Tiếng Việt | English

06/11/2019 - 14:22

Thắm tình hữu nghị nơi biên cương

Thực hiện chương trình "Nâng bước em tới trường" do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) phát động, đến nay, BĐBP Long An nhận đỡ đầu 64 học sinh (45 em ở nội biên và 19 em ở ngoại biên, từ lớp 1 đến lớp 12), có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa, mồ côi cha mẹ,... của 20 xã biên giới, thị trấn Bến Lức và 17 xã ngoại biên đối diện (Campuchia) với số tiền 384 triệu đồng. Việc làm mang ý nghĩa nhân văn, thiết thực này để lại ấn tượng đẹp trong lòng người dân biên giới.

Nhiều học sinh vùng biên giới có điều kiện đến trường nhờ sự hỗ trợ từ chương trình "Nâng bước em tới trường"

Nhiều học sinh vùng biên giới có điều kiện đến trường nhờ sự hỗ trợ từ chương trình "Nâng bước em tới trường"

Chung tay thực hiện

Ở khu vực biên giới, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Những năm trước đây, không ít học sinh phải gác lại chuyện học hành để phụ giúp gia đình mưu sinh. Trước thực tế đó, hưởng ứng chương trình “Nâng bước em tới trường” do Bộ Tư lệnh BĐBP phát động, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Long An phối hợp các đơn vị và chính quyền địa phương khảo sát thực tế, đồng thời tuyên truyền sâu, rộng để toàn thể cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng trong BĐBP tỉnh chung tay thực hiện. Đến nay, có 64 học sinh trên địa bàn biên giới của tỉnh được tiếp tục cắp sách đến trường nhờ tình thương yêu, sự sẻ chia của những người chiến sĩ biên phòng. Để chương trình ngày càng lan tỏa, mỗi đồng chí chỉ huy BĐBP tỉnh nhận đỡ đầu 2 em; mỗi phòng, ban nhận đỡ đầu 2 em; các em còn lại do các đơn vị cơ sở nhận đỡ đầu. Từ việc tiết kiệm tiền lương, phụ cấp của cán bộ, chiến sĩ và tăng gia sản xuất, lao động gây quỹ, mỗi học sinh được đơn vị nhận đỡ đầu hỗ trợ 500.000 đồng/tháng.

Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình “Nâng bước em tới trường”, đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo điển hình. Bên cạnh đó, các đồn biên phòng thường xuyên cử cán bộ liên hệ với gia đình, nhà trường, địa phương trực tiếp kèm cặp, giúp đỡ các em học sinh được nhận đỡ đầu. Có thể khẳng định, trên những nẻo đường khu vực biên giới, hình ảnh người chiến sĩ biên phòng đã trở nên thân quen, gần gũi trong lòng người dân.

Đại úy Lê Trung Sơn - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Thạnh Trị, trao học bổng "Nâng bước em tới trường" cho em Phan Chan Tria Try

Đại úy Lê Trung Sơn - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Thạnh Trị, trao học bổng "Nâng bước em tới trường" cho em Phan Chan Tria Try

Thắm tình hữu nghị

Đầu tháng 11, nhân dịp khai giảng năm học mới 2019-2020 của nước bạn Campuchia, chúng tôi tháp tùng cùng cán bộ Đồn Biên phòng Thạnh Trị đến thăm gia đình em Phan Chan Tria Try (SN 2010, học lớp 2, Trường tiểu học xã Nho, huyện KôngPôngRồ, tỉnh Svay Rieng). Phan Chan Tria Try là 1 trong 19 học sinh phía ngoại biên được BĐBP Long An nhận đỡ đầu với số tiền 500.000 đồng/tháng. Thấy chúng tôi đến, cô bé có dáng người gầy guộc, làn da đen nhẻm ra tận cổng để đón, nở nụ cười hồn nhiên và nhanh nhẹn chào các chú BĐBP như người thân trong gia đình. Số tiền hỗ trợ hàng tháng của những người lính biên phòng vừa thể hiện tình thương, vừa phần nào giúp em bớt khó khăn trong học tập.

Rời xã Nho, chúng tôi tiếp tục đến thăm gia đình em Ro Phek TaRa (SN 2011, học lớp 3, Trường Tiểu học xã Sết, huyện KôngPôngRồ). Hoàn cảnh  khó khăn, cả gia đình em sống trong căn nhà tạm bợ, chủ yếu làm thuê, làm mướn để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Chị Ro Phek Han (mẹ của em Ro Phek TaRa) tâm sự: Gia đình 5 người trông chờ vào đồng tiền làm thuê của chồng, còn tôi lo trông coi mấy đứa nhỏ nên kinh tế thiếu trước hụt sau. Nhiều lần, vợ chồng tôi định cho Ro Phek TaRa nghỉ học vì không đủ tiền. Nhận được sự hỗ trợ hàng tháng của Đồn Biên phòng Thạnh Trị,  gia đình vui lắm! Con tôi lại được cắp sách đến trường như các bạn đồng trang lứa. Cảm ơn BĐBP 
nhiều lắm!”.

Mở rộng các hoạt động khuyến học sang các phum, sóc nghèo của nước bạn Campuchia, năm học 2019-2020, BĐBP Long An nhận đỡ đầu 19 học sinh có hoàn cảnh khó khăn của 17 xã biên giới đối diện với số tiền 114 triệu đồng. 

Trên những nẻo đường biên giới xa xôi, hình ảnh những người lính quân hàm xanh càng trở nên gần gũi và thân thương với những việc làm thiết thực. Con đường tới trường hôm nay của những học sinh có hoàn cảnh khó khăn bớt nhọc nhằn, vất vả mà được trải rộng thênh thang bằng tình yêu thương, đùm bọc của cộng đồng và những người lính biên phòng. /.

Hùng Hoàng - Thanh Chương

Chia sẻ bài viết