Tiếng Việt | English

15/05/2020 - 14:28

Thăm "Nhà ở cũ của Hồ Chí Minh" ở Liễu Châu (Trung Quốc)

Chính tại nơi đây, bên ngọn núi Tây Phong Lĩnh, Bác đã biên soạn xong tập thơ “Nhật ký trong tù”.

Hiện tại thành phố này có một Nhà lưu niệm về Người với tên gọi "Nhà ở cũ của Hồ Chí Minh". Đây là điểm dừng chân đầu tiên và không thể bỏ qua của mỗi người Việt Nam khi đến Liễu Châu. 

Nằm ngay trên khu phố cổ ở thành phố Liễu Châu, trung tâm công nghiệp lớn nhất Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Nhà ở cũ của Bác tọa lạc tại số 2-1 phố Liễu Thạch, đối diện là núi Ngư Phong. Đây chính là ngọn núi Tây Phong Lĩnh nổi tiếng trong bài thơ "Mới ra tù học leo núi" của Người.


Nhà ở cũ của Hồ Chí Minh tại Liễu Châu. (Ảnh: Hà Thắng)

Nơi đây là một tòa nhà hai tầng có kết cấu gạch gỗ kiểu Trung Quốc, được xây dựng vào năm 1930 trên nền đất rộng hơn 180m2. Mặt trước tòa nhà quay ra con phố đông đúc. Vào những năm 40 của thế kỷ 20, đây là nhà trọ Nam Dương. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lưu trú tại đây khoảng một năm (từ tháng 9/1943 đến tháng 9/1944) trong lần thứ 3 tới Liễu Châu.

Ông Ôn Kỳ Châu, nguyên Trưởng phòng quản lý Nhà lưu niệm nơi ở cũ của Hồ Chí Minh giới thiệu: "Trong suốt cuộc đời Cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Liễu Châu là một chặng quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng 4 lần đến Liễu Châu. Tháng 8/1943, sau khi được trả tự do, Người đã thuê phòng ở tầng trên tòa nhà này trong vòng 1 năm. Trong thời gian ở đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiến hành nhiều hoạt động cách mạng, như tổ chức Đại hội đại biểu Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội, mở các lớp huấn luyện cách mạng."


Ông Ôn Kỳ Châu, nguyên Trưởng phòng quản lý Nhà lưu niệm nơi ở cũ của Hồ Chí Minh.

Tại nhà lưu niệm, tầng một là các tư liệu chung về cuộc đời của Người, gác hai là những hiện vật, tư liệu về thời gian Bác Hồ hoạt động ở Liễu Châu. Giữa sảnh đường tầng một là một bức tượng đồng bán thân của Bác, hai bên là những tủ kính đặt những tài liệu, tranh ảnh.

Căn phòng nơi Bác ở được lưu giữ trên tầng 2. Vẫn còn đó chiếc giường mộc mạc, bộ quần áo kaki bạc màu, bộ bàn ghế nhỏ, chiếc điện thoại để bàn, chiếc đồng hồ cũ... Chính ở không gian nhỏ chỉ vài mét vuông ấy, Bác đã từng cặm cụi bên bàn viết, tìm đường đưa cách mạng Việt Nam đến bến bờ thắng lợi, đem lại độc lập tự do cho dân tộc. Cũng chính tại đây, Bác đã biên soạn xong tập thơ “Nhật ký trong tù”.

Nhận định về việc lưu lại đây 1 năm của Bác, ông Ôn Kỳ Châu nói: "Vậy vì sao Người lại ở đây trong vòng 1 năm? Tôi cho rằng, bởi khi đó lãnh đạo các đảng phái của Việt Nam đều ở ngay đối diện, ở đó có một nhà trọ gọi là Lạc Quần Xã. Người thường sang bên đó để bàn bạc công việc, họp hành. Do vậy, Người đã quyết định ở đây trong 1 năm."


Phòng ở của Bác tại khu di tích ở Liễu Châu.

“Nhà ở cũ của Hồ Chí Minh” lần lượt được công nhận là di tích cấp thành phố và cấp tỉnh vào năm 1996 và 1997. Cuối năm 2001, cơ quan quản lý văn hóa thành phố Liễu Châu tiếp quản căn nhà, đã cho tu sửa, phục nguyên như cũ và bắt đầu trưng bày những tài liệu liên quan đến thời gian hoạt động của Người tại đây. Tháng 9/2002, phòng trưng bày cuộc đời cách mạng Hồ Chí Minh trong căn nhà cũ được khánh thành và chính thức mở cửa đón khách tham quan. Năm 2006, Quốc Vụ viện Trung Quốc công nhận đây là di tích cấp quốc gia (đơn vị bảo hộ văn vật toàn quốc).

Chị Vi Vân Đan, hướng dẫn viên tại Nhà ở cũ của Bác nói: "Người xem đến đây đều cho rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một cuộc đời đầy gian truân, vất vả, nhưng niềm tin tất thắng của Người đối với cách mạng, đối với Đảng Cộng sản đã truyền được tới mỗi người. Mỗi lần được nghe giới thiệu, người xem đều thấy được ý nghĩa sâu sắc của nơi này và cho rằng đây là địa chỉ cần được lưu giữ."

Nếu Trung Quốc là một trong những nơi Bác Hồ dừng chân dài nhất trong quãng đời hoạt động cách mạng của mình, thì Quảng Tây có lẽ là địa phương lưu nhiều dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh nhất ở Trung Quốc. Trong đó, Liễu Châu là một chặng quan trọng trong toàn bộ thời gian Người hoạt động trên đất nước này./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết