm thiểu rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa từ các sông ngòi, kênh, rạch, rác thải trong sản xuất nông nghiệp như bao bì thuốc bảo vệ thực vật,...
Ông Nguyễn Tân Thuấn nhấn mạnh, PLR tại nguồn có vai trò, ý nghĩa thiết thực, nhất là trong giai đoạn hiện nay và sắp tới, góp phần giảm chi phí xử lý, giảm sự ô nhiễm, tăng thêm hiệu quả về kinh tế. PLR thải đã đem lại nhiều thành tựu trong việc quản lý rác thải tại các quốc gia phát triển trên thế giới. Thông qua việc PLR thải, các nguồn chất thải được tận dụng và tái chế tối đa. Rác thải hữu cơ sau khi được phân loại là nguyên liệu tốt cho quá trình sản xuất phân bón hữu cơ, vừa giảm chi phí xử lý, vừa có hiệu quả kinh tế thúc đẩy nông nghiệp bền vững. Rác tái chế được tận dụng làm nguyên liệu cho các ngành sản xuất và rác còn lại không có giá trị sẽ được xử lý bằng việc thiêu hủy hoặc chôn lấp. Chỉ khi tái chế, tận dụng được nguồn rác thải mới có thể tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí xử lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường,...
"Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Tổ chức WWF - Việt Nam, huyện Vĩnh Hưng theo dõi, đúc kết kinh nghiệm mô hình PLR tại nguồn và thông báo cho UBND các huyện, thị xã trong tỉnh để đồng loạt triển khai trong thời gian tới" - ông Nguyễn Tân Thuấn thông tin./.
Châu Sơn