Tiếng Việt | English

06/06/2024 - 06:21

Thạnh Hoá - Đổi mới và phát triển sản xuất nhờ ứng dụng công nghệ cao

Chương trình hành động số 08-CTr/HU, ngày 12/4/2021 của Huyện ủy Thạnh Hóa, tỉnh Long An về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là chương trình đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra. Thực hiện chương trình này, các cấp, các ngành triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và mang lại hiệu quả thiết thực.

Người dân áp dụng phương pháp sạ thưa bằng máy cấy

Tăng giá trị nông sản

Việc thực hiện chương trình tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Để thực hiện chương trình, năm 2024-2025, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện chủ trì phối hợp triển khai xây dựng 26 mô hình sản xuất lúa ƯDCNC với tổng diện tích 1.300ha, trong đó có 2 mô hình điểm tại xã Thạnh Phú và Thủy Tây.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thạnh Hóa - Lê Hữu Tàu cho biết: “Đối tượng thực hiện mô hình là các hợp tác xã (HTX), các nhóm hộ liên kết sản xuất trong vùng lúa ƯDCNC. Thời gian qua, Trung tâm phối hợp vận động người dân áp dụng phương pháp sạ thưa bằng máy cấy, máy đeo vai, thiết bị bay không người lái, sạ hàng,… Lượng lúa giống sử dụng từ 100-120 kg/ha. Đồng thời, Trung tâm khuyến cáo người dân gieo sạ tập trung theo lịch thời vụ; sử dụng giống lúa chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn cấp xác nhận. Khâu chăm sóc và thu hoạch đều ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ”.

Ngành chuyên môn huyện tích cực vận động người dân canh tác theo quy trình “1 phải, 5 giảm”; khuyến cáo sử dụng phân urê chậm tan, phân hữu cơ vi sinh, chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tuân thủ nguyên tắc "4 đúng", bảo đảm thời gian cách ly trước khi thu hoạch;… Từ đó, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản. Qua tổng kết các mô hình cho thấy, chi phí trung bình trong mô hình thấp hơn ngoài mô hình gần 2 triệu đồng/ha, do giảm chi phí về giống, phân bón và công lao động. Nông dân tham gia mô hình có lợi nhuận cao hơn ngoài mô hình gần 3 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Thanh Vũ (xã Thạnh Phước) chia sẻ: “Tham gia mô hình giúp gia đình tôi an tâm sản xuất, được Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí giống xác nhận, vật tư sản xuất và ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nên sản phẩm làm ra đạt tiêu chuẩn. Đầu ra được bảo đảm với giá thu mua cao hơn thị trường 200 đồng/kg khi kết quả test đạt yêu cầu theo thị trường xuất khẩu”.

Đến nay, huyện triển khai ƯDCNC trong quá trình sản xuất lúa được 3.662,9 ha/3.550 ha, đạt 103,2% chỉ tiêu giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh cây lúa, việc triển khai mô hình ƯDCNC trên cây chanh được quan tâm thực hiện với diện tích 215,2ha/300ha, đạt 71,7% chỉ tiêu giai đoạn 2021-2025.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao - Long An trở thành vựa lúa lớn

 

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao - Long An trở thành vựa lúa lớn 

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là 1 trong 3 chương trình đột phá Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, XI đề ra nhằm đẩy mạnh phát triển 4 cây...

Quan tâm liên kết sản xuất

Việc củng cố, thành lập các HTX cũng được huyện quan tâm. Đến nay, huyện có 14 HTX lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có 13 HTX trong vùng ƯDCNC (2 HTX vùng chanh và 11 HTX vùng lúa). Huyện còn quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất trong vùng ƯDCNC, góp phần giúp nông dân thuận lợi trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Bên cạnh kết quả đã đạt, việc thực hiện chương trình còn nhiều khó khăn. Nông dân lo ngại ốc bươu vàng, chuột cắn phá nên sạ dày (hơn 120kg/ha). Một số mô hình sử dụng phân hữu cơ bón lót hàm lượng hữu cơ thấp nên phải bón số lượng nhiều (bình quân 300kg/ha) làm phát sinh chi phí thuê nhân công bón phân. Một số nông dân chưa mạnh dạn sử dụng chế phẩm sinh học trong canh tác; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa đúng quy trình (vẫn còn phun thuốc trừ sâu sớm). Nông dân tham gia tập huấn không đầy đủ, ít cùng cán bộ kỹ thuật thăm đồng hàng tuần.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Kinh Kha, hiện nay, việc liên kết của các vùng sản xuất ƯDCNC còn hạn chế. Phần lớn nông dân bán qua thương lái nên chưa hình thành được chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ. Thời gian tới, các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm mời gọi doanh nghiệp tham gia liên kết để tạo đầu ra ổn định cho nông dân. Về phía nông dân, cần thay đổi tư duy canh tác, hướng đến sản xuất theo tổ hợp tác, HTX để có vùng nguyên liệu ổn định và thu hút doanh nghiệp tham gia liên kết bền vững hơn.

Có thể khẳng định, mô hình ƯDCNC đã góp phần thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất lúa của nông dân, nhất là giảm mật độ gieo sạ và bón phân cân đối, tăng cường sử dụng phân hữu cơ giúp cải tạo độ phì nhiêu cho đất. Việc giảm thuốc bảo vệ thực vật góp phần giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, góp phần bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng và nâng cao chất lượng nông sản.

Thời gian tới, các cấp, các ngành đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người dân nhận thức về ý nghĩa, mục tiêu của sản xuất ƯDCNC và chung sức thực hiện các công trình hạ tầng sản xuất trong vùng quy hoạch. Ngoài ra, huyện đẩy mạnh kêu gọi nhiều doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản trong vùng ƯDCNC. Bởi, đây là xu hướng tất yếu, góp phần tăng giá trị nông sản và nâng cao đời sống người dân. Đây cũng là tiền đề để huyện thực hiện hiệu quả đề án “Phát triển bền vững một triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” theo Quyết định số 1490/QĐ-TTg, ngày 27/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ./.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết