Tiếng Việt | English

01/03/2018 - 17:04

Tháo “nút thắt” trong công tác giảm nghèo

Thời gian qua, tỉnh thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo: Cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, hỗ trợ tiền điện, miễn, giảm học phí, giới thiệu việc làm, cho vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh,... góp phần giúp người nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, còn một số hộ nghèo có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, tổ chức,... và không muốn thoát nghèo.

Nỗ lực giảm nghèo      

Với nhiều giải pháp và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đoàn thể, công tác giảm nghèo của tỉnh đạt nhiều kết quả khả quan. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm qua từng năm, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống ổn định. Cụ thể, cuối năm 2016, toàn tỉnh có 14.198 hộ nghèo, chiếm 3,57%; 15.006 hộ cận nghèo, chiếm 3,78%. Đến cuối năm 2017, giảm còn 11.852 hộ nghèo, chiếm 2,92%; 14.987 hộ cận nghèo, chiếm 3,70%.

Xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Long An là một trong những địa phương thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo. Phó Chủ tịch UBND xã Dương Xuân Hội - Hồ Thanh Hùng cho biết: “Cuối mỗi năm, xã tổ chức điều tra, rà soát hộ nghèo và các hộ có nguy cơ tái nghèo để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Những hộ nghèo còn trong độ tuổi lao động, xã giới thiệu vào làm việc tại các kho thanh long hoặc hỗ trợ vay vốn sản xuất. Đối với những hộ nghèo neo đơn, bệnh tật, xã vận động mạnh thường quân, nhà hảo tâm giúp đỡ. Với những biện pháp trên, thời gian qua, xã không để phát sinh hộ nghèo và tái nghèo. Hiện nay, toàn xã còn 13 hộ nghèo, chiếm 0,98%, 25 hộ cận nghèo, chiếm 1,89%”.

Là hộ vừa thoát nghèo, xây dựng được căn nhà khang trang, ông Nguyễn Văn Nhung (ngụ ấp Vĩnh Xuân A, xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành) phấn khởi: “Tết năm nay, gia đình tôi ăn tết lớn! Con cháu về đầy đủ, có chỗ ngủ lại qua đêm. Mấy năm trước, “nhà dột, cột xiêu” lại chật hẹp nên con cháu không có chỗ nghỉ. Cũng nhờ xã giới thiệu tôi làm bảo vệ tại một kho thanh long và hỗ trợ vay vốn nuôi gà nên gia đình tôi có thu nhập ổn định. Xã còn vận động mạnh thường quân hỗ trợ 30 triệu đồng, giúp tôi xây lại căn nhà”.

Năm 2017, gia đình chị Lê Thị Loan được xét thoát nghèo

Năm 2017, gia đình chị Lê Thị Loan được xét thoát nghèo

Hay đó còn là niềm vui của gia đình chị Lê Thị Loan, ngụ ấp Vàm Kinh, xã Bình An, huyện Thủ Thừa. Trước đây, chị Loan không có vốn sản xuất lại phải nuôi 2 con nhỏ nên cuộc sống gia đình luôn “thiếu trước, hụt sau”. Biết được hoàn cảnh gia đình chị, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho chị vay vốn chăn nuôi gà. Nhờ chăn nuôi hiệu quả, năm 2017, gia đình chị Loan thoát nghèo.

Còn tâm lý trông chờ, ỷ lại

Cứ ngỡ, hộ nghèo nào cũng vui mừng khi được thoát nghèo nhưng thực tế, có một số hộ nghèo lại không muốn thoát nghèo bởi Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ hộ nghèo, khi thoát nghèo đồng nghĩa với việc họ không được hưởng những chính sách đó. Thậm chí, nhiều người còn viết đơn xin được thuộc diện hộ nghèo và gởi đơn khiếu nại khi địa phương xét thoát nghèo.

Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thủ Thừa - Huỳnh Văn Kính chia sẻ: “Địa phương luôn nỗ lực để người nghèo có điều kiện sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững. Song, một số người không tích cực để thoát nghèo mà cứ trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước”. Như trường hợp của ông Nguyễn Văn Bánh, ngụ ấp Vàm Kinh, xã Bình An. Gia đình ông thuộc diện hộ nghèo và cũng là hộ khó thoát nghèo. Em trai ông Bánh chia sẻ: “Sáng sớm, anh ấy phải uống vài ba ly rượu mới chịu được, rượu vào, lại kiếm chuyện chửi vợ con và hàng xóm. Con trai anh Bánh không nghề nghiệp, suốt ngày tụ tập ăn chơi. Chi phí sinh hoạt của cả gia đình chỉ trông chờ vào tiền gia công hạt điều của vợ anh ấy. Tình trạng này kéo dài, không biết đến bao giờ, gia đình anh Bánh mới thoát nghèo”.

Bà Võ Thị Đẹp là hộ nghèo, tàn tật, sống neo đơn nên không thể thoát nghèo

Bà Võ Thị Đẹp là hộ nghèo, tàn tật, sống neo đơn nên không thể thoát nghèo

Bên cạnh một số hộ không muốn thoát nghèo, còn một số hộ không thể thoát nghèo. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Long Cang, huyện Cần Đước - Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết: “Xã có 22 hộ nghèo, trong đó có 10 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ. Đây cũng là những hộ khó thoát nghèo nhất, bởi tất cả có hoàn cảnh neo đơn, bệnh tật và không còn khả năng lao động”. Bà Võ Thị Đẹp, ngụ xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, chia sẻ: “Tôi lớn tuổi, bị mù và liệt 2 chân lại sống một mình thì làm sao có thu nhập để thoát nghèo?”.

Đa số người nghèo trình độ nhận thức thấp. Do đó, họ dễ có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà Nước. Một số hộ khi sau thoát nghèo lại không chí thú làm ăn nên dễ tái nghèo.

Để giải quyết những khó khăn trong công tác giảm nghèo, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Hoa Thanh Niên cho biết: “Thời gian tới, ngành tăng cường phối hợp các cơ quan, tổ chức liên quan tuyên truyền về giảm nghèo, giúp người nghèo hiểu rõ chính sách trợ giúp của Nhà nước, đồng thời điều chỉnh những hạn chế của chính sách theo hướng giảm dần. Ngoài ra, cần tăng hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất, nâng cao nhận thức, giúp họ thoát nghèo bền vững, khắc phục tình trạng người nghèo trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước; khuyến khích họ chí thú làm ăn, cố gắng vươn lên ổn định cuộc sống. Đó là trách nhiệm của cộng đồng, cùng chung tay chăm lo cho người nghèo để không ai bị bỏ lại phía sau”./.

Thiên Minh

Chia sẻ bài viết