Hộ nghèo giảm đáng kể
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thái Trị - Trần Văn Bằng cho biết: “Công tác giảm nghèo luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương. Để giúp người dân vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực triển khai, thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo về nhà ở, dạy nghề, nguồn vốn sản xuất, phương tiện sản xuất,...”.
Gia đình ông Phạm Văn Triết và bà Nguyễn Thị Phải, ngụ ấp Thái Quang, là một trong những hộ thoát nghèo nhờ được hỗ trợ phương tiện làm ăn. “Không có đất sản xuất, tôi chỉ làm thuê, làm mướn theo mùa vụ, còn vợ thì bán vé số nên thu nhập bấp bênh. Biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình, năm 2018, xã hỗ trợ 1 máy phun xịt thuốc làm công cụ để tôi đi làm thuê, thu nhập mỗi ngày từ 200.000-300.000 đồng. Đến nay, gia đình tôi đã thoát nghèo và có cuộc sống đầy đủ hơn” - ông Triết chia sẻ.
Hỗ trợ bò giống cho hộ nghèo chăn nuôi, góp phần giảm nghèo
Năm 2017, bà Phạm Thị Kim Vốn, ngụ ấp Bàu Nâu, được Nhà nước hỗ trợ 1 con bò sinh sản từ Chương trình 135 và bà vay vốn mua thêm 1 con bò giống về nuôi. Để chủ động nguồn thức ăn, bà tranh thủ cắt cỏ, trộn thêm các loại phụ phẩm nông nghiệp, giúp đàn bò tăng trọng nhanh và sinh sản. Năm 2018, gia đình bà Vốn thoát nghèo và hiện sở hữu đàn bò 10 con.
Song song với việc tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận nguồn vốn vay để chăn nuôi, sản xuất, 5 năm qua, địa phương trao 150 con bò từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo và do nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang vận động; hỗ trợ các hộ nghèo 41 bình xịt thuốc với tổng kinh phí trên 200 triệu đồng; vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân tặng hơn 5.000 phần quà cho hộ nghèo, trị giá hơn 1,5 tỉ đồng; xây dựng 46 căn nhà tình nghĩa, tình thương, Đại đoàn kết cho gia đình chính sách, hộ nghèo, trị giá gần 2 tỉ đồng.
Xây dựng nhà ở cho hộ nghèo
Đến nay, toàn xã còn 13 hộ nghèo (chiếm 1,33%), 75 hộ cận nghèo (chiếm 7,7%). “Thời gian tới, xã tiếp tục thực hiện các mô hình giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi, quan tâm nắm bắt tình hình đời sống, việc làm của hộ nghèo để có các giải pháp tác động phù hợp, giúp hộ nghèo phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững” - ông Trần Văn Bằng thông tin.
Nâng cao đời sống người dân
Để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, bên cạnh cây lúa, chính quyền địa phương vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều mô hình sản xuất mới mang lại hiệu quả kinh tế được triển khai, thực hiện và nhân rộng, giúp người dân nâng cao thu nhập, nhất là hàng năm có khoảng 250ha rau màu các loại (sen, dưa hấu, mè, bắp). Bên cạnh đó, người dân còn trồng những loại cây lâu năm như mít, dừa, bưởi,… bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Đặng Văn Mẫm, ngụ ấp Thái Quang, phấn khởi: “Thời gian qua, xã triển khai nhiều mô hình trồng trọt áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Tuy nhiên, mong muốn của nông dân hiện nay là việc ổn định đầu ra cho nông sản, có như vậy, nông dân mới gắn bó và làm giàu trên mảnh đất vùng biên giới này".
Hệ thống giao thông được đầu tư, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, sản xuất
Kết cấu hạ tầng cũng được địa phương quan tâm đầu tư, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, nhất là cầu, đường giao thông nông thôn. Trong nhiệm kỳ, xã triển khai xây dựng hàng chục công trình với nguồn vốn hàng chục tỉ đồng. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhân dân trong xã hiến hơn 137.000m2 đất và 820 triệu đồng để xây dựng các công trình; vận động mạnh thường quân, doanh nghiệp xây dựng hệ thống cầu, cống trị giá hơn 5 tỉ đồng.
Phong trào xây dựng nông thôn mới thu hút sự tham gia của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân, lồng ghép hiệu quả với các chương trình, dự án khác mang lại hiệu quả thiết thực, đến nay, xã đạt 13/19 tiêu chí nông thôn mới. “Thời gian tới, xã tập trung tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả và bền vững, phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; tiếp tục xây dựng hoàn thiện hệ thống đê bao, trạm bơm điện; đẩy mạnh cơ giới hóa, tích cực chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân; huy động nguồn lực, kết hợp nhiều chương trình, dự án đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu. Bên cạnh diện tích trồng lúa, xã còn quan tâm đến việc mở rộng trồng rau màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân” - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thái Trị - Trần Văn Bằng cho biết thêm./.
Một số chỉ tiêu chủ yếu nhiệm kỳ 2020-2025:
Lợi nhuận bình quân trên một đơn vị diện tích canh tác 45 triệu đồng/ha/năm; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 là 70 triệu đồng/năm; phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ, xã đạt chuẩn nông thôn mới; hộ nghèo đa chiều theo tiêu chí mới dưới 2%;...
|
Văn Đát