Tiếng Việt | English

01/03/2023 - 14:30

Thầy thuốc không lương

Không vì danh cũng chẳng vì lợi, những lương y tại các phòng thuốc Nam từ thiện vẫn lặng lẽ gắn bó với công việc khám bệnh, bốc thuốc miễn phí cho bệnh nhân (BN). Họ hành nghề chủ yếu bằng cái tâm với hy vọng chia sẻ một phần khó khăn với BN nghèo.

Sống hết mình và tận tâm với nghề

Dù tuổi đã xế chiều nhưng vào chủ nhật hàng tuần, lương y Lê Thị Sanh (hay còn gọi cô Tư, SN 1940, ngụ thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) đi xe Honda ôm đến Phòng thuốc từ thiện Pháp Đàn (xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức) khám bệnh, bốc thuốc miễn phí cho BN nghèo gần 20 năm qua.

Phòng thuốc từ thiện Pháp Đàn - nơi lương y Lê Thị Sanh dành nhiều tâm huyết

Chủ tịch Hội Đông y huyện Bến Lức - Phạm Thanh Nhã cho biết: “Cô Tư hơi khó tính nhưng thương BN lắm! Cả cuộc đời cô đều gắn bó với các phòng thuốc Nam từ thiện trong và ngoài tỉnh. Giờ sức khỏe cô yếu, gia đình không cho khám bệnh, bốc thuốc miễn phí nữa, vậy mà cô vẫn đều đặn đến khám bệnh, bốc thuốc cho BN nghèo”.

Với lương y Lê Thị Sanh, gần cả cuộc đời gắn bó với công tác thiện nguyện, niềm vui lớn nhất chính là được tận mắt chứng kiến những BN của mình hồi phục và sống khỏe mạnh, hạnh phúc từng ngày. Cô Tư trải lòng: “Mỗi lần được đón tiếp những BN từng khám bệnh, lấy thuốc quay trở lại cùng bạn bè, người thân, gửi những lời cảm ơn chân thành đến mình, tôi lại được tiếp thêm động lực để gắn bó và nỗ lực hơn với nghề”.

Năm 22 tuổi, cô Tư “bén duyên” với Đông y, ngần ấy thời gian, cô luôn tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu các bài thuốc mới. Đặc biệt, cô còn truyền ngọn lửa nhiệt huyết, cái tâm của người thầy thuốc cho thế hệ sau. Nhìn dáng vẻ khỏe khoắn, bàn tay nhanh nhẹn gói cẩn thận từng thang thuốc cho BN, gương mặt hiền từ và dễ gần, không ai nghĩ vị lương y này đã hơn 80 tuổi. Hiện nay, điều cô Tư trăn trở nhất là nhịp sống hối hả, nhiều người bị cuốn vào guồng quay của “cơm, áo, gạo, tiền”, từ đó việc khám bệnh, phát thuốc miễn phí của các phòng thuốc Nam từ thiện sẽ không có người kế thừa tốt.

Cô Tư cho biết thêm: “Cuộc sống hiện đại, ai cũng cần có thu nhập để duy trì cuộc sống. Do đó, mình không thể ép bất cứ ai đến đây học nghề, khám bệnh, bốc thuốc miễn phí cho người nghèo, tất cả phải trên tinh thần tự nguyện. Riêng tôi đến với nghề này cũng là cái duyên, cái nợ nên mới gắn bó lâu dài”.

Lương y Lê Thị Sanh khám bệnh miễn phí cho bệnh nhân nghèo

Tuổi cao, sức khỏe yếu nhưng chủ nhật hàng tuần, cô Tư đều đến phòng khám bắt mạch, bốc thuốc cho gần 100 BN. BN nào đến khám, cô cũng đều vui vẻ, vừa bắt mạch, vừa trò chuyện, hỏi thăm về hoàn cảnh gia đình, sau đó nhẹ nhàng nhắc nhở các BN phải kiêng cữ những thức ăn không tốt cho sức khỏe; đồng thời, động viên họ cố gắng vượt qua khó khăn, an tâm điều trị bệnh.

Bà Hồ Thị Kim Hoa (TP.HCM) nói: “Tôi bị tai biến nhẹ. Nghe người thân giới thiệu về phòng thuốc từ thiện này nên đến khám, bốc thuốc. Nhờ vậy, tôi đi đứng lại được, sức khỏe dần cải thiện”.

Nhiệt tình, trách nhiệm với công việc

Giản dị, nhiệt tình, vui vẻ, luôn tâm huyết và gắn bó với nghề là những chia sẻ mà người dân huyện Tân Thạnh nói về Phó Chủ tịch Hội Đông y huyện - Nguyễn Văn Nhẹ. Bởi với ông Nhẹ, nghề thầy thuốc là nghề cao quý. Người thầy thuốc không chỉ phải giỏi về chuyên môn mà còn phải có tâm, có đức. Y đức là phẩm chất tốt đẹp, giá trị cốt lõi của người thầy thuốc.

Lương y Nguyễn Văn Nhẹ bên vườn thuốc Nam

Với vai trò Phó Chủ tịch Hội Đông y huyện, ông Nhẹ luôn gương mẫu, tâm huyết, là "cầu nối" các lương y với những BN nghèo. Để bảo đảm có nguồn thuốc sạch và chất lượng, ông trồng vườn thuốc tại các xã, thị trấn. Bên cạnh đó, ông còn đặt những người đi rừng lấy cho ông những cây thuốc tốt và đạt chất lượng. Ông cũng tham gia Chương trình đào tạo Đông y chuyên sâu của Hội Đông y tỉnh để nâng cao tay nghề.

Ngoài ra, ông luôn giữ và tạo mối quan hệ tốt với các tổ chặt thuốc Nam từ thiện tại các tỉnh miền Tây nhằm duy trì nguồn thuốc ổn định cho các phòng thuốc từ thiện trên địa bàn huyện. Trong quá trình khám, chữa bệnh cho BN nghèo, ông tạo điều kiện cho nhiều người được học tập nâng cao trình độ, với mong muốn đào tạo lớp người kế thừa cho mai sau.

Bận rộn với công việc của Hội, lương y Nguyễn Văn Nhẹ vẫn tích cực tham gia hoạt động khám bệnh, bốc thuốc miễn phí vào ngày thứ bảy tại chùa Phật Bửu (thị trấn Tân Thạnh). Mỗi BN đến khám, chữa bệnh đều được ông khám, tư vấn rất nhiệt tình. Những BN nghèo từ lâu đã quen với hình ảnh người thầy thuốc tận tụy, chăm chút từng thang thuốc. Họ nhắc đến ông với nhiều tình cảm đặc biệt trìu mến. Những tình cảm mà ông gửi gắm theo từng thang thuốc, từng lời động viên đã đến với mọi người, mang lại niềm vui, hạnh phúc vô bờ bến và có sức lan tỏa mạnh mẽ không chỉ những người thầy thuốc mà còn cho tất cả mọi người noi theo.

Với những nỗ lực cống hiến cho nền y học cổ truyền, lương y Lê Thị Sanh, Nguyễn Văn Nhẹ vinh dự được nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Đông y, Huy chương Vì sự nghiệp sức khỏe nhân dân và nhiều bằng khen của Trung ương Hội, UBND tỉnh; giấy khen của Hội Đông y tỉnh, huyện,... Song, niềm tự hào của các lương y này chính là nhìn thấy BN khỏe mạnh, vui vẻ./.

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết