Tiếng Việt | English

12/05/2020 - 17:53

Thạnh Phước: Anh hùng thời chiến, nông thôn mới thời bình

Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An là vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Thời chiến, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Thạnh Phước lập danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Phát huy truyền thống hào hùng ấy, Thạnh Phước không ngừng đổi mới, phấn đấu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) đầu năm 2018.

Bia ghi dấu chiến thắng 3 trận đánh Thạnh Phước mùa khô năm 1965-1966
Bia ghi dấu chiến thắng 3 trận đánh Thạnh Phước mùa khô năm 1965-1966

Anh hùng thời chiến

Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, nhân dân Thạnh Phước nắm bắt thời cơ tiến hành các cuộc đấu tranh kiên cường, bền bỉ giữ đất, giữ làng. Nơi đây là cửa ngõ của căn cứ kháng chiến Đồng Tháp Mười. Giặc Pháp muốn hành quân càn quét vào căn cứ cách mạng, khi đi ngang qua đây đều bị du kích xã đánh chặn, vừa cầm chân, làm tiêu hao sinh lực địch, vừa đánh động, báo hiệu cho quân ta ở tuyến sau chuẩn bị chiến đấu.

Những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Thạnh Phước là nút giao thông huyết mạch để vận chuyển vũ khí, đạn dược, hành quân di chuyển từ căn cứ Ba Thu, từ miền Đông xuống các tỉnh phía Tây, giữ vững đường dây liên lạc chỉ đạo của các cơ quan kháng chiến Nam bộ đối với các tỉnh phía Nam. Nơi đây còn là nơi mở màn cho đợt Đồng khởi năm 1960, để rồi sau đó tiếp tục lập nên nhiều chiến công vẻ vang, hào hùng, góp phần to lớn vào thắng lợi của dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thạnh Phước - Nguyễn Văn Triển cho biết: “Qua tìm hiểu về truyền thống cách mạng của xã, được biết nơi đây ghi dấu chiến thắng 3 trận đánh Thạnh Phước mùa khô năm 1965-1966 trong vòng 92 ngày đêm. Từ ngày 19-12-1965 đến 20-3-1966, quân và dân Kiến Tường cùng các Tiểu đoàn 263, 267, 269 của Quân khu 8 liên tục đánh 3 trận diệt gọn 1 tiểu đoàn, đánh thiệt hại nặng 2 tiểu đoàn biệt kích ngụy, loại khỏi vòng chiến đấu 430 tên địch, bắn rơi 2 máy bay lên thẳng, thu 230 súng và nhiều chiến lợi phẩm. Chiến thắng này một lần nữa tô thắm thêm chiến công của quân và dân ta trên Vùng 6 Kiến Tường (nay là huyện Thạnh Hóa), góp phần khai thông hành lang chiến lược từ biên giới xuống chiến trường trọng điểm của Trung và Tây Nam bộ”.

Truyền thống vẻ vang, hào hùng đó mãi mãi là niềm tự hào, nguồn động viên to lớn để Đảng bộ và nhân dân Thạnh Phước phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ đổi mới, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng khang trang, giúp người dân, nhất là học sinh không còn phụ thuộc vào ghe, xuồng

Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng khang trang, giúp người dân, nhất là học sinh không còn phụ thuộc vào ghe, xuồng

Xây dựng nông thôn mới thời bình

Trước đây, Thạnh Phước là vùng đất bưng biền, chua phèn, mùa lũ nước ngập sâu. Đời sống người dân vô cùng khó khăn, phương tiện đi lại chủ yếu là bằng ghe, xuồng. Khi mới giải phóng, người dân chủ yếu trồng tràm và khoai mì, một thời gian sau thì chuyển sang trồng lúa 1 vụ, năng suất thấp. Thế nhưng, đến nay, hệ thống điện, đường, trường học, trạm y tế xã đều được đầu tư xây dựng khang trang.

Ông Võ Thành Quân (ấp Đình), sinh sống tại vùng đất anh hùng này hơn 42 năm, cho biết: “Nhờ nạo vét kênh, mương nội đồng thường xuyên và người dân áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nên năng suất lúa bình quân đạt 8-8,5 tấn/ha/vụ. Đời sống người dân ngày càng được nâng cao, trẻ em được đến trường học tập, nhân dân được bảo vệ và chăm sóc sức khỏe. Là cựu chiến binh, tôi tiếp tục phát huy bản chất Bộ đội Cụ Hồ, gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế, giáo dục con cháu phát huy truyền thống cách mạng, tích cực học tập và lao động, sản xuất nhằm góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.

Thời gian qua, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, rất nhiều công trình phúc lợi được đầu tư xây dựng. Theo đó, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Xã vận động người dân hiến gần 40ha đất, 58 tỉ đồng và nhiều ngày công lao động để xây dựng NTM. Từ đó, các tuyến đường trục xã, trục ấp, ngõ xóm và trục chính nội đồng đều được đầu tư xây dựng đạt chuẩn NTM giúp người dân, nhất là học sinh đi lại dễ dàng, giao thương hàng hóa được thuận tiện, không còn lệ thuộc vào ghe, xuồng như trước đây.

Hộ sử dụng nước sạch đạt 65% giúp đời sống người dân được nâng cao

Hộ sử dụng nước sạch đạt 65% giúp đời sống người dân được nâng cao

Ông Nguyễn Văn Triển thông tin: “Sau nhiều năm nỗ lực, Thạnh Phước được công nhận đạt chuẩn NTM vào tháng 02/2018. Hiện tiêu chí môi trường và tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế khó đạt bền vững. Vì vậy, các ngành, đoàn thể xã thường xuyên phát động tổng vệ sinh trong toàn xã, khơi thông dòng chảy, phát quang hành lang giao thông, trồng hoa, cây xanh ven các tuyến đường nhằm tạo môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp, đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân”.

Toàn xã có 1.912 hộ dân. Diện tích sản xuất lúa 5.333ha, 65ha cây ăn trái (thanh long, mít, chanh không hạt) và 776ha đất trồng tràm. Hiện thu nhập bình quân đầu người đạt 48 triệu đồng/năm. Hộ nghèo chỉ còn 39 hộ, chiếm 1,58%; trước khi xây dựng xã NTM (năm 2013) chiếm 8,4%. Xã phấn đấu đến cuối năm 2020, không phát sinh thêm hộ nghèo mới. Hộ dân sử dụng điện sinh hoạt và nước hợp vệ sinh đạt 99,8%, sử dụng nước sạch đạt 65%. Người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 85,4%.

Tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng xã có sân bóng đá, bóng chuyền; tủ sách pháp luật và các thiết chế văn hóa được đầu tư. Xã còn thành lập được 4 câu lạc bộ đờn ca tài tử, 5 câu lạc bộ bóng đá và 5 câu lạc bộ bóng chuyền ở 5 ấp giúp người dân luyện tập thể dục, giao lưu văn nghệ nâng cao sức khỏe và đời sống tinh thần.

Thời chiến, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân Thạnh Phước đoàn kết làm nên nhiều chiến công oanh liệt, góp phần đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giành lại độc lập, tự do, cơm no, áo ấm cho nhân dân. Thời bình, Đảng bộ và nhân dân trong xã chung tay, góp sức tạo nên sức sống mới, diện mạo mới, xứng đáng với truyền thống anh hùng./.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết