Tiếng Việt | English

24/10/2016 - 09:46

Thiếu nhà công vụ - Nỗi trăn trở của nhiều giáo viên

Toàn tỉnh Long An hiện còn thiếu 801 phòng với 1.559 giáo viên có nhu cầu ở nhà công vụ. Trong đó, các huyện có nhu cầu cao là: Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Tân Thạnh, Mộc Hóa,...

Hầu hết các trường học đều có giáo viên (GV) ở địa phương khác chuyển đến nhận nhiệm sở, đặc biệt là ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười. Thế nhưng, nơi đây vẫn còn nhiều địa phương không có nhà công vụ kiên cố, GV phải ở các nhà tập thể được tận dụng từ các phòng học cũ hay nhà tạm được dựng từ những khung sắt. Một số địa phương, GV phải thuê phòng trọ để ở. Và, phía sau những ngôi nhà tạm, nhà trọ là biết bao nỗi lo của GV ở nơi vùng sâu ấy.


Giáo viên phải làm việc với chiếc bàn nhỏ đặt trên giường vì phòng chật hẹp

Nhà công vụ chưa đáp ứng đủ nhu cầu

Trên địa bàn thị xã Kiến Tường, nhà công vụ kiên cố chỉ có ở 3 xã biên giới: Thạnh Trị, Bình Hiệp và Bình Tân với gần 30 phòng, đáp ứng nhu cầu ở cho khoảng 60 GV. Nhờ vậy, GV thuận lợi trong việc đi lại, ít tốn kém chi phí cũng như an tâm công tác hơn. Tuy nhiên, nhà công vụ vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của GV. Nhiều GV ở xa trường, bất tiện trong việc di chuyển, đặc biệt, nếu dạy cả ngày thì không có chỗ để nghỉ ngơi.

Cô Nguyễn Thị Soa, nhân viên Thư viện Trường THCS Võ Văn Kiệt (xã Bình Tân) chia sẻ: "Quê tôi ở Nghệ An nên rất muốn được ở nhà công vụ. Tuy nhiên, trước đây, do nhà công vụ không đủ phòng nên tôi phải ở nhờ nhà anh trai cách trường khoảng 12km. Ở xa trường, tôi tốn kém nhiều về chi phí và thời gian đi lại. May nhờ có người chuyển ra nên tôi được xét ở nhà công vụ khoảng 1 năm trở lại đây. Nhờ vậy, tôi an tâm công tác và thuận tiện trong việc nghỉ ngơi vào buổi trưa, bảo đảm sức khỏe để tiếp tục làm việc hiệu quả vào buổi chiều".

Các xã, phường còn lại của thị xã Kiến Tường vẫn chưa có nhà công vụ kiên cố cho GV. Tại 2 xã Tuyên Thạnh và Thạnh Hưng, GV xa quê phải ở trong các nhà tập thể được xây tạm hay các phòng học cũ của trường học. Điều kiện sinh hoạt còn hạn chế, nhiều GV phải ở chung 1 phòng tập thể, chật chội và bất tiện mọi bề. Còn riêng ở địa bàn các phường, không chỉ không có nhà công vụ kiên cố mà nhà tập thể bán kiên cố cũng không có nên các GV xa nhà phải ở nhà trọ. Tuy nhiên, chỗ ở không ổn định, nhiều GV phải di chuyển chỗ trọ nhiều lần.


Ở trong khu nhà tập thể xuống cấp (xã Tân Bình, huyện Tân Thạnh), giáo viên khó an tâm công tác

Nguy hiểm rình rập

Ở huyện Tân Thạnh, tất cả các xã, thị trấn đều chưa có nhà công vụ kiên cố. Các GV phải ở nhà tập thể là nhà tạm, dựng lên bởi những khung sắt được xã hội hóa hay các phòng học cũ của trường. Điều kiện nhà tập thể khó khăn, xuống cấp nhưng nhiều phòng phải “tải” từ 4 đến 8 GV. Đặc biệt, một số nhà tập thể bị hư hại nghiêm trọng, rất nguy hiểm vào mùa mưa lũ.

Tại xã Tân Bình, khu nhà tập thể của GV bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhà được dựng bởi các khung sắt nhưng một số cây cột bị mục gần như đứt phân nửa. Nền nhà cũng nhiều hư hỏng, mái nhà thì thường xuyên bị dột mưa. Các GV phải căng những tấm bạt để ngăn nước mưa.

Cô Hà Như Quỳnh, GV môn Lịch sử Trường Tiểu học và THCS Tân Bình chia sẻ: "Phòng vợ chồng tôi ở khoảng 15m2, nơi nấu ăn, chỗ ngủ và để các vật dụng cần thiết chiếm hết cả diện tích phòng. Soạn giáo án hay chấm bài kiểm tra, tất cả phải làm trên chiếc bàn nhỏ đặt trên giường ngủ. Nỗi lo lắng nhất của tôi là khu nhà tập thể xuống cấp, có thể bị sập bất cứ lúc nào khi có mưa giông, bão lớn. Do đó, các thầy giáo ở khu tập thể thường xuyên chặt bớt các cây có tán nghiêng về phía khu nhà, tuy vậy, các GV nơi đây cũng rất lo lắng mỗi khi trời mưa bão. Tôi rất mong trên địa bàn xã có nhà công vụ, GV được ở nơi an toàn, sạch sẽ, từ đó an tâm công tác hơn".

Không chỉ những nỗi lo mà cô Quỳnh chia sẻ, tại khu nhà tập thể này còn nhiều khó khăn hơn nữa. Khu nhà không có nhà vệ sinh, phòng tắm riêng, GV phải dựng tạm một phòng tắm cho mọi người cùng sử dụng. Riêng nhà vệ sinh thì dùng chung với nhà vệ sinh của trường. Các phòng tập thể nam, nữ thì nhỏ hẹp, có nhiều người cùng ở, bất tiện trong sinh hoạt.


Nhà công vụ với đầy đủ tiện nghi, giáo viên thuận lợi trong sinh hoạt hàng ngày

Cần thêm nhà công vụ

Hiện toàn tỉnh có khoảng 330 phòng thuộc nhà công vụ kiên cố, bán kiên cố, nhà tạm cho GV với tổng số 859 GV ở, trong đó có 60 phòng kiên cố được đầu tư xây mới theo Đề án "Kiên cố hóa trường lớp" giai đoạn 2008-2012. Tuy nhiên, theo đề án, nhà công vụ chỉ được ưu tiên cho các xã biên giới, xã có vùng kinh tế đặc biệt khó khăn. Do đó, ở các địa phương khác, nhu cầu nhà công vụ của GV còn rất lớn.

Theo khảo sát của Sở Giáo dục và Đào tạo về nhu cầu ở nhà công vụ của GV, toàn tỉnh hiện còn thiếu 801 phòng với 1.559 GV có nhu cầu ở. Trong đó, các huyện có nhu cầu cao là: Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Tân Thạnh, Mộc Hóa,... Trước thực tế đó, Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng Đề án "Xây dựng nhà công vụ cho GV" giai đoạn 2016-2020 để trình UBND tỉnh phê duyệt. Mục tiêu đề án giúp đội ngũ GV đang công tác xa nhà được ổn định đời sống, góp phần cùng ngành nâng cao chất lượng giáo dục ở từng địa phương.

Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo - Hồ Văn Hậu cho biết: Loại hình nhà công vụ hiện nay đa số là nhà tạm và bán kiên cố được xây dựng lâu năm, chưa được sửa chữa thường xuyên nên xuống cấp rất nhiều. Do đó, việc xây mới nhà công vụ cho GV là nhu cầu rất cần thiết. Nếu đề án được phê duyệt, việc xây nhà công vụ sẽ được ưu tiên xây dựng trước ở các địa phương chưa có nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của GV hiện nay.

Nhà công vụ hiện là nhu cầu cấp thiết của GV hiện nay. Đó cũng là một trong những điều kiện quan trọng để GV tiếp tục nhiệt huyết, đam mê với nghề, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục địa phương. Đặc biệt, những GV ở nhà tập thể tạm trong điều kiện khó khăn, nguy hiểm rình rập càng mong mỏi được ở nhà công vụ để có thể "an cư, lạc nghiệp".

Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Tân Bình - Trần Văn Hiền (xã Tân Bình, huyện Tân Thạnh):

Hiện khu tập thể có 4 phòng, gồm 2 gia đình và 2 phòng tập thể nam, nữ với 11 GV ở. Tuy nhiên, khu nhà bị xuống cấp, rất nguy hiểm cho GV. Ngoài ra, sắp tới, trường tiếp nhận thêm 4 GV ở nơi xa đến, gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí nơi ở cho GV. Hiện, trường đề xuất cấp trên xây nhà công vụ, đáp ứng nhu cầu chỗ ở, sinh hoạt cho GV xa quê, giúp họ an tâm công tác và gắn bó lâu dài với địa phương.

Cô Phạm Thị Cẩm Nhung, GV Trường Tiểu học Nguyễn Tấn Kiều (phường 1, thị xã Kiến Tường):

Ở tại trung tâm của thị xã, chi phí sinh hoạt cao, nhiều GV gặp khó khăn khi không có nhà công vụ hay nhà tạm để ở. Nhờ nhà trường tạo điều kiện để tôi được thuê phòng trọ giá rẻ của Nhà nước nên chi phí đỡ được phần nào. Tuy nhiên, phòng trọ gia đình tôi thuê là 1 phòng ngăn đôi cho 2 gia đình, diện tích nhỏ, sử dụng nhà vệ sinh chung nên bất tiện trong sinh hoạt. Dù vậy, vẫn phải chấp nhận thuê để giảm chi phí cho gia đình. Thế nhưng, chỗ ở cũng không ổn định, chỉ được ký hợp đồng thuê từng năm. Tôi rất mong các cấp, ngành giáo dục quan tâm xây nhà công vụ để GV an tâm công tác, bớt đi những gánh nặng về kinh tế./.

Ngọc Thạch 

Chia sẻ bài viết