Việc ứng dụng công nghệ số không chỉ giúp cải thiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước mà còn tạo ra những cơ hội mới cho phát triển KT-XH
Nỗ lực xây dựng chính quyền số
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) - Nguyễn Bá Luân cho biết, trên cơ sở quán triệt nghị quyết của Bộ Chính trị và các chương trình, nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều kế hoạch, chương trình hành động quyết liệt triển khai, thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn theo hướng toàn dân, toàn diện, phát triển trên diện rộng, từng bước đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm.
Trên cơ sở hình thành 7 nền móng ((1) thể chế số; (2) nhận thức số; (3) hạ tầng số; (4) dữ liệu số; (5) nền tảng số; (6) nhân lực số; (7) an toàn thông tin mạng), tỉnh tập trung xây dựng 3 trụ cột (chính quyền số, kinh tế số, xã hội số) đến nay đã đạt nhiều kết quả nổi bật.
Thông tin từ Sở TT&TT, thời gian qua, tỉnh duy trì vận hành hiệu quả Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, phục vụ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trên môi trường mạng toàn tỉnh. Hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 99,9%. Hoàn thành xây dựng Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân; kết nối, đưa vào khai thác chính thức các dịch vụ công liên thông giữa tỉnh với các bộ, ngành Trung ương.
Tỉnh vận hành hiệu quả các hệ thống thông tin dùng chung trong cơ quan nhà nước của tỉnh, cụ thể: Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cấp xã với hơn 9.300 tài khoản, bảo đảm gửi, nhận văn bản liên thông 4 cấp; cấp 6.091 chữ ký số chuyên dùng cho các cơ quan, đơn vị trong tỉnh; cấp 5.193 tài khoản thư điện tử cho các cơ quan, đơn vị. Trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước đạt 100%; văn bản điện tử có ký số tại các cấp đạt 99,9%; sử dụng hộp thư điện tử đã cấp đạt 93%.
Đồng thời, tỉnh vận hành đồng bộ Cổng thông tin điện tử tỉnh phiên bản mới, mở rộng xây dựng trang thông tin điện tử đến 100% UBND cấp xã. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đáp ứng kết nối 2 chiều từ tỉnh đến cơ sở, phục vụ tốt các hội nghị.
Lan tỏa và thu hút sự hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đối với công cuộc chuyển đổi số của tỉnh
Đến nay, tỉnh xây dựng Kho cơ sở dữ liệu dùng chung, hình thành Cổng dữ liệu mở của tỉnh (https://data.longan.gov.vn) để cung cấp dữ liệu cho người dân, doanh nghiệp; Cổng dữ liệu bản đồ số (GIS) của tỉnh (https://gis.longan.gov.vn); đang xây dựng trang thông tin cung cấp dữ liệu phục vụ xúc tiến đầu tư (https://gis.longan.gov.vn/xuctiendautu); đưa vào sử dụng ứng dụng “Long An IOC” phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.
Đặc biệt, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) của tỉnh đã kết nối, liên thông dữ liệu giữa bộ, ngành với địa phương. Đến nay, tỉnh kết nối chính thức với 19/23 cơ sở dữ liệu/hệ thống thông tin, với số lượng dịch vụ và lượng giao dịch tăng dần qua các năm, phục vụ công tác giải quyết thủ tục hành chính, xử lý công việc của các cơ quan nhà nước, vận hành các dịch vụ đô thị thông minh, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan và cung cấp thông tin, dữ liệu mở cho người dân, doanh nghiệp.
Ngày 27/9/2024, tại TP.Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) chủ trì, phối hợp Hội Tự động hóa Việt Nam (VAA), Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số (VIDTI) tổ chức Lễ biểu dương Top Công nghiệp 4.0 Việt Nam (Industrie 4.0 Awards) lần thứ ba. Theo đó, Long An là 1 trong 6 tỉnh, thành phố (Bình Dương, Trà Vinh, Long An, Đà Nẵng, Lạng Sơn, Thái Nguyên) được Ban Tổ chức chứng nhận địa phương tiêu biểu trong việc tổ chức, chủ động triển khai chủ trương cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Chương trình chuyển đổi số quốc gia.
|
Hướng đến một “Long An Số”
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh cho biết, ngành Nông nghiệp duy trì triển khai ứng dụng công nghệ số (blockchain, mã QR) trong truy xuất nguồn gốc nông sản. Đến nay, ngành hỗ trợ 2.511.000 tem điện tử truy xuất nguồn gốc bằng mã QR của 21 cơ sở được xác nhận chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn; hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc cho 100% sản phẩm đạt chuẩn OCOP của tỉnh (168 sản phẩm); đồng thời, triển khai hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) mới của Bưu điện (https://buudien.vn), đến nay đã cập nhật được 63 sản phẩm. Thời gian tới sẽ cập nhật 100% sản phẩm OCOP trên sàn này.
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi như sử dụng phần mềm để theo dõi, giám sát thông tin quan trắc, phân tích dữ liệu về cây trồng, sâu, bệnh, giá cả thị trường nông sản, quản lý nguồn thiết bị điện trong nuôi tôm thẻ; sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc, sạ giống; hệ thống giám sát côn trùng thông minh; đang triển khai thủ tục thuê phần mềm Hệ thống quản lý và tiêu thụ sản phẩm sầu riêng.
Triển khai, thực hiện thí điểm Hệ thống quản lý an toàn giao thông thông minh tại TP.Tân An
Thời gian qua, ngành Công Thương phối hợp Trung tâm Phát triển TMĐT duy trì phần mềm Truy xuất nguồn gốc sản phẩm đặc trưng của tỉnh (https://truyxuatnguongoc.longan.gov.vn), hiện có 23 doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký tham gia, xác nhận mã cho 47 sản phẩm; triển khai đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở kinh doanh đăng ký tham gia Sàn TMĐT tỉnh Long An (longantrade.com) kết nối với Sàn TMĐT hợp nhất của Bộ Công Thương (https://sanviet.vn). Đến nay, ngành Công Thương có 68 gian hàng với 265 sản phẩm được trưng bày trên sàn; phối hợp các doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh (Viettel, VNPT,...) triển khai thí điểm thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh.
Hiện có 1 trung tâm thương mại, 7 siêu thị, 279 cửa hàng tiện ích, 41 chợ trên địa bàn tỉnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt (bằng thẻ tín dụng, thẻ ATM, Mobile Money). Tỉnh xây dựng Hệ thống quản lý kinh doanh xăng, dầu trực tuyến tỉnh (https://xangdau.longan.gov.vn); triển khai cho doanh nghiệp đăng ký tham gia Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp Long An tham gia sàn giao dịch TMĐT uy tín.
Chị Nguyễn Thị Kim Loan - chủ cửa hàng tạp hóa tại ấp 1, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, cho biết: “Từ khi được địa phương vận động việc thanh toán trực tuyến không sử dụng tiền mặt, cửa hàng tôi đã áp dụng. Khách hàng lẻ đều có thể chuyển khoản trực tiếp. Đối với khách sỉ, tôi gửi hàng tận nơi rồi khách chuyển khoản chứ không cần đến cửa hàng để thanh toán. Tôi cảm thấy phấn khởi vì sự tiện lợi, đây là tín hiệu vui của một xã hội phát triển”.
Ứng dụng Long An Số là sản phẩm nổi bật của tỉnh. Hiện toàn tỉnh có hơn 383.000 lượt người dùng tải ứng dụng Long An Số sử dụng và truy cập trên tất cả các nền tảng, tăng hơn 174.300 lượt so với năm 2023, giúp người dân thuận lợi hơn trong việc tiếp cận, sử dụng các dịch vụ thiết yếu như dịch vụ công trực tuyến, điện, nước, giao thông, giáo dục, y tế, việc làm,...
Anh Võ Thanh Quang (ấp 2, xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành) cho biết: “Nhờ các bạn đoàn viên, thanh niên hướng dẫn, tôi biết cài đặt ứng dụng Long An Số. Trên đây có dịch vụ điện lực, tôi thấy rất tiện lợi. Tôi có thể theo dõi lịch cúp điện, tra cứu hóa đơn và chuyển khoản trên điện thoại để đóng tiền điện hàng tháng. Ngoài ra, tôi thấy tính năng “Kết nối việc làm” cũng rất tiện lợi, giúp người lao động dễ dàng tìm việc theo nhu cầu”.
Đoàn viên, thanh niên vận động người dân, chủ các cửa hàng, doanh nghiệp thanh toán trực tuyến
Đặc biệt, tỉnh triển khai mô hình khám, chữa bệnh sử dụng sinh trắc học, bằng căn cước công dân gắn chíp, ứng dụng VNeID hoặc ứng dụng VssID; KIOSK tự phục vụ tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập; đồng thời, triển khai đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực y tế, giáo dục; chi trả an sinh xã hội; chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng qua tài khoản; thanh toán học phí tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp;...
Đến nay, toàn tỉnh có 25/25 cơ sở y tế đã triển khai thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt; 591/591 cơ sở giáo dục triển khai thanh toán học phí không dùng tiền mặt; đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội có tài khoản ngân hàng đạt 76,4%, tỷ lệ đã nhận chi trả qua tài khoản đạt 70,9%; chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng khu vực đô thị đạt 71,72%; chi trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần đạt 98,78%; chi trợ cấp thất nghiệp đạt 99,73%.
Chính quyền tỉnh quyết tâm thực hiện mục tiêu chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh, bao trùm lên các ngành, lĩnh vực và các mặt của đời sống KT-XH. Qua đó, góp phần đưa Long An vào nhóm các địa phương chuyển đổi số tốt, trở thành tỉnh có chỉ số cao về phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của cả nước./.
Trà Long