Lo tác động dây chuyền
Trong bản dự thảo mới nhất, Bộ Tài chính đã điều chỉnh tăng thuế VAT "nhẹ nhàng" hơn lần trước. Theo đó, thuế VAT hiện nay là 10% sẽ được tăng lên theo lộ trình 11% từ ngày 01/01/2019 và lên 12% từ ngày 01/01/2020. Trong khi, phương án trước đó là từ 10% lên 12% - 14%.
Lý do Bộ Tài chính đưa ra là mức thuế VAT hiện nay ở Việt Nam còn thấp so với khu vực và đặc biệt đề xuất này giúp cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng tăng cường nguồn thu từ thuế gián thu trong bối cảnh nợ công tăng cao.
Tăng thuế VAT có thể sẽ gây ra tác động mang tính dây chuyền (Ảnh minh họa: KT)
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, tăng thuế VAT sẽ ảnh hưởng tới tất cả người tiêu dùng trong xã hội, vì hầu hết các sản phẩm mua trên thị trường đều phải chịu thuế VAT. Trong bối cảnh thu nhập của người dân Việt Nam mới chỉ ở mức trung bình thấp, người lao động chưa kịp mừng do tăng lương cơ bản, thì đã lo giá hàng hóa các loại sẽ tăng lên, tiền tăng thêm chưa kịp vào túi đã bị móc có khi còn nhiều hơn. Bên cạnh đó, việc tăng thuế VAT không phù hợp với tinh thần của Chính phủ là kích thích tiêu dùng, đảm bảo tăng trưởng, bởi mức thuế, phí hiện nay so với thu nhập cũng đang ở mức cao.
“Với thuế VAT, tốt nhất là không tăng, bởi thuế đó đã đủ cao, đã đóng góp rất lớn (27%) cho ngân sách, và nhất là thuế đó gây thua thiệt cho đa số người dân. Dù có giãn lộ trình tăng, thay vì tăng 2% một lúc thì mỗi năm tăng 1%, cộng lại vẫn là 2%. Phần VAT nhà nước thu thêm chắc chắn không thể bù đắp được cho việc mất lòng dân”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khuyến cáo.
“Đề xuất tăng thuế này không phù hợp ở chỗ là tổng số thuế và những chi phí cho sản xuất kinh doanh của Việt Nam còn rất cao, gây khó khăn cho phần lớn các DN, giờ tăng thuế VAT nữa sẽ là rào cản rất lớn, không những khó khăn trong nước mà còn liên quan tới cạnh tranh ở thị trường nước ngoài”, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico nhận định.
Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Lê Xuân Trường (Học viện Tài chính) cho rằng, thay đổi chính sách thuế sẽ tạo ra tác động dây chuyền và phức tạp phụ thuộc vào nhiều biến số kinh tế vĩ mô. Vì vậy, mọi sự điều chỉnh về thuế (mở rộng hay thu hẹp phạm vi điều chỉnh; tăng thuế suất; điều chỉnh ưu đãi thuế…) cần thực hiện điều tra để lấy số liệu thực tế đánh giá một cách khoa học, dự báo có cơ sở khoa học và thực tiễn làm căn cứ quyết định chính sách.
Ông Trường cho rằng, muốn giảm nghĩa vụ thuế thì phải giảm chi ngân sách nhà nước (NSNN), nếu không sẽ dẫn đến thâm hụt NSNN, tăng nợ công… mà hậu quả của nó là ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, từ đó lại ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
Việc tăng thuế GTGT sẽ tác động làm tăng giá cả hàng hóa, vì vậy, chắc chắn sẽ tạo ra một mặt bằng giá mới. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng tới DN khi người dân cắt giảm chi tiêu do giá cả tăng và từ đây sẽ tác động đến ngân sách do tiền nộp thuế từ DN giảm. Mặt khác, giá cả hàng hóa tăng cũng sẽ tạo áp lực cho lạm phát “leo thang” nhất là trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế.
Tăng thuế VAT liệu có giúp tăng ngân sách?
Theo Bộ Tài chính, trong bối cảnh nợ công tăng cao, các quốc gia có xu hướng cơ cấu lại nguồn thu ngân sách theo hướng tăng cường thu từ thuế gián thu, trong đó có thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt. Nhưng câu hỏi đặt ra là tăng thuế VAT có thực sự giúp tăng ngân sách hay không?
Theo thống kê, Việt Nam hiện đứng thứ 113/174 nước được khảo sát về tham nhũng và tỷ lệ sử dụng nguồn ngân sách nhà nước hiệu quả, chỉ chiếm 33%. Có thể thấy rằng, chính tham nhũng khiến cho việc sử dụng ngân sách chưa hiệu quả, khiến nợ công tăng cao.
“Nếu chúng ta làm tốt chống trốn thuế, thất thu thuế, chống tham nhũng thì sẽ hiệu quả hơn là tăng thuế VAT tác động trực tiếp vào người tiêu dùng. Khi tăng thuế thì có đảm bảo là đồng tiền mang về được đúng tỷ lệ % tăng đó không hay lại tạo thêm cơ hội cho tham nhũng nhiều hơn?”, ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và thiết bị BILICO băn khoăn.
Các DN cho rằng, điều nhà nước cần làm là giảm chi ngân sách, kiểm soát chi tiêu hợp lý, sử dụng dòng tiền hiệu quả, tiết kiệm các khoản chi tiêu không cần thiết để giảm áp lực thâm thủng cho ngân sách hiện nay.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico
|
“Điều quan trọng là phải nuôi dưỡng nguồn thu, phải thu đúng, thu đủ, phải tăng quy mô, tăng khoản thu thay vì tăng thuế suất. Với sản xuất kinh doanh và cách thu của chúng ta hiện nay vẫn còn rất nhiều dư địa để có thể tăng thu bằng những cách hợp lý cho nền kinh tế thay vì cách dễ nhất là tăng thuế suất “bổ đầu” cho các DN là sẽ nhân ra 1 tỷ lệ không làm gì cũng có thể thu được”, luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.
Mặc dù chưa có đo lường tác động chính xác đến thị trường trước đề xuất tăng thuế VAT của Bộ Tài chính, tuy nhiên, theo các chuyên gia, khi thuế tăng thì giá cả hàng hóa sẽ tăng, làm giảm sức mua trong nước, từ đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến NSNN.
Theo bà Lương Thị Thu, Tổng Giám đốc Công ty tư vấn thuế Tân Việt, chính sách thuế cần được xây dựng 1 lộ trình dài hơn chứ không phải đến năm 2019 bắt đầu áp dụng.
“Thu như thế sẽ dẫn đến sự bất ổn về mục tiêu của DN nói chung và kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN. Vì thường các DN, nhất là DN sản xuất sẽ có kế hoạch sản xuất kinh doanh ít nhất cũng từ 3-5 năm. Vậy thì khi có sự bất ổn về chính sách tăng thuế thì sẽ kéo theo sự bất ổn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và làm cho DN bị đuối”, bà Lương Thị Thu cho biết.
Các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, cần cân nhắc nhiều phương án và tăng thuế VAT nên là giải pháp cuối cùng, tránh gây tác động tiêu cực đến xã hội. Bởi xây dựng một đề án cải cách thuế đòi hỏi phải có đánh giá một cách toàn diện và thấu đáo nhiều vấn đề, trong đó cần tập trung vào 3 khía cạnh: hiệu quả kinh tế, công bằng xã hội, và tính khả thi trong quản lý./.
Cẩm Tú/VOV.VN