Tiếng Việt | English

18/02/2025 - 10:24

Thầy thuốc không lương

Tận tụy, chân thành, tình thương, trách nhiệm là những mỹ từ mà nhiều bệnh nhân (BN) dành cho lương y Trần Thị Yến. Với bà, được phục vụ cộng đồng là một niềm vui, sức khỏe BN ngày càng tốt lên là động lực để tiếp tục cống hiến.

Lương y Trần Thị Yến (Phòng Chẩn trị y học  cổ truyền Thanh Phú, ấp Phước Tú, xã Thanh Phú, huyện Bến Lức) bắt mạch cho bệnh nhân

Chúng tôi đến thăm Phòng Chẩn trị y học cổ truyền Thanh Phú (ấp Phước Tú, xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) lúc nơi này đang tấp nập người. Hàng tuần, các lương y tổ chức khám, bốc thuốc miễn phí vào thứ tư, chủ nhật; vật lý trị liệu các ngày trong tuần, trừ thứ hai và thứ bảy. Mỗi ngày, có từ 60-80 BN đến khám, bốc thuốc miễn phí. Các thầy thuốc đều có chứng chỉ hành nghề, cơ sở được Sở Y tế cấp phép hoạt động vào năm 2014.

Tuy phòng chẩn trị này hoạt động mới hơn 10 năm nhưng công tác thiện nguyện được gia đình lương y Trần Thị Yến duy trì 5 đời. Bà cố của bà Yến ngày xưa có bài thuốc trị đẹn (còn gọi là bệnh nấm lưỡi, thường xuất hiện ở trẻ nhỏ) rất hay, giúp được rất nhiều người trong vùng. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng bà không lấy tiền của ai, dân thương nên “trả công” vài lít gạo, đàn con nhờ đó lớn lên. Ông thân sinh bà Yến nối tiếp truyền thống gia đình, tích cóp tiền cất ngôi nhà là trụ sở phòng thuốc hiện tại. Ông mong muốn đây sẽ là nơi làm thiện nguyện trị bệnh từ đời này sang đời khác.

Bà Yến biết nghề thuốc hơn 50 năm. Suốt thời gian ấy, bà không nhớ đã chữa khỏi cho bao nhiêu người. Có trường hợp “thập tử nhất sinh”, nhiều nơi từ chối nhưng bà vẫn chữa được, có uy tín trong vùng nhưng bà luôn khiêm tốn. Khi có BN đến khám, bà chỉ cần bắt mạch là nói rõ được triệu chứng, nguyên nhân và cách phòng, trị.

Theo bà Yến, Đông y chú trọng “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Mỗi người, hàng ngày nên ăn, uống, sinh hoạt điều độ, lành mạnh để phòng bệnh. Khi có bệnh, cần nhất là tâm lý bình tĩnh, hiểu đó là cơ chế phòng vệ của cơ thể, cơ thể đang nhắc mình điều chỉnh lại lối sinh hoạt cho phù hợp.

Bà Phạm Thị Bảy (70 tuổi, ngụ ấp Phước Tú, xã Thanh Phú, huyện Bến Lức) cho biết: “Trước đây, tôi bị thoái hóa cột sống, giãn tĩnh mạch chân, đi lại khó khăn. Từ khi đến đây, tôi thấy đỡ nhiều lắm, sức khỏe dần hồi phục. Các thầy thuốc ở phòng khám rất tận tình, chữa bệnh mà không cần tiền bạc gì hết, tôi rất biết ơn!”.

Ngoài bà Yến và các lương y, Phòng Chẩn trị y học cổ truyền Thanh Phú còn được sự chung tay của nhiều người trong địa phương và các tỉnh, thành phố khác. Dù làm công việc không lương nhưng ai cũng nhiệt tình, hết lòng vì sức khỏe BN.

Kinh phí hoạt động của phòng khám đến từ các nhà hảo tâm hoặc các thành viên, BN góp vào. Nguồn kinh phí này không ổn định nên cũng ảnh hưởng đến việc tìm mua cây thuốc và các loại thiết bị y tế. Nếu nguồn tiền có dư, bà Yến và các thành viên trích ra làm công tác xã hội như tặng tập, sách cho học sinh, bánh trung thu, quà tết cho người có hoàn cảnh khó khăn,.../.

Lê An

Chia sẻ bài viết