Hài lòng với hiện tại
Những ngày này, chị Trần Thanh Loan (SN 1987, ngụ ấp Chánh, xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa) đang tất bật lo visa để đưa ba mẹ đi du lịch Hàn Quốc. Từ ngày tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định, mỗi năm đến hè, chị Thanh Loan đều sắp xếp đưa ba mẹ đi chơi, nghỉ dưỡng, thưởng lãm thiên nhiên. “Gần cả cuộc đời, ba mẹ đã khổ cực nuôi mình khôn lớn. Vì vậy, khi cuộc sống đã tạm ổn, có thể chưa giàu nhưng trong điều kiện cho phép, tôi cố gắng sắp xếp công việc, thời gian để đưa ba mẹ đi du lịch. Đó cũng là cách báo hiếu công ơn ba mẹ. Nhìn ba mẹ vui trong mỗi chuyến đi, tôi cũng cảm thấy vui, hạnh phúc” - chị Thanh Loan nói.
Ba mẹ chị Thanh Loan đều là nông dân chân lấm tay bùn. Quanh năm, vợ chồng ông Trần Thanh Việt (ba chị Loan) lam lũ với ruộng rau màu, đàn bò vài con. Chị Thanh Loan và em gái Trần Thanh Tuyền lớn lên, có con chữ, cái nghề đều nhờ liếp cà, rẫy dưa,... của ba mẹ. Nhiều lúc hàng xóm hay trêu đùa “Có 2 đứa con gái, mai mốt lớn rồi cũng gả đi lấy chồng, vất vả lo toan quá làm gì?”. Khi ấy, ông Việt chỉ cười, rồi đáp: “Đời mình làm nông đã vất vả nên phải ráng cho con học hành, sau này không phải ruộng sớm đồng trưa”.
Hình ảnh ba mẹ tảo tần, chắt chiu nuôi chị em khôn lớn đã trở thành động lực để chị Thanh Loan và Thanh Tuyền cố gắng học hành, không phụ lòng ba mẹ. Hiện tại, chị Thanh Loan có gia đình riêng và công tác ở Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM. Cuối tuần, vợ chồng chị về quê Đức Hòa thăm ba mẹ, quây quần vui vẻ bên nhau. Còn Thanh Tuyền đang làm việc tại Nhật Bản. Đến nay, Thanh Tuyền gắn bó với xứ sở hoa anh đào đã 6 năm. Xa nhà, nỗi nhớ thường đầy vơi nên ba mẹ ở quê nhà chính là động lực để em cố gắng làm việc nơi đất khách quê người.
Mỗi năm đến hè, chị Trần Thanh Loan (ấp Chánh, xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa) đều đưa ba mẹ đi du lịch
Thanh Tuyền chia sẻ: “Tôi chọn đi làm việc ở Nhật Bản để có thu nhập cao, gửi tiền về lo cho ba mẹ. Những năm tháng ở Nhật, nhiều lúc buồn, nhớ nhưng nghĩ đến ba mẹ, tôi lại có thêm động lực để đi tiếp hành trình. Thấy tôi sống tốt, có việc làm ổn định, ba mẹ cũng an lòng. Khi nào nhớ nhà thì tôi lại sắp xếp về thăm”.
Hiện tại, cuộc sống gia đình ông Việt tuy chưa giàu nhưng đã ổn. Ông bà không còn làm ruộng vì tuổi đã 60. “Hai con đã lớn, có nghề nghiệp lo cho cuộc sống riêng nên cũng đến lúc vợ chồng tôi “nghỉ hưu”. Giờ vợ chồng tôi chỉ nuôi vài con bò, mấy chục con gà cho khỏi buồn tay, buồn chân với cũng có đồng vào, đồng ra mà không phụ thuộc hoàn toàn vào 2 con gái” - ông Việt trải lòng.
Tiếp lời chồng, vợ ông Việt nói vui: “Tuy chưa giàu nhưng vợ chồng tôi hài lòng với cuộc sống hiện tại. Giờ có ai trêu đùa chuyện ngày trước không sinh thêm con trai để về già không quạnh hiu, tôi đều vui vẻ trả lời: Con nào cũng là con. Đôi khi, ruộng sâu trâu nái không bằng 2 cô con gái trong nhà”.
Hai cô con gái biết yêu thương nhau, chăm lo cho cha mẹ dù không cận kề sớm hôm và rất đỗi thảo hiền là niềm tự hào, niềm vui, hạnh phúc của ông bà. Còn với chị Thanh Loan và Thanh Tuyền, ba mẹ mãi là điểm tựa, động lực để mỗi người cố gắng trong công việc, cuộc sống. Ở gia đình nhà nông ấy, cuộc sống bình yên như vậy đã là thành công.
Chỗ dựa vững chắc
Đã gần 3 năm trôi qua từ ngày em gái mất do Covid-19 nhưng mỗi khi ai đó vô tình nhắc đến, chị Nguyễn Thị Trợ (xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh) lại rưng rưng nước mắt. Chị thương đứa em gái xấu số và thương 3 đứa cháu còn quá nhỏ đã sớm chịu cảnh mồ côi mẹ. Gia đình chị Trợ không mấy khá giả nhưng nhìn 3 đứa nhỏ sống cảnh bơ vơ, chị quyết lòng thay em gái nuôi dạy các cháu lớn khôn. Lúc nhận 3 cháu thơ về nuôi, trong đó, bé Phạm Nguyễn Yến Anh còn đỏ hỏn, chưa được 10 ngày tuổi, chuyện chăm lo không hề dễ dàng. "May nhờ chồng hỗ trợ chuyện chăm sóc bé Yến Anh chứ mình tôi cũng khá vất vả. Thấy hoàn cảnh 3 đứa nhỏ tội quá nên phía nhà chồng tôi đều đồng tình nhận chăm sóc, nuôi dạy bọn trẻ. Mẹ chồng tôi thương yêu 3 đứa nhỏ như cháu ruột trong nhà” - chị Trợ chia sẻ.
Từ ngày mẹ mất do Covid-19, chị em bé Phạm Nguyễn Yến Anh sống trong tình thương của dì ruột - chị Nguyễn Thị Trợ (xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh)
Hiểu được sự vất vả và tấm lòng yêu thương của chị Trợ nên từ ngày mẹ mất, 3 đứa nhỏ ngoan ngoãn và tự lập hơn. Bé Huỳnh Anh thường xuyên đỡ đần chị Trợ chăm sóc và chơi cùng hai em. Bé Thịnh cũng không còn khóc nhè như lúc trước, riêng bé Yến Anh bú no là ngủ, thức dậy thì ngồi chơi cùng anh chị. Cả 3 đứa trẻ xem chị Trợ là mẹ đẻ. Chỉ vậy thôi cũng tạo thêm động lực cho chị trong hành trình thay em gái làm mẹ 3 đứa con thơ.
Sức mạnh của tình thâm sẽ là điểm tựa để chị Trợ đủ tâm, đủ sức nuôi dạy chị em Huỳnh Anh nên người. Còn 3 đứa trẻ ấy, theo năm tháng cũng sẽ lớn dần, vết thương trong tâm hồn cũng sẽ nguôi ngoai nhờ tình thương, nhờ điểm tựa mang tên gia đình từ người dì ruột.
Còn em Nguyễn Ngô Thành Nhân (SN 2008, ngụ xã Bình Quới, huyện Châu Thành) mới 15 tuổi nhưng kể từ ngày ba mất do Covid-19, đã phải lo toan chuyện tiền sinh hoạt trong gia đình và thay ba, phụ mẹ chăm sóc em trai. Sau những buổi đến trường, Nhân đều tranh thủ về dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm, đưa rước em trai đi học. Thỉnh thoảng, dành dụm được một ít tiền, em lại mua hoa, trái cây đặt lên bàn thờ ba.
Trước đây, ba mẹ Nhân buôn bán tại huyện Thủ Thừa. Từ ngày ba Nhân mất, mẹ của em bỏ nghề buôn bán, đi làm công nhân tại một công ty trên địa bàn huyện Thủ Thừa để có thu nhập ổn định hàng tháng lo cho con. Để tiện đi làm và chăm sóc hai con, chị Ngô Thị Bé (mẹ của Nhân) thuê trọ tại xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa.
Em Nguyễn Ngô Thành Nhân (xã Bình Quới, huyện Châu Thành) học nghề may để mẹ giảm gánh nặng về chi phí học tập
Hiểu được nỗi nhọc nhằn của mẹ, Nhân cố gắng học hết lớp 9 và đăng ký học nghề may công nghiệp tại Trường Cao đẳng Long An. Nhân suy nghĩ “chỉ có học mới thoát nghèo, mới có điều kiện sau này thay ba chăm sóc mẹ và em trai. Hơn nữa, đi học nghề may công nghiệp, em được trường miễn học phí nên mẹ sẽ vơi bớt nỗi lo. Còn tài liệu, sách vở, em tiết kiệm tiền ăn sáng để mua”.
Cuộc sống gia đình dẫu còn khó khăn nhưng Nhân giàu ý chí, nghị lực vươn lên. Bởi em là người con hiếu thảo, biết cảm thương khi thấy mẹ một mình tần tảo. Cũng bởi hoàn cảnh khó khăn mà Nhân sớm trưởng thành, hiểu chuyện như thế! Nhân tâm sự: “Trước khi ba mất, em cũng ham chơi, ỷ lại vào ba mẹ. Từ ngày ba mất, em thay đổi, cố gắng học và phụ giúp mẹ để mẹ được an ủi phần nào và an lòng”.
Với những gia đình khuyết như chị em Huỳnh Anh hay Thành Nhân, chỉ cần còn có người thân cận kề làm điểm tựa để vượt qua, vươn lên sau biến cố đã là điều đáng quý. Ở những gia đình ấy, họ chưa giàu sang, chưa nghĩ đến những điều xa vời mà chỉ cần mỗi ngày sống tốt, đủ niềm tin, nghị lực vươn lên là hạnh phúc.
Cuộc sống đôi khi chỉ cần một mái ấm như vậy cũng là thành công theo cách riêng của mỗi gia đình./.
|
Nhiều công nhân trên địa bàn tỉnh phát huy truyền thống, những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam, góp phần xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.
|
Vũ Quang